Bộ Tài chính: Nhiều điểm sáng trong lĩnh vực tài chính - ngân sách 6 tháng đầu năm 2023
Ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2023, nhận thấy đây là năm sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, Bộ Tài chính đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Đến thời điểm đã qua nửa chặng đường của năm, Bộ Tài chính đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trên tất cả các mặt công tác, tạo đà cho Bộ Tài chính tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) đã đề ra.
Hoàn thiện số lượng lớn cơ chế chính sách tài chính
Công tác hoàn thiện, xây dựng thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tài chính. 6 tháng qua, Bộ Tài chính đã tập trung triển khai công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, các đề án; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực tài chính - NSNN
Căn cứ nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2023 của Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội thông qua Luật Giá (sửa đổi), hoàn thành 16/26 đề án nhiệm vụ được giao, trong đó có 5 đề án, nhiệm vụ được giao bổ sung trong quá trình điều hành.
Đến ngày 30/6/2023, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 9 nghị định, xem xét ban hành 15 dự thảo nghị định và 5 đề án khác; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 quyết định, xem xét ban hành 1 quyết định; ban hành theo thẩm quyền 39 thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực tài chính - NSNN. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính thường xuyên rà soát, hệ thống hóa danh mục văn bản pháp luật; cập nhật thông tin về văn bản mới ban hành, đăng tải đầy đủ, kịp thời trên Cổng thông tin điện tử của bộ và Cơ sở dữ liệu quốc gia; tăng cường tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật, chính sách chế độ mới; hỗ trợ, tư vấn pháp luật về thuế cho doanh nghiệp, người dân.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được Bộ Tài chính thực hiện chủ động, cơ bản đáp ứng được yêu cầu về tiến độ, đảm bảo chất lượng, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính – NSNN; kịp thời đề xuất, ban hành các văn bản pháp luật tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, cải cách thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, kích thích mở rộng sản xuất, tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Điều hành chính sách tài khóa vì người dân, doanh nghiệp
Bộ Tài chính đã điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, kịp thời ban hành và tổ chức triển khai thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội.
Thu NSNN được đảm bảo trong điều kiện khó khăn. Thu NSNN 6 tháng đạt 875,8 nghìn tỷ đồng, bằng 54% dự toán.
Chi NSNN ước đạt 804,6 nghìn tỷ đồng, bằng 38,8% dự toán; trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 29,7% dự toán Quốc hội quyết định (tỷ lệ giải ngân đạt 28,63% kế hoạch, đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), cao hơn 43,4% (65,2 nghìn tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2022; chi trả nợ lãi ước đạt 49,5% dự toán; chi thường xuyên ước đạt 45,8% dự toán.
Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Lũy kế đến ngày 30/6/2023, đã thực hiện phát hành 179,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 12,23 năm, lãi suất bình quân 3,7%/năm.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính đã chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao, đề xuất, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành và khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các chính sách tài khóa để cùng với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống người dân.
Bộ Tài chính đã trình các cấp có thẩm quyền thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, như: giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023...
Dự kiến quy mô các gói chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã và sẽ ban hành năm 2023 khoảng 200 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm 79 nghìn tỷ đồng; gia hạn 121 nghìn tỷ đồng). Kết quả thực hiện 6 tháng đã miễn, giảm, gia hạn ước tính khoảng 70,3 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm khoảng 28,3 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 42 nghìn tỷ đồng).
Tiếp tục tái cơ cấu nợ công an toàn, bền vững
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 458/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2023 và Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2023-2025; (ii) chủ trì, phối hợp với các bộ, địa phương tổ chức triển khai đánh giá và xây dựng Báo cáo đánh giá giữa kỳ Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ công theo Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 23/2021/QH15 của Quốc hội và các nghị quyết của Chính phủ, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô; triển khai đồng bộ các giải pháp tiếp tục cơ cấu lại nợ công; phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài; triển khai nghiệp vụ cơ cấu lại danh mục nợ chính phủ phù hợp với điều kiện thị trường và đảm bảo đúng quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2017 và các văn bản hướng dẫn; thực hiện trả đầy đủ, đúng hạn các khoản nợ theo cam kết. Trong 6 tháng đầu năm, không cấp mới bảo lãnh cho các dự án trong nước và nước ngoài.
Triển khai có hiệu quả công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P, Moody’s và Fitch tiếp tục đánh giá tích cực xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam (tương ứng ở mức BB, triển vọng ổn định; BA2, triển vọng ổn định; BB, triển vọng tích cực).
Đây là những tín hiệu tích cực, khẳng định sự đánh giá cao của các tổ chức quốc tế về khả năng chống chịu thích ứng của nền kinh tế, ban hành và thực hiện chính sách linh hoạt, sáng tạo, kịp thời và hiệu quả của Chính phủ.
