Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất giãn, giảm nhiều khoản thuế, phí
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã đánh giá, tổng kết và nghiên cứu đề xuất gia hạn, giảm nhiều khoản thuế, phí, nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, hỗ trợ nền kinh tế.
Gói hỗ trợ nửa năm 2024 lên đến 68 nghìn tỷ đồng
Nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh do chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế, liên tiếp 4 năm, từ năm 2020 đến năm 2023, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất.
Trong đó, đã thực hiện gia hạn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và tiền thuê đất; miễn, giảm thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường (BVMT), tiền thuê đất...) để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Tổng gói hỗ trợ giai đoạn 2020 - 2023 là khoảng 700 nghìn tỷ đồng. Dự kiến các gói hỗ trợ đã ban hành và thực hiện từ đầu năm 2024 là khoảng 68 nghìn tỷ đồng.
Trong năm 2024, cùng với việc đánh giá, tổng kết việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ đã được ban hành, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành theo dõi sát tình hình thực tế, dự báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội để nghiên cứu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền các giải pháp áp dụng cho năm 2024.
Theo đó, các giải pháp về thuế phải gắn với công tác xây dựng, giao dự toán ngân sách nhà nước, cũng như để các địa phương chủ động trong việc thực hiện dự toán, cân đối ngân sách địa phương và tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp về thuế, phí và lệ phí mới được ban hành.
Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024 theo Nghị quyết số 42/2023/UBTVQH15 ngày 18/12/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 63/2023/TT-BTC ngày 16/10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư quy định về phí, lệ phí nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến (có hiệu lực từ 1/12/2023 và áp dụng đến hết năm 2025).
Xem xét đề xuất gia hạn nhiều khoản thuế
Ngày 5/4/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 44/NQ-CP. Tại điểm b khoản 3 Phụ lục II kèm theo Nghị quyết có giao Bộ Tài chính: “Khẩn trương nghiên cứu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/4/2024 xem xét ban hành quy định gia hạn thuế (thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN, thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất trong nước...), giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, giảm tiền thuê đất, mặt nước; kịp thời xem xét, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách giảm thuế, phí, lệ phí như đã thực hiện trong năm 2023 để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện giảm thuế suất thuế GTGT để báo cáo tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV xem xét, cho phép thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2024”.
Theo đó, hiện nay Bộ Tài chính đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 5/4/2024 của Chính phủ.
Đối với Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, TNDN, TNCN, TTĐB và tiền thuê đất, Bộ Tài chính đã có công văn số 4232/BTC-TCT ngày 23/4/2024 báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2024; Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước theo trình tự, thủ tục rút gọn và các nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Ngày 26/4/2024, Văn phòng Chính phủ có công văn số 2803/VPCP-KTTH thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính tại công văn số 4232/BTC-TCT ngày 23/4/2024. Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các dự thảo nghị định trên, trình Chính phủ trong tháng 5/2024.
Hiện nay, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan thuộc Bộ trước khi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để trình Chính phủ theo quy định.
Mới đây, Chính phủ vừa có Tờ trình số 177/TTr-CP trình Quốc hội về kết quả thực hiện việc giảm 2% thuế suất thuế GTGT theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Báo cáo cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2024, số thuế GTGT được giảm theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 khoảng 11,488 nghìn tỷ đồng. Ngoại trừ tháng 2 có kỳ nghỉ Tết, bình quân tháng 1 và tháng 3 số thuế GTGT ở khâu nhập khẩu giảm vào khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng/tháng và dự kiến khâu nội địa khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng/tháng.
Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2024, dự kiến số thu giảm khoảng 23,488 nghìn tỷ đồng. Nếu tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT cho 6 tháng cuối năm thì dự kiến cả năm 2024 giảm thu khoảng 47,488 nghìn tỷ đồng.
Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được của giải pháp giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết số 110/2023/QH15, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% trong 6 tháng cuối năm 2024 (từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024) và giao Chính phủ tổ chức, thực hiện.
Giảm 2% thuế suất thuế GTGT 6 tháng cuối năm 2024 sẽ giảm thu khoảng 24 nghìn tỷ đồng
Đánh giá về việc tác động ngân sách nhà nước trong 6 tháng cuối năm, Chính phủ cho biết, việc áp dụng chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT cho 6 tháng cuối năm 2024 sẽ giảm thu khoảng 24 nghìn tỷ đồng (khoảng 4 nghìn tỷ đồng/tháng trong đó giảm ở khâu nội địa dự kiến là 2,5 nghìn tỷ đồng/tháng và giảm ở khâu nhập khẩu khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng/tháng).