DeepSeek tạo bước ngoặt cho chứng khoán Trung Quốc

Câu chuyện thành công của công ty khởi nghiệp (startup) AI DeepSeek cùng sự thay đổi lập trường quản lý đối với khu vực tư nhân hứa hẹn mở ra một thời kỳ tăng trưởng mới cho chứng khoán Trung Quốc.

Nhờ hiệu ứng tích cực từ DeepSeek, thị trường chứng khoán Trung Quốc bước vào đà tăng bền vững hơn kể từ giữa tháng 1. Ảnh: cryptotimes.io

Nhờ hiệu ứng tích cực từ DeepSeek, thị trường chứng khoán Trung Quốc bước vào đà tăng bền vững hơn kể từ giữa tháng 1. Ảnh: cryptotimes.io

Chứng khoán hồi sinh khi bức tranh công nghệ thay đổi

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đang hồi sinh và trở thành chủ đề bàn luận rôm rả của cộng đồng đầu tư quốc tế trong những tuần gần đây.

Dù chứng khoán Trung Quốc nhổm dậy hồi tháng 10 năm ngoái sau khi Bắc Kinh đưa ra một loạt cam kết kích thích tài khóa và tiêu dùng, nhà đầu tư mất dần niềm tin do các khoản chi tiêu khổng lồ chưa thành hiện thực. Nhưng kể từ giữa tháng 1-2024, chứng khoán Trung Quốc thực sự bước vào đà tăng bền vững, với chỉ số MSCI China, theo dõi cổ phiếu của các công ty vốn hóa lớn và vừa giờ đây phục hồi về mức đỉnh của tháng 10-2024.

Một phần của mức tăng của thị trường cổ phiếu Trung Quốc là không thực chất. Vào giữa tháng 1, Bắc Kinh chỉ đạo các công ty bảo hiểm nhà nước và quỹ thị trường tiền tệ phân bổ vốn nhiều hơn vào cổ phiếu Trung Quốc. Điều đó đẩy tăng giá của nhiều cổ phiếu và thu hút những nhà đầu tư lướt sóng kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn.

Nhưng cũng có yếu tố cơ bản mạnh mẽ hỗ trợ cho đà tăng giá cổ phiếu. Nhà đầu tư đang đánh giá lại triển vọng công nghệ của Trung Quốc và khả năng tận dụng AI của nước này.

Có hai diễn biến quan trọng đang làm thay đổi bức tranh công nghệ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và tạo ra bước ngoặt tích cực cho thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Cộng đồng công nghệ ở Trung Quốc lạc quan và tự tin hơn về triển vọng phát triển AI sau màn ra mắt ấn tượng của DeepSeek. Trong khi đó, người dân trong nước tràn ngập lòng tự hào vì đây là lần đầu tiên Trung Quốc có một sản phẩm công nghệ khiến cả thế giới phải trầm trồ.

Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi (trái) bắt tay Chủ tịch Tập Cận Bình tại một hội nghị chuyên đề của chính phủ với các doanh nghiệp tư nhân ở Bắc Kinh hôm 17-2. Ảnh AP

Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi (trái) bắt tay Chủ tịch Tập Cận Bình tại một hội nghị chuyên đề của chính phủ với các doanh nghiệp tư nhân ở Bắc Kinh hôm 17-2. Ảnh AP

Bắc Kinh phát tín hiệu ủng hộ giới tinh hoa công nghệ

Một sự kiện quan trọng khác gần đây là việc chính phủ Trung Quốc tổ chức hội nghị chuyên đề hiếm hoi với các lãnh đạo của khu vực tư nhân hôm 17-2. Hội nghị quy tụ giới tinh hoa công nghệ của Trung Quốc từ nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi và Chủ tịch BYD Vương Truyền Phúc cho đến nhà đồng sáng lập Alibaba, Mã Vân (Jack Ma) và Mã Hóa Đằng, CEO của Tencent.

Sự xuất hiện của Jack Ma, người bị “thất sủng” và hiếm khi xuất hiện trước công chúng kể từ khi chỉ trích các quy định quản lý nghiêm ngặt của chính phủ vào năm 2020 là một diễn biến đáng chú ý.

Ngoài ra, một số nhà lãnh đạo công nghệ trẻ tuổi tiêu biểu như Lương Văn Phong, nhà sáng lập DeepSeek và Vương Hưng Hưng, CEO của startup robot hình người Unitree Robotics cũng được mời tới hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng, những thách thức của khu vực tư nhân chỉ là “cục bộ chứ không phải lan rộng, tạm thời chứ không phải dài hạn, và có thể vượt qua chứ không phải không thể giải quyết”. Ông cũng nhấn mạnh, mối quan hệ giữa chính phủ và doanh nghiệp tư nhân phải “thân thiện và trong sạch”.

Ông cam kết bãi bỏ các khoản phí hoặc tiền phạt vô lý đối với các công ty tư nhân và tạo ra sân chơi cạnh tranh bình đẳng với khu vực doanh nghiệp nhà nước. Cũng vào hôm 17-2, Quốc hội Trung Quốc cho biết sẽ xem xét các luật tập trung vào việc thúc đẩy kinh tế tư nhân.

“Đây là tín hiệu mạnh nhất mà Trung Quốc có thể đưa ra để thúc đẩy niềm tin xã hội. Việc đích thân Tập Cận Bình xuất hiện để gặp gỡ các doanh nhân công nghệ làm nổi bật ý nghĩa chính trị của cuộc gặp này”, You Chuanman, giảng viên cao cấp tại khoa luật thuộc, Đại học Khoa học xã hội Singapore bình luận về hội nghị trên.