Tăng cường quản lý thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp
Đối với thị trường chứng khoán: tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển thị trường; tăng cường công tác quản lý các tổ chức kinh doanh chứng khoán, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp và công ty đại chúng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm, nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường.
Trong 6 tháng đầu năm, diễn biến thị trường chứng khoán có xu hướng hồi phục. Tính đến hết ngày 30/6/2023, VN-Index đạt 1.120,18 điểm, tăng 4,2% so với cuối tháng trước, tăng 11,2% so với cuối năm 2022; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 5.783 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2022.
Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hiện có 451 mã niêm yết; quy mô giao dịch bình quân 6 tháng đạt 5.871 tỷ đồng/phiên, giảm 23,6% so với bình quân năm 2022. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP, đã tạo cơ sở pháp lý cho việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc phát hành và thanh toán trái phiếu đến hạn, khôi phục niềm tin của thị trường, đồng thời đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu trái phiếu.
Chuyển đổi số tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong ngành Tài chính
Về cải cách hành chính (CCHC), trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện 122/150 nhiệm vụ theo Kế hoạch, trong đó, đã hoàn thành 34 nhiệm vụ, triển khai 53 nhiệm vụ thường xuyên đảm bảo tiến độ, đang tiếp tục thực hiện 35 nhiệm vụ theo Kế hoạch.
Bộ Tài chính đã rà soát, bãi bỏ 10 thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung, thay thế 21 thủ tục và ban hành mới 3 thủ tục trong các lĩnh vực quản lý; cập nhật kịp thời lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính theo quy định đối với 794/794 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc lĩnh vực quản lý.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 2022, Bộ Tài chính xếp vị trí thứ 3 với kết quả Chỉ số CCHC (PAR Index) đạt 89,76%. Đây là năm thứ 9 liên tiếp (từ 2014 - 2022), Bộ Tài chính nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu về PAR Index.
Về xây dựng chính phủ điện tử, đến ngày 30/6/2023, tổng số dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) thuộc lĩnh vực quản lý là 786, trong đó 408 DVCTT đạt mức một phần (tương đương đạt mức độ 1,2 theo quy định cũ) và 378 DVCTT đạt mức toàn trình (tương đương đạt mức độ 3,4).
Đồng thời, đã tích hợp 300 DVCTT lên Cổng dịch vụ công quốc gia; xử lý trên 9 triệu hồ sơ của 901,8 nghìn doanh nghiệp tham gia hệ thống khai thuế điện tử (đạt 99,93%); doanh nghiệp đăng ký thực hiện nộp thuế điện tử đạt tỷ lệ 99,06%; đã có 21,4 nghìn doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền; đã có 54 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai thuế thành công.
Ngoài ra, đã kết nối 13/14 bộ, ngành, với 250 thủ tục hành chính được thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia, với trên 62 nghìn doanh nghiệp tham gia. Trao đổi chứng nhận xuất xứ (C/O) điện tử mẫu D với 9 nước trong khu vực ASEAN qua Cơ chế một cửa ASEAN. Trao đổi thử nghiệm tờ khai hải quan với liên minh kinh tế Á - Âu,...
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính – NSNN
Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra tài chính - ngân sách; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/6/2023 về chấn chỉnh, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật về tài chính – NSNN.
Trong 6 tháng đầu năm đã thực hiện 31,6 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực quản lý thu, chi ngân sách; quản lý, sử dụng vốn đầu tư; quản lý giá, chứng khoán; kiểm tra trên 343,2 nghìn hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp. Qua đó, kiến nghị xử lý tài chính trên 43 nghìn tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu nộp NSNN 11,2 nghìn tỷ đồng (đã thu nộp 8,4 nghìn tỷ đồng); giảm lỗ, giảm khấu trừ và xử lý tài chính khác 31,9 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã làm tốt vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong 6 tháng đầu năm, điều tra chống buôn lậu bắt giữ, xử lý 8,1 nghìn vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan, tăng 7,1% so năm 2022; trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 2,7 nghìn tỷ đồng; trong đó có nhiều vụ vận chuyển pháo nổ qua biên giới, buôn lậu xăng dầu, than, khoáng sản, vận chuyển trái phép ma túy, ngoại tệ, ngà voi, sừng tê giác,… với các phương thức, thủ đoạn tinh vi phức tạp hơn. Cơ quan hải quan đã khởi tố 18 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 59 vụ, số tiền thu nộp NSNN 314,8 tỷ đồng.
Những kết quả nổi bật trên tất cả các mặt công tác trong nửa đầu năm sẽ tạo đà cho Bộ Tài chính tiếp tục nỗ lực phấn đấu để hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ tài chính - NSNN đã đề ra trong năm 2023./.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 2022, Bộ Tài chính xếp vị trí thứ 3 với kết quả Chỉ số CCHC (PAR Index) đạt 89,76%. Đây là năm thứ 9 liên tiếp (từ 2014 - 2022), Bộ Tài chính nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu về PAR Index.