Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Việc tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp như quy định hiện hành là cần thiết.

Việc tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp như quy định hiện hành là cần thiết.

Miễn giảm hàng chục nghìn tỷ đồng

Bộ Tài chính cho biết, tổng kết, đánh giá 20 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) cho thấy, tổng số thuế SDĐNN miễn, giảm giai đoạn 2003-2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011-2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017-2018 và đến hết năm 2020 khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2021-2023 trung bình khoảng 7.500 tỷ đồng/năm.

Bộ Tài chính nhận định, chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN là giải pháp có tác động lớn, quan trọng góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo, đồng thời hỗ trợ đối với nông dân, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa.

Việc miễn giảm thuế SDĐNN đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nông dân, tạo việc làm cho khu vực nông thôn, khuyến khích người nông dân gắn bó hơn với đất, yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế...

Trong thời gian tới, việc tiếp tục thực hiện miễn thuế SDĐNN như quy định hiện hành là cần thiết nhằm tục khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Tiếp tục góp phần bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và ổn định kinh tế - xã hội.

Vì trên thực tế, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn khá khiêm tốn. Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy hiện cả nước có khoảng trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, một con số rất khiêm tốn so với tổng số trên 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động ở nước ta.

Số doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 5.5% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, trong đó có khoảng 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. So với tiềm năng và tỷ trọng ngành Nông nghiệp trong nền kinh tế, số lượng doanh nghiệp như hiện nay còn khá ít, quy mô của các doanh nghiệp nông nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo đó, để góp phần đạt mục tiêu về số lượng doanh nghiệp hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2030 và tăng tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3%/năm, việc tiếp tục thực hiện chính sách miễn thuế SDĐNN đối với các tổ chức trực tiếp SDĐNN để sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp hỗ trợ hiệu quả.

Đối với hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp cũng cần phải tiếp tục có chính sách ưu đãi miễn thuế SDĐNN cho giai đoạn tiếp theo nhằm hỗ trợ, khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để đầu tư sản xuất nông nghiệp. Việc thực hiện chính sách miễn thuế SDĐNN đối với hộ gia đình, cá nhân cùng với các chính sách khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sẽ tạo ra thể chế chính sách ưu đãi thống nhất, hợp lý để khuyến khích các nguồn lực đầu tư của xã hội vào lĩnh vực nông nghiệp.

Cùng với đó, chính sách này cũng góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; cũng như hỗ trợ tạo công ăn việc làm cho khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập của người nông dân, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Kéo dài thời gian miễn thuế SDĐNN trong 5 năm

Từ thực tiễn trên, Bộ Tài chính đề xuất xây dựng Nghị quyết để kéo dài thời gian miễn thuế SDĐNN trong 5 năm, kể từ ngày 01/01/2026 đến hết ngày 31/12/2030. Theo Bộ Tài chính, Việt Nam đang trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, có nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhau.

Do tác động nặng nề của dịch bệnh và biến động địa chính trị toàn cầu, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong nửa đầu của kế hoạch 5 năm 2021-2025 đã chậm lại đáng kể. Theo báo cáo kinh tế giữa kỳ 2021-2025 của Quốc hội, việc đảm bảo phấn đấu đạt chỉ tiêu GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7% là rất khó khăn. Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nhiều chính sách ưu đãi cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân đã được ban hành góp phần làm thay đổi đáng kể nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Cùng với đó, trước những diễn biến đa chiều của kinh tế thế giới, với tốc độ tăng trưởng như thời gian qua, hướng tới triển vọng tăng trưởng bền vững trong dài hạn, việc tiếp tục thực hiện chính sách miễn thuế SDĐNN trong giai đoạn 2026-2030 là cần thiết nhằm hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế hậu khủng hoảng, góp phần động viên người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, tạo điều kiện tăng năng suất lao động, cải thiện đời sống, đồng thời cũng đảm bảo phù hợp với quan điểm về nông nghiệp, nông thôn theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Tài chính trình Chính phủ dự kiến tiến độ của dự án Nghị quyết như sau:

- Chính phủ lập đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua đề nghị bổ sung dự án Nghị quyết vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2025 vào tháng 9/2024.

- Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Nghị quyết tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2025).

Thùy Linh

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/bo-tai-chinh-de-xuat-tiep-tuc-mien-thue-su-dung-dat-nong-nghiep.html