Bộ Tài chính nói gì về đề xuất miễn thuế BVMT đối với nhiên liệu bay?
Liên quan đến đề xuất miễn thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay năm 2022, Bộ Tài chính cho rằng, trong bối cảnh cân đối ngân sách còn khó khăn các doanh nghiệp cũng cần có sự chia sẻ với Nhà nước.
Doanh nghiệp cũng cần chia sẻ khó khăn cùng Nhà nước
Bộ Tài chính cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, năm 2020, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình UBTVQH ban hành 2 Nghị quyết (Nghị quyết số 979/2020/UBTVQH14 ngày 27/7/2020 và Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 ngày 21/12/2020) quy định giảm 30% mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay (từ 3.000 đồng/lít xuống còn 2.100 đồng/lít).
Tổng thời gian giảm thuế BVMT theo 2 Nghị quyết là 17 tháng (từ 1/8/2020 đến hết ngày 31/12/2021).
Để tiếp tục hỗ trợ cho ngành hàng không phục hồi và phát triển, trên cơ sở đánh giá hiệu quả, tác động của 2 Nghị quyết nêu trên, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình UBTVQH ban hành Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 kéo dài chính sách giảm mức thuế BVMT đối với nhiên liệu liệu bay thêm một thời gian và mức giảm cũng cao hơn nhằm góp phần hỗ trợ hơn nữa đối với ngành hàng không.
Bộ Tài chính cho rằng, trong bối cảnh cân đối ngân sách còn khó khăn các doanh nghiệp cũng cần có sự chia sẻ với Nhà nước.
Cụ thể, tại Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 đã tăng mức giảm thuế BVMT đối với nhiên liệu bay từ 30% lên 50% và thời gian giảm được thực hiện cho đến hết năm 2022.
“Qua đánh giá cho thấy việc giảm thuế BVMT đối với nhiên liệu bay đã đem lại hiệu ứng tích cực nhất định cho ngành hàng không nói chung và doanh nghiệp vận tải hàng không nói riêng, góp phần giúp các doanh nghiệp vận tải hàng không giảm chi phí nhiên liệu đầu vào, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh”, Bộ Tài chính cho biết.
Bộ cũng thông tin, so với nhiều ngành sản xuất khác thì đối với ngành hàng không bên cạnh được hưởng lợi từ những chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí chung, ví dụ, như chính sách giảm 2% mức thuế suất thuế VAT (từ 10% xuống 8% trong năm 2022); chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp...), gia hạn tiền thuê đất hay chính sách miễn giảm một số khoản phí, lệ phí thì ngành hàng không còn được hưởng thêm một số chính sách hỗ trợ khác như việc giảm mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay nêu trên.
“Trong bối cảnh cân đối ngân sách Nhà nước còn khó khăn nhưng vẫn phải đảm bảo nhiều nhiệm vụ chi quan trọng, chiến lược như chi cho công tác đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, công tác phòng, chống dịch thì các doanh nghiệp cũng cần có sự chia sẻ nhất định với Nhà nước”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Hàng không đã "vực dậy" mạnh mẽ trong quý I
Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam cho biết, chỉ trong quý I năm 2022, lượng hành khách quốc tế do các hãng hàng không Việt Nam khai thác chứng kiến cú "lội ngược dòng" ngoạn mục trong quý I với mức tăng trưởng 441% so với cùng kỳ 2021; mặc dù lượng hành khách nội địa lại có sự giảm đáng kể.
Tính đến tháng 3/2022, thị trường nội địa có 6 hãng hàng không Việt Nam hiện đang khai thác trung bình từ 55-60 đường bay nội địa nối Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM với 19 sân bay địa phương theo hệ thống mạng đường bay trục- nan, liên vùng, nội vùng rộng khắp toàn quốc.
Dự kiến sản lượng thông qua các Cảng hàng không trong quý I về vận chuyển hành khách nội địa thông qua đạt 13 triệu khách, giảm 13,3% so với cùng kỳ 2021; vận chuyển hàng hóa nội địa thông qua đạt 98 nghìn tấn, giảm 5% so với cùng kỳ 2021.
Dự kiến vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam trong quý I: vận chuyển hành khách nội địa là 6,5 triệu khách, giảm 12,5% so với cùng kỳ 2021; vận chuyển hàng hóa nội địa đạt 48,4 nghìn tấn, giảm 8,8% so với cùng kỳ 2021.