Theo giới phân tích, hội nghị này nhằm thể hiện sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với một khu vực tư nhân lâu nay bị gạt ra ngoài lề nhưng hiện được xem là chìa khóa để phục hồi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đối với nhà đầu tư, hội nghị cũng báo hiệu rằng, chiến dịch chấn chỉnh ngành công nghệ kéo dài nhiều năm của Bắc Kinh đã kết thúc.

Chiến dịch này khiến số lượng startup công nghệ mới thành lập ở Trung Quốc giảm từ 50.000 vào năm 2018, xuống còn chưa đến 1.000 vào năm ngoái. Hàng loạt tập đoàn công nghệ lớn bao gồm Alibaba bị phạt tiền lên đến hàng tỉ đô la vì bị cáo buộc lợi dụng sự thống trị thị trường để chèn ép đối thủ cạnh tranh.

Nhưng hiện nay, Bắc Kinh đang cần khu vực tư nhân hơn bao giờ hết. Các công ty công nghệ lớn thuộc khu vực tư nhân có lẽ là động lực tăng trưởng đáng tin cậy nhất cho một quốc gia đang vật lộn với những vấn đề dai dẳng như thất nghiệp cao ở thanh niên, lĩnh vực bất động sản trì trệ, mức nợ lớn của chính quyền địa phương và tình trạng giảm phát.

Hơn nữa, công nghệ là khía cạnh cốt lõi trong cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Bắc Kinh và Washington. Chính phủ Mỹ đang quyết liệt ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các công nghệ tiên tiến, chẳng hạn như bán dẫn và AI. Vì vậy, chính phủ Trung Quốc trông cậy vào các công ty trong nước đang đầu tư lớn vào các lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược này.

Thành công của DeepSeek càng nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực tư nhân.

DeepSeek kích hoạt sự lạc quan của nhà đầu tư cổ phiếu

Công nghệ đã dẫn dắt đà tăng trưởng chung của thị trường chứng khoán kể từ màn ra mắt của DeepSeek. Chỉ số công nghệ thông tin Shanghai Shenzhen 300 tăng 9 % kể từ đầu năm, được thúc đẩy bởi các công ty bán dẫn trong nước và các công ty đầu tư lớn cho AI như Alibaba và Tencent.

Ở một số khía cạnh, mức định giá cổ phiếu công nghệ Trung Quốc lẽ ra phải được cải thiện từ lâu. Các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc gồm Alibaba, Tencent, Meituan, Baidu, Pinduoduo và JD.com đều ghi nhận mức tăng trưởng thu nhập kể từ năm 2021.

Giới phân tích dự báo, mức tăng trưởng của các công ty này thậm chí còn lớn hơn nữa trong 2 năm tới. Dù vậy, cổ phiếu công nghệ Trung Quốc đồng loạt rơi vào đà giảm giá kéo dài sau một loạt các biện pháp chận chỉnh lĩnh vực công nghệ, khiến nhà đầu tư tháo chạy.

Nếu Bắc Kinh dừng can thiệp vào lĩnh vực công nghệ trong thời gian tới, thị trường chứng khoán Trung Quốc có thể phục hồi về đỉnh cao trước đó.

Trong khi đó, DeepSeek đại diện cho một sự thay đổi lâu dài hơn. Lâu nay, nhà đầu tư nghi ngờ về việc Trung Quốc có thể tận dụng AI theo cách tương tự như Mỹ hay không. Các công ty của nước này đã bị cấm tiếp cận những con chip tốt nhất của Mỹ. Chi phí đầu tư của các công ty công nghệ lớn nhất là Alibaba, Tencent và Baidu cũng thua kém so với chi tiêu cho AI của các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ.

Nhưng DeepSeek đã chứng minh rằng các công ty Trung Quốc vẫn có thể cạnh tranh AI trong các điều kiện hạn chế về vốn và chip cao cấp.

Gần đây, Apple ký thỏa thuận với Alibaba để tích hợp AI của tập đoàn công nghệ này vào iPhone bán tại Trung Quốc, cho thấy AI của Trung Quốc có khả năng cạnh tranh. Tencent tuyên bố sẽ sử dụng mô hình rẻ hơn của DeepSeek thay vì mô hình ngôn ngữ lớn riêng.

Nhưng liệu cổ phiếu công nghệ và thị trường chứng Trung Quốc nói chung có thể đạt được mức đỉnh cao trước đây hay không sẽ phụ thuộc vào quy định quản lý. Nếu Trung Quốc thực sự nghiêm túc “cởi trói” cho ngành công nghệ, đây có thể là khởi đầu cho một đợt tăng giá cổ phiều dài hơn.

Hiện tại, sự lạc quan đang lan tỏa trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Hàng loạt ngân hàng đầu tư ở Phố Wall đã điều chỉnh dự báo thị trường cổ phiếu Trung Quốc trong năm nay theo hướng tích cực hơn.

Trong báo cáo hôm 20-2, các nhà phân tích của ngân hàng Morgan Stanley kỳ vọng, chỉ số MSCI China đạt 77 điểm vào cuối năm, cao hơn 4% so với mức điểm đóng cửa hôm 19-2 và cao hơn mức dự báo 63 điểm đưa ra trước đây.

Vào đầu tuần này, ngân hàng Goldman Sachs Group tăng dự báo mức điểm mục tiêu vào cuối năm cho chỉ số MSCI China. Hai ngân hàng JPMorgan Chase và UBS Group cũng đưa ra quan điểm lạc quan về triển vọng tăng trưởng của chứng khoán Trung Quốc.

Theo Financial Times, Bloomberg, Straits Times, Foreign Policy

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/deepseek-tao-buoc-ngoat-cho-chung-khoan-trung-quoc/