Bộ Tài chính không đề xuất đánh thuế thu nhập cá nhân với lãi tiền gửi tiết kiệm
Theo Bộ Tài chính, trong Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) mới nhất gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương và người dân, Bộ Tài chính đã đề nghị tiếp tục giữ nguyên quy định về miễn thuế thu nhập cá nhân đối với lãi tiền gửi tiết kiệm như quy định hiện hành.
Góp phần giảm nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế
Trước đó, ngày 22/11/2024, Bộ Tài chính đã có công văn số 12738/BTC-CST lấy ý kiến rộng rãi tổ chức, cá nhân có liên quan về việc xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính. Sau đó, Bộ Tài chính đã tổng hợp, giải trình đầy đủ các ý kiến tham gia.

Ảnh tư liệu minh họa.
Ngày 22/1/2025, Bộ Tài chính đã có công văn số 930/BTC-CST gửi xin ý kiến thẩm định Bộ Tư pháp. Ngày 12/2/2025, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp thẩm định đề nghị xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế).
Sau khi có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) để trình Chính phủ xem xét quyết định trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) dự kiến sẽ báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội đề xuất sửa đổi tổng thể các quy định liên quan đến chính sách thuế thu nhập cá nhân hiện hành với 7 nhóm chính sách.
Nhiều nội dung sau khi được cấp có thẩm quyền thông qua sẽ góp phần giảm nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế, đảm bảo phù hợp với định hướng cải cách hệ thống chính sách thuế nói chung, thuế thu nhập cá nhân nói riêng được xác định trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng và Nhà nước.
Cụ thể như: điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế phù hợp với sự thay đổi về mức sống, chỉ số giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô trong giai đoạn vừa qua và dự báo cho giai đoạn tới đây; sửa đổi, bổ sung về các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo được giảm trừ cũng như các khoản giảm trừ đặc thù khác khi xác định thu nhập tính thuế để thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực như y tế, giáo dục.
Quy định về miễn thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ lãi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng nhằm khuyến khích cá nhân không có nhu cầu đầu tư trực tiếp vào sản xuất, kinh doanh gửi tiền tiết kiệm qua ngân hàng - là kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế, đây cũng là chính sách phúc lợi đối với các đối tượng không có khả năng lao động (người về hưu, người tàn tật...) có nguồn tiền nhàn rỗi gửi vào ngân hàng để nhận lãi.
Bên cạnh đó, điều chỉnh các mức thuế suất cũng như khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế của Biểu thuế lũy tiến từng phần; bổ sung các quy định về miễn, giảm thuế nhằm thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước đối với một số lĩnh vực ưu tiên, về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội…
Đối với lãi tiền gửi tiết kiệm, theo Bộ Tài chính, Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành quy định miễn thuế đối với thu nhập từ lãi tiền gửi tại tổ chức tín dụng, lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, lãi trái phiếu Chính phủ, tiền lương hưu,...
Tại Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) đã gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương và người dân, Bộ Tài chính đã đề nghị tiếp tục giữ nguyên quy định về miễn thuế thu nhập cá nhân đối với lãi tiền gửi tiết kiệm như quy định hiện hành.

Hỗ trợ quyết toán thuế thu nhập cá nhân. Ảnh: TL.
Thuế thu nhập cá nhân là một nguồn thu quan trọng
Theo Bộ Tài chính, nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân cùng với các nguồn thu ngân sách nhà nước khác đã tạo thành quỹ ngân sách nhà nước quan trọng, đảm bảo cân đối nguồn lực cho việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong giai đoạn vừa qua, Bộ Tài chính đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách thuế thu nhập cá nhân theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế. Trong các thời điểm khó khăn, nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế đã được ban hành để hỗ trợ cá nhân vượt qua khó khăn, phát triển kinh doanh, đặc biệt là giai đoạn 2011-2013 và 5 năm gần đây khi đối phó với dịch bệnh Covid-19.
Các chính sách này đã nhanh chóng phát huy hiệu quả thực tiễn, cùng với việc thực hiện các chính sách liên quan khác đã góp phần khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của cá nhân, thể hiện sự chia sẻ của Nhà nước với người dân trong những giai đoạn khó khăn.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, do sự biến động nhanh của kinh tế - chính trị thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, đã phát sinh một số vấn đề cần được nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn, qua đó, kịp thời tháo gỡ vướng mắc và tạo thuận lợi hơn nữa cho người nộp thuế, đảm bảo tính minh bạch, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Tại tờ trình trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính cho biết, Việt Nam có thể giảm số bậc thuế thu nhập cá nhân xuống dưới 7 bậc. Cùng với đó xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao. Theo Bộ Tài chính, việc giảm số bậc thuế sẽ tạo thuận lợi cho công tác kê khai, nộp thuế.