Bộ Tài chính làm việc với Fitch Ratings về xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam
Ngày 28/11/2023, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương tổ chức đợt làm việc cập nhật với tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings (đợt 2) năm 2023, thông qua hình thức trực tuyến.
Tham dự tại điểm cầu Việt Nam có: đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương và lãnh các đạo đơn vị thuộc Bộ Tài chính.
Bà Sagarika Chandra - Chuyên gia phân tích chính, Giám đốc Đánh giá tín nhiệm quốc gia Fitch Ratings tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương; ông Jeremy Zook - Chuyên gia phân tích, Giám đốc Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tham dự tại điểm cầu Hồng Kông.
Thứ trưởng Võ Thành Hưng phát biểu, trao đổi và chia sẻ thông tin liên quan tới những điểm sáng của kinh tế vĩ mô Việt Nam. Ảnh: Đức Minh
Phát biểu tại điểm cầu Bộ Tài chính, Thứ trưởng Võ Thành Hưng đã chia sẻ những điểm sáng của kinh tế vĩ mô Việt Nam trong năm qua và định hướng, chính sách của Chính phủ trong trung hạn.
Theo Thứ trưởng, năm 2023, tăng trưởng GDP cả năm ước đạt trên 5%, dự kiến năm 2024 tăng trưởng khoảng 6-6,5%. Các cân đối kinh tế vĩ mô ngày càng bền vững hơn. Dự báo cả năm 2023 lạm phát tăng 3,5%, dưới mức mục tiêu 4,5%; bội chi NSNN ở mức khoảng 4,0% GDP, nợ công khoảng dưới 40% GDP.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tính chung 10 tháng năm 2023 đạt 557,95 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 24,6 tỷ USD. Tổng vốn FDI đăng ký đến tháng 10/2023 đạt 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tăng trưởng xuất khẩu thông qua đa dạng hóa đối tác và ngành hàng; thu hút FDI thông qua các cơ chế chính sách thuận lợi cho nhà đầu tư; tăng trưởng cầu nội địa nhờ vào thị trường gần 100 triệu dân với khả năng chi tiêu được cải thiện; nợ công thấp, dư địa tài khóa dồi dào là những lợi thế căn bản để Việt Nam duy trì triển vọng tăng trưởng trong dài hạn.
Thứ trưởng Võ Thành Hưng cũng cho biết, Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 6 đã thông qua một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 như sau: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6,0 - 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 đô la Mỹ (USD); Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1% - 24,2%; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4,0 - 4,5%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8% - 5,3%; Bội chi ngân sách nhà nước bám sát mục tiêu kế hoạch 5 năm theo nghị quyết của Quốc hội, bằng khoảng 3,6% GDP.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Đức Minh
Định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, phát triển nhanh dựa vào khoa học công nghệ, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng lao động, hiệu quả cạnh tranh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường, phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế, loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân.
Phát huy tối đa nhân tố con người, phát triển nguồn nhân lực, cơ chế, chính sách hướng vào nâng cao đời sống của người dân.
Xây dựng cơ chế tự chủ, chủ động tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường. Cải thiện chuỗi giá trị toàn cầu, tăng khả năng chống chọi với tác động lớn, bất thường bên ngoài. Chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và vị thế Việt Nam. Củng cố quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự, an ninh xã hội.
Thay mặt Bộ Tài chính, Thứ trưởng Võ Thành Hưng tin rằng, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings sẽ có thông tin đầy đủ và cơ sở xác thực để đưa ra nhìn nhận sát thực, tích cực về hồ sơ tín nhiệm của Việt Nam.
Tại buổi làm việc, đại diện các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương và các lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã trao đổi trực tiếp với 2 chuyên gia phân tích tài chính của Fitch về một số vấn đề quan tâm
Theo ý kiến của tư vấn quốc tế về hoạt động xếp hạng tín nhiệm quốc gia, đợt làm việc này là cơ hội tốt để nêu bật những thế mạnh và diễn biến tích cực của nền kinh tế Việt Nam, cũng như có chiến lược để giải trình những quan ngại của tổ chức Fitch, hỗ trợ khả năng xem xét nâng bậc hệ số tín nhiệm Việt Nam./.