Bộ Tài chính tăng cường thanh tra, kiểm tra để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực

Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Thanh tra Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2024 của Bộ (thời kỳ báo cáo từ ngày 1/10/2023 đến ngày 31/7/2024). Báo cáo cho biết, ngoài việc cắt giảm các thủ tục hành chính (TTHC), Bộ Tài chính đã tăng cường thanh tra, kiểm tra (TTKT) nội bộ để kịp thời ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức và người lao động trong toàn ngành.

Nhiều chuyển biến tích cực trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Đánh giá chung về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) thời gian qua, báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, đã có những chuyển biến tích cực trong hành động và nhận thức của cán bộ, công chức nên đã từng bước ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đáp ứng kịp thời, hiệu quả theo yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Công chức Kho bạc Nhà nước đang thực hiện kiểm soát các thủ tục thanh toán vốn ngân sách. Ảnh: H.T

Công chức Kho bạc Nhà nước đang thực hiện kiểm soát các thủ tục thanh toán vốn ngân sách. Ảnh: H.T

Ông Trần Huy Trường - Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, để có được kết quả này, ngoài việc quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật về PCTN, TC, Bộ Tài chính đã luôn thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, tập trung vào lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng như: Thuế, Hải quan; công tác tổ chức cán bộ; mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; dự toán, quyết toán ngân sách hàng năm; công khai số liệu về nợ công; thanh tra, kiểm tra… Các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành, TTHC trong lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính cũng được đăng tải kịp thời trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và các đơn vị trong ngành để người dân thuận tiện tiếp cận, tra cứu và giám sát.

Trong kỳ báo cáo, Bộ Tài chính đã tổ chức 384 cuộc họp, hội nghị, lớp học tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN, TC với 27.894 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính về công tác PCTN, TC.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Thanh tra Bộ và các đơn vị thuộc Bộ được giao thực hiện thanh tra chuyên ngành tăng cường TTKT trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về PCTN, TC theo kế hoạch và chỉ đạo của Ban chỉ đạo. Đẩy mạnh đôn đốc việc thực hiện kết luận, chỉ đạo sau TTKT. Thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình TTKT, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo và Ban cán sự đảng Bộ Tài chính.

Đặc biệt, Bộ Tài chính đã kiểm soát chặt chẽ các TTHC thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý nhằm mục tiêu cải cách hành chính toàn diện gắn với phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã thường xuyên rà soát, đánh giá TTHC nhằm đề xuất, bãi bỏ những TTHC không còn phù hợp hoặc sửa đổi theo hướng cụ thể, rõ ràng, đơn giản, tăng tính khả thi cho cá nhân, tổ chức thực hiện. Từ ngày 1/10/2023 đến ngày 31/7/2024, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã thực hiện đánh giá tác động đối với 23 TTHC tại 9 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý theo đúng quy định. Rà soát và ban hành 11 quyết định công bố bãi bỏ 45 TTHC; sửa đổi, bổ sung, thay thế 51 TTHC; công bố mới 15 TTHC. Đến ngày 31/7/2024, tổng số TTHC còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 763 thủ tục.

Bên cạnh đó, để công tác PCTN, TC đạt hiệu quả cao, Bộ Tài chính đã thực hiện luân chuyển, luân phiên, chuyển đổi vị trí công tác, điều động công chức, viên chức. Theo đó, trong kỳ báo cáo, Bộ Tài chính đã thực hiện luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với 5.671 (Tổng cục Hải quan 1.176 người; Tổng cục Thuế 3.347 người; Kho bạc Nhà nước 681 người; Tổng cục Dự trữ Nhà nước 30 người).

Khắc phục hạn chế, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực

Khách hàng giao dịch với Kho bạc Nhà nước đều được hướng dẫn tận tình về các hồ sơ, thủ tục thanh toán vốn. Ảnh: H.T

Khách hàng giao dịch với Kho bạc Nhà nước đều được hướng dẫn tận tình về các hồ sơ, thủ tục thanh toán vốn. Ảnh: H.T

Mặc dù công tác PCTN, TC đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng báo cáo từ Bộ Tài chính cũng cho thấy, phương thức thanh toán điện tử hạn chế dùng tiền mặt trong xã hội mới chỉ dừng lại ở phạm vi bắt buộc đối với các doanh nghiệp trong các quy định của Luật thuế mà chưa có sự khuyến khích việc thanh toán qua ngân hàng trong tiêu dùng của các cá nhân. Do đó, việc kiểm soát phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế.

Nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém để thực sự ngăn chặn, đẩy lùi được tham nhũng, tiêu cực, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới, ngoài việc thực hiện nghiêm các quy định về PCTN, TC, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục việc rà soát để đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội có liên quan đến các lĩnh vực, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.

Trong kỳ báo cáo, toàn ngành Tài chính đã tiến hành kiểm tra 444 cơ quan, tổ chức, đơn vị việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức. Kết quả, hầu hết cán bộ, công chức đều nghiêm túc chấp hành đúng quy định trong thực thi công vụ, không có thái độ của quyền, hách dịch, gây phiền hà cho đơn vị.

Đồng thời, tăng cường công tác TTKT việc chấp hành các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, PCTN, TC. Đẩy mạnh công tác TTKT công vụ để kịp thời chấn chỉnh các vi phạm.

Tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm soát nội bộ để khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết TTHC, giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân thuộc chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm quản lý của cơ quan, đơn vị mình như: Công bố công khai địa chỉ thư điện tử, số điện thoại tiếp nhận thông tin, phản ánh về hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tiêu cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý.

Tăng cường kiểm tra, giám sát người đứng đầu đơn vị trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, việc thực hiện các kết luận, chấn chỉnh sau TTKT, việc thực hiện các quy định, quy chế về công tác tổ chức cán bộ, nhất là trong việc tuyển dụng, tiếp nhận, bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ.

Đặc biệt, Bộ Tài chính kịp thời biểu dương, khen thưởng người đứng đầu làm tốt công tác phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, quy định của Đảng đối với người đứng đầu để xảy ra tham nhũng nhưng phát hiện không kịp thời, để xảy ra hậu quả hoặc không tự phát hiện mà do các cơ quan chức năng phát hiện, nhất là đối với trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng.

Vân Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bo-tai-chinh-tang-cuong-thanh-tra-kiem-tra-de-phong-ngua-tham-nhung-tieu-cuc-157535.html