Bộ Tài chính làm việc với Đoàn tham vấn Điều khoản IV của Quỹ Tiền tệ quốc tế
Sáng 26/6, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng đã có cuộc làm việc với ông Paulo Medas – Trưởng Đoàn tham vấn Điều khoản IV của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho biết, Bộ Tài chính đánh giá cao hợp tác thực chất, hiệu quả giữa Việt Nam và IMF nói chung và với Bộ Tài chính nói riêng. Trong thời gian qua, các khuyến nghị, hỗ trợ kỹ thuật của IMF cũng như Đoàn tham vấn Điều khoản IV trong nhiều lĩnh vực quan trọng của Ngành đã giúp Bộ Tài chính hoàn thiện thể chế và tăng cường năng lực cho Bộ Tài chính trong công tác quản lý nợ công, quản lý kho bạc, quản lý thuế, chính sách thuế...
Trong khuôn khổ chuyến công tác đánh giá định kỳ (năm 2024) của Đoàn tại Việt Nam, Thứ trưởng bày tỏ tin tưởng Đoàn đã có các buổi làm việc hiệu quả với các đơn vị của Bộ Tài chính, đồng thời chia sẻ, thảo luận sâu hơn về bền vững nợ và rủi ro quốc gia, minh bạch tài khóa, thị trường trái phiếu chính phủ.
Theo Thứ trưởng, Đoàn đã chia sẻ các thông tin, nhận định ban đầu của Đoàn về tình hình kinh tế vĩ mô, các thuận lợi – thách thức đối với kinh tế Việt Nam cũng như đưa ra một số khuyến nghị ban đầu. “Tôi đánh giá cao và cảm ơn nỗ lực của Đoàn trong việc nghiên cứu, phân tích đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và chính sách tài khóa nói riêng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trao đổi tại cuộc làm việc về các nhận xét, đánh giá của Đoàn Điều IV về chính sách tài khóa và các nội dung liên quan đến Bộ Tài chính, Thứ trưởng Võ Thành Hưng ghi nhận nhận định của Đoàn về tình hình kinh tế vĩ mô năm 2023, dự báo năm 2024-2025, đồng thời, nhấn mạnh, trong những tháng đầu năm 2024, Bộ Tài chính nhận thấy có những điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế Việt Nam về đầu tư và thương mại so với đầu năm 2023. Mặc dù áp lực lạm phát các nước phát triển ở mức cao nhưng nhu cầu của các thị trường này ngày càng được phục hồi, tạo thuận lợi cho Việt Nam… Điều này khẳng định sự hiệu quả của các chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ để triển khai trong thời gian qua.
Thứ trưởng Võ Thành Hưng nhấn mạnh, Bộ Tài chính mong muốn IMF tiếp tục duy trì các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Tài chính, cùng với đó, đề nghị IMF nói chung và Đoàn Điều khoản IV nói riêng sẽ có những phối hợp chặt chẽ hơn nữa để đưa ra những đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô, các thuận lợi – thách thức đối với kinh tế Việt Nam, từ đó có những tham vấn chính sách giúp Việt Nam thực hiện được các mục tiêu trong dài hạn.
Cảm ơn Thứ trưởng Võ Thành Hưng và các lãnh đạo Bộ Tài chính dành thời gian tiếp đón, làm việc với Đoàn, ông Paulo Medas – Trưởng Đoàn tham vấn Điều khoản IV đánh giá cao những nỗ lực và thành quả mà Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ Tài chính nói riêng đạt được trong việc hoàn thiện, cải cách các chính sách, thể chế quản lý tài chính công nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.
Tại cuộc làm việc, ông Paulo Medas đã chia sẻ các thông tin, nhận định ban đầu của Đoàn về tình hình kinh tế vĩ mô, các thuận lợi – thách thức đối với kinh tế Việt Nam cũng như đưa ra một số khuyến nghị ban đầu.
Theo đó, đề cập tới nội dung chính sách tài khóa và các vấn đề liên quan đến Bộ Tài chính, Trưởng Đoàn tham vấn Điều khoản IV nhấn mạnh, Đoàn đã khảo sát và nhận định, năm 2024 chính sách tài khóa của Việt Nam dự kiến sẽ vẫn hỗ trợ nhưng ở mức độ thấp hơn; thu ngân sách dự kiến sẽ phục hồi một phần khi nền kinh tế và nhập khẩu hồi phục. Qua đó, Đoàn tham vấn Điều khoản IV khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục củng cố khuôn khổ tài khóa; tăng cường kỷ luật tài khóa; nâng cấp khuôn khổ tài chính trung hạn (có phạm vi ngân sách toàn diện; đánh giá rủi ro tốt hơn; dự phòng nguồn lực đầy đủ; tiếp tục nâng cấp quy trình ngân sách...).
Cùng với đó, Việt Nam cần tiếp tục tăng cường huy động nguồn thu nhằm đảo ngược xu hướng xói mòn cơ sở thuế, tạo dư địa để củng cố lưới an sinh xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu; đẩy mạnh Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030...
Ngoài ra, Đoàn cũng đưa ra những khuyến nghị về cải thiện chức năng của thị trường vốn, như: Phát triển thị trường trái phiếu chính phủ có chiều sâu, dựa trên giá thị trường, từ đó giúp đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, tăng tính thanh khoản và thiết lập đường cong lợi suất đáng tin cậy, giúp thúc đẩy thị trường vốn phát triển sâu hơn; Đẩy nhanh quá trình thiết lập khuôn khổ về cưỡng chế nợ và xử lý mất khả năng thanh toán…