Bộ Tài chính dự toán chi ngân sách 5 năm tới lên đến 9,7 triệu tỷ đồng
Chiều 5/11, phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 5 năm tới (2021-2025) với mục tiêu cụ thể tính đến cả các diễn biến của dịch COVID-19
Chiều 5/11, phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 5 năm tới (2021-2025) với mục tiêu cụ thể tính đến cả các diễn biến của dịch COVID-19.
Bộ trưởng cũng cho biết thêm, sự phục hồi kinh tế thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng còn phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch COVID-19. Thế nên, câu chuyện giải chi ngân sách Nhà nước vẫn là một bài toán cần thực hiện cụ thể và rõ ràng.
Cũng theo Bộ trưởng, chúng ta có những thuận lợi cơ bản như: chính trị ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; cơ hội đến từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (EVFTA); sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân cả nước; nhưng bên cạnh đó, trong năm tới vẫn phải yêu cầu duy trì mục tiêu kép, vừa tập trung cho công tác phòng chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh tác động của biến động chính trị - kinh tế thế giới, biến đổi khí hậu, dịch bệnh ngày càng lớn.
Trước những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, chúng ta cần tập trung phòng, chống dịch, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, Chính phủ đã trình Quốc hội và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp, chính sách tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, như: Tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ/năm; giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiêu liệu bay; nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân; giảm tiền thuê đất; gia hạn thời gian nộp thuế GTGT, thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất; gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất trong nước; giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước; Bộ Tài chính đã ban hành theo thẩm quyền 21 Thông tư về giảm, miễn các loại phí, lệ phí.
Bộ Tài chính dự toán thu NSNN năm 2021 trên cơ sở đánh giá sát khả năng thu ngân sách của từng địa phương năm 2020, dự báo kinh tế thế giới; dự kiến dự toán thu ngân sách trên cơ sở GDP tăng 6%, lạm phát dưới 4%, giá dầu 45 USD/thùng. Mặt khác, tác động của đại dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế - xã hội và NSNN không chỉ dừng trong năm 2020, mà sẽ còn sang năm 2021, thậm chí có thể một số năm tiếp theo. Kinh nghiệm các năm 2012 – 2013- 2014, khi kinh tế suy giảm thì tốc độ tăng thu nội địa từ sản xuất kinh doanh này chỉ bằng ½ tốc độ tăng GDP.
Để có thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội và kích cầu trong nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đề xuất bội chi NSNN năm 2021 là 4% GDP (tương ứng là 5% GDP chưa điều chỉnh), tăng 1,5% so với dự toán 2020 (tăng thêm 109 nghìn tỷ đồng). Bội chi NSNN chỉ dành cho đầu tư phát triển (không dành cho chi thường xuyên). Khi đó nợ công năm 2021 là 46,1% GDP điều chỉnh (tương ứng 58,6% GDP chưa điều chỉnh).
Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021 – 2025
Trên cơ sở dự toán NSNN năm 2021 trình Quốc hội; mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 bình quân 6,5 - 7% (theo dự thảo Báo cáo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 trình Đại hội 13 của Đảng), Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Chính phủ dự kiến tổng thu NSNN cả giai đoạn khoảng 7,8 triệu tỷ đồng, gấp 1,1 – 1,2 lần so với giai đoạn 2016 - 2020.
Bên cạnh đó, giai đoạn tới dự kiến thu từ đất và hoạt động XNK cơ bản ngang bằng giai đoạn 2016-2020, thu từ dầu thô chỉ bằng ½ của giai đoạn 2016-2020 và chỉ chiếm 3,3% GDP điều chỉnh của giai đoạn 2021-2025. Mặc dù vậy, mức độ huy động từ thuế, phí bình quân 5 năm tới đạt 13-14% GDP điều chỉnh, cơ bản tương ứng với mức huy động của các nước ASEAN 5.
Đồng thời, phải thực hiện khai thác tốt thuế tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường; hạn chế tối đa việc lồng ghép các chính sách an sinh xã hội trong các sắc thuế và chính sách miễn, giảm, giãn thuế - đảm bảo tính trung lập của thuế, tạo môi trường đầu tư – kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư phát triển.
Tổng mức vay của NSNN giai đoạn 2021 - 2025 là 3,18 triệu tỷ đồng; trong đó: vay bù đắp bội chi là 1,9 triệu tỷ đồng, vay trả nợ gốc đến hạn là 1,27 triệu tỷ đồng. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ có năm có thể vượt 25% tổng thu NSNN và là rủi ro trong việc huy động vốn hàng năm để bù đắp bội chi và trả nợ gốc của Chính phủ.