Đối với tình hình khai thác vận tải hàng không quốc tế, ngoài các thị trường đã được triển khai khai thác thường lệ trong tháng 1/2022 (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Bắc (Đài Loan-Trung Quốc), thì các đường bay đến Singapore, Thái Lan, Campuchia, Lào, Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Anh, Nga được khai thác với tần suất tăng dần theo lộ trình ngay trong tháng 2/2022 và triển khai tới các hãng hàng không việc mở cửa hoàn toàn sau ngày 15/3/2022.
Đối với đường bay đến Nga, Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về việc Vietnam Airlines tạm dừng khai thác đường bay đến Nga là lý do bất khả kháng để tránh các rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra. Cục báo cáo Bộ Giao thông Vận tải đề nghị có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải Nga cũng như đề nghị Bộ Ngoại giao thông báo các cơ quan liên quan của Nga về lý do Vietnam Airlines tạm dừng khai thác đường bay. Đồng thời, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản gửi Nhà chức trách hàng không Nga để thông báo cụ thể về nội dung này và sẵn sàng cấp phép khai thác cho các hãng hàng không Nga khai thác đến Việt Nam khi có đề nghị.
Tính đến tháng 3/2022, thị trường hàng không quốc tế có 23 hãng hãng không nước ngoài và Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airaways) khai thác đi/đến 20 quốc gia, vùng lãnh thổ. So với giai đoạn năm 2019 (trước dịch Covid-19), còn 8 quốc gia chưa mở lại các đường bay thường lệ đi, đến Việt Nam gồm Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Myanma, Macao, Phần Lan, Italy, Thụy Sỹ. Các hãng hàng không khai thác 67 đường bay đi/đến Việt Nam, chủ yếu là khai thác đi/đến 2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Giai đoạn sau mở cửa từ ngày 15-21/3/2022, Singapore là hãng hàng không khai thác với tần suất lớn nhất 45 chuyến khứ hồi/tuần tăng 2 chuyến so với tuần trước khi mở cửa du lịch và đạt 36% so với cùng kỳ năm 2019. Số khách vận chuyển giữa Việt Nam và Nhật Bản cao nhất 10,3 nghìn khách trong số các quốc gia hiện đang khai thác (đạt 18,1%/tổng khách vận chuyển).
Giảm thuế BVMT đối với xăng dầu là điều bất hợp lý
Liên quan đến vấn đề giảm thuế bảo vệ môi trường, phát biểu tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV, Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP.Hà Nội) cho rằng, việc xem xét điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong thời điểm hiện nay là cần thiết để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng trước áp lực giá cả, tuy nhiên giảm sắc thuế nào cần tính toán lại.
Đại biểu cho rằng giảm thuế môi trường có ba điểm bất hợp lý như sau: Thứ nhất, sẽ không phù hợp với bản chất thuế bảo vệ môi trường. Vì thuế bảo vệ môi trường đánh vào mặt hàng gây ô nhiễm, mức thuế được xây dựng trên mức độ gây ô nhiễm. Nếu giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu sẽ dẫn đến một nghịch lý đó là có những đối tượng có thể gây ô nhiễm cao thì thuế suất thấp nhưng những đối tượng gây ô nhiễm thấp có thể phải chịu thuế cao.
Thứ hai, đối với xăng dầu đã mua dự trữ bắt buộc theo quy định đã chịu mức thuế bảo vệ môi trường hiện hành là 4.000 đồng nhưng khi bán ra sau thời điểm giảm thuế chắc chắn sẽ phải chịu lỗ và điều này chưa phù hợp với nguyên tắc điều hành giá cả, là phải đảm bảo lợi ích của các bên. Nếu lựa chọn một sắc thuế khác thì sẽ không phát sinh nghịch lý này.
Thứ ba, xét về kinh nghiệm quốc tế hiện nay đối với các quốc gia sử dụng công cụ thuế để điều tiết bình ổn giá cả thì đều lựa chọn các sắc thuế khác như thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu… Như đối với Canada, Anh và Bồ Đào Nha hiện nay đang lựa chọn giảm thuế VAT, đối với Ấn Độ, Thái Lan, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt…
Đại biểu cho rằng việc dùng công cụ thuế để điều tiết giá cả trong một số trường hợp là cần thiết, tuy nhiên, lựa chọn sắc thuế nào để không phát sinh nghịch lý này. Bà cũng dẫn trường hợp các quốc gia điều tiết giá xăng dầu đều chọn giảm thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, hay thuế nhập khẩu...