Bộ Tài chính làm việc với FTSE Russell, thúc đẩy nâng hạng thị trường
Tại buổi làm việc với FTSE Russell, Bộ Tài chính chia sẻ các giải pháp hoàn thiện khung pháp lý, khơi thông vốn cho thị trường chứng khoán.
Ngày 17-7, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã làm việc với đại diện FTSE Russell - công ty con của London Stock Exchange Group (LSEG) - chuyên sản xuất, duy trì, cấp phép và tiếp thị các chỉ số thị trường chứng khoán.
Sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng các bộ chỉ số
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao những khuyến nghị, hỗ trợ kỹ thuật của FTSE Russell khi góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách thị trường vốn tại Việt Nam.
Bộ trưởng cho biết, 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,52% và khẳng định Việt Nam đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế ổn định, bền vững và chất lượng cao trong giai đoạn 2025-2030.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính thực hiện nhiều giải pháp quan trọng trong đó có thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển.
“Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, từ cận biên lên mới nổi, không phải là đích đến, mà là kết quả tự nhiên khi chúng tôi kiên định theo đuổi các mục tiêu phát triển nhằm hướng đến thị trường chứng khoán phát triển minh bạch và hiệu quả”, Bộ trưởng Thắng nói.

Ông Gerald Toledano, đại diện FTSE Russell. Ảnh: BTC
Ông Gerald Toledano, Giám đốc mảng sản phẩm cổ phiếu và đa tài sản toàn cầu kiêm Giám đốc về giải pháp tùy chỉnh và sản phẩm thay thế toàn cầu của FTSE Russell cam kết tiếp tục hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc thiết lập các chỉ số giúp nhà đầu tư đánh giá và quản lý tốt các rủi ro tài chính.
Ngoài ra, cơ quan này sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam cập nhật cơ sở hạ tầng thị trường vốn.
Sẽ tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài
Phản hồi các ý kiến của đại diện FTSE Russell, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết Bộ Tài chính đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 155/2020 theo hướng công khai, minh bạch tỷ lệ sở hữu nước ngoài và loại bỏ các quy định không còn phù hợp.
Bộ trưởng lấy ví dụ về quy định Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) được quyết định về giới hạn sở hữu nước ngoài tối đa. Bên cạnh đó, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động chào bán và phát hành chứng khoán.
Bộ Tài chính hiện tiếp nhận chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại một số DNNN. Thời gian tới, Bộ sẽ rà soát, đánh giá hoạt động và tiềm năng cổ phần hóa các doanh nghiệp, phối hợp với các đơn vị liên quan xây phương án cụ thể.
Sau đó, báo cáo Chính phủ đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp không cần nắm giữ cổ phần chi phối.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định quyết tâm cải cách thị trường vốn, hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường. Ảnh: BTC
Bên cạnh đó, đề nghị các doanh nghiệp chủ động rà soát, cắt giảm các ngành nghề đăng ký nhưng không phát sinh hoạt động kinh doanh và rà soát chi tiết ngành nghề để tăng tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp.
Bộ Tài chính cũng đã giao UBCKNN nghiên cứu và đề xuất triển khai các sản phẩm mới phù hợp với thông lệ quốc tế và nhu cầu thị trường; phối hợp cùng NHNN để đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian xử lý, xóa bỏ những vướng mắc cản trở hoạt động đầu tư nước ngoài.
Liên quan đến thị trường ngoại hối, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với NHNN trong việc nghiên cứu, xây dựng khuôn khổ pháp lý cho phép nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận các sản phẩm phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
Về cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP), Việt Nam đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật với việc đưa hệ thống giao dịch KRX vào vận hành từ tháng 5. Trên nền tảng đó, Bộ Tài chính giao UBCK chỉ đạo Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán xây dựng lộ trình triển khai CCP, sớm đưa vào vận hành từ đầu năm 2027.
Về đề xuất hợp tác, Bộ Tài chính hoan nghênh sáng kiến của FTSE Russell trong việc mở rộng các bộ chỉ số phù hợp với thị trường Việt Nam. Bộ cam kết đồng hành với các tổ chức quốc tế, trong đó có FTSE Russell, để hoàn thiện thể chế, tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển.