Khánh Hòa thu hút đầu tư đảm bảo tăng trưởng 2 con số
Năm 2025, tỉnh Khánh Hòa bước vào thời kỳ 'nâng tầm và phát triển', duy trì đà tăng trưởng 2 con số, để đến năm 2030 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất của cả nước, thu nhập bình quân của người dân cao hơn 1,75 lần bình quân của cả nước.
Theo đó, việc đổi mới thu hút đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp, đô thị có quy mô lớn là giải pháp được địa phương này triển khai quyết liệt.
Hơn 30 năm trước, tỉnh Khánh Hòa đã sáng tạo trong thu hút các dự án liên kết, đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân tại miền Trung. Địa phương này sớm có những doanh nghiệp công nghiệp, chế biến, du lịch quy mô hàng đầu cả nước như nhà máy thuốc lá, nhà máy đóng tàu, nhà máy thủy sản... Nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn Khánh Hòa đầu tư các khu nghỉ dưỡng, vui chơi 5 sao, góp phần xây dựng thành phố Nha Trang thành thương hiệu du lịch lớn trong khu vực.

Khánh Hòa là vùng đất giàu truyền thống văn hóa
Chuyên gia kinh tế Trần Sỹ Chương, quê ở Nha Trang, từ Hoa Kỳ trở về nước làm việc, nhận định rằng Khánh Hòa đã chọn được những doanh nghiệp lớn không chỉ phát triển dự án, tăng nguồn thu ngân sách mà quan trọng nhất là đào tạo lao động chất lượng cao. Đây là kinh nghiệm quý nhất trong thu hút đầu tư của Khánh Hòa.
“Nên chọn bạn mà chơi, thu hút các nhà đầu tư chất lượng cao vì họ tạo ra công ăn, việc làm giá trị cao. Những người này cũng sẽ đào tạo nhân lực cho mình. Hiện nay, nếu chỉ đào tạo suông, nghĩa là thấy người ta có nhu cầu gì mình đào tạo thì sẽ không bao giờ đuổi kịp nhu cầu của xã hội. Tỉnh Khánh Hòa nên hợp tác với nhà đầu tư đào tạo, luôn bắt kịp nhu cầu của họ, từ dịch vụ ăn uống đến bán dẫn, đúng người, đúng việc” - ông Trần Sỹ Chương chia sẻ.

Tỉnh Khánh Hòa có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế biển
Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, tỉnh Khánh Hòa đặc biệt quan tâm tháo gỡ điểm nghẽn kết cấu hạ tầng. Toàn tỉnh có 16 cảng biển, trong đó có nhiều cảng biển quốc tế mới như Cam Ranh, Nam Vân Phong. Lĩnh vực hàng không, sân bay quốc tế Cam Ranh đã đầu tư nhà ga quốc tế, đường băng số 2, tỉnh Khánh Hòa cũng đã đề xuất Trung ương cho phép đầu tư sân bay quốc tế thứ 2 tại Vân Phong. Trên địa bàn tỉnh đã thi công 4 dự án cao tốc, tổng chiều dài hơn 160km, trong đó 3 dự án đã đưa vào khai thác, riêng dự án cao tốc Vân Phong- Nha Trang dự kiến khai thác trước 30/6/2025.
Tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Lâm Đồng đang phối hợp, đề xuất Trung ương cho phép đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Nha Trang- Đà Lạt, rút ngắn thời gian giao thương giữa 2 trung tâm du lịch.

Du khách đến Khánh Hòa bằng đường tàu biển
Ông Phạm Văn Chi, Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, các dự án hạ tầng giao thông đã phát huy hiệu quả, thuận lợi cho việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư.
“Hiện nay, nếu chúng ta phát triển thêm hạ tầng giao thông như mở tuyến đường lên thẳng sân bay Liên Khương, Đà Lạt thì quá tốt. Qua đó, tạo điều kiện cho người dân phát triển ngành nghề, nâng cao đời sống. Ở vùng này, thuận tiện là không phải giải tỏa vì đi qua núi. Khó khăn nhất, quan trọng là phải chọn đơn vị thi công đủ sức vượt qua nhiều núi, nhiều đèo, qua thung lũng thì phải bắc cầu, khó về công nghệ”, ông Chi nói.

Tỉnh Khánh Hòa có nhiều cảng biến quốc tế hiện đại
Tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu từ năm 2025 trở đi, tiếp tục tăng trưởng liên tục 2 con số trong vòng 10 năm, đưa quy mô kinh tế từ nhóm 30 lên nhóm 15 của cả nước. Đến nay, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành kế hoạch tăng trưởng, trong đó, GRDP 10,5%, vốn đầu tư 96 ngàn tỷ đồng, thu ngân sách gần 25 ngàn tỷ đồng. Các lĩnh vực như dịch vụ tiêu dùng, chỉ số sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, lượng khách du lịch đều tăng trưởng trên 10%. Đây là mức tăng trưởng cao trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.
Tỉnh ủy Khánh Hòa đã nêu ra 50 nhiệm vụ đột phá trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội. Ở từng nhiệm vụ đột phá, tỉnh đều giao trách nhiệm cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị, địa phương và phải đảm bảo 5 rõ: rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm, rõ kết quả.
Ông Châu Ngô Anh Nhân, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Ngày trước, chúng tôi thu hút đầu tư nhưng khi nào dự án vào hoạt động lại không chốt thời gian. Thế nhưng, tại 50 nhiệm vụ đột phá ghi rất rõ, ví dụ như đưa các dự án trọng điểm tại Cam Lâm, Vân Phong vào, có mốc thời gian rõ ràng, có cơ quan chủ trì. Được phụ trách toàn diện, hết sức chủ động, không có lý do như bộ, ngành này chưa thông qua nên tôi chưa hoàn thành. Không chấp nhận”.

Sân bay quốc tế Cam Ranh được nâng cấp đường băng số 2, nhà ga quốc tế
Trong 3 tháng đầu năm nay, tình hình kinh tế tỉnh Khánh Hòa tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, tốt hơn so với cùng kỳ năm 2024, tạo động lực mới, khí thế mới. Tỉnh cũng đã hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà đầu tư đối với 6 dự án đầu tư Khu đô thị quy mô lớn ở Khu kinh tế Vân Phong, huyện Cam Lâm, thành phố Nha Trang với tổng số vốn hơn 45 ngàn tỷ đồng. Hiện nay, tăng trưởng các ngành, lĩnh vực trong tỉnh chưa đảm bảo tính bền vững; các động lực tăng trưởng mới chậm được khơi thông.

Du khách Nga hào hứng khi đến tỉnh Khánh Hòa du lịch
Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết, cùng với du lịch, địa phương phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo. Tỉnh sẽ tăng diện tích quy hoạch đất công nghiệp, lựa chọn các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực hạ tầng công nghiệp để phát triển các khu công nghiệp.
“Phải có mức sống cao, thu nhập cao thì không có con đường nào khác phải tăng trưởng liên tục 2 con số. Với điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa với các tuyến đường cao tốc, với quy hoạch đã được duyệt, chúng tôi dứt khoát tập trung vào công nghiệp. Trên 2.000 ha đất công nghiệp, trong năm 2025 và 2026 sẽ lựa chọn xong nhà đầu tư. Vì thế, 5-10 năm đến, Khánh Hòa tăng trưởng liên tục 2 con số là khả thi” - ông Nghiêm Xuân Thành nêu rõ.