Bộ Tài chính tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên
Bộ Tài chính vừa ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2022 của Bộ trên tất cả các lĩnh vực theo quy định của Luật THTK, CLP tập trung vào một số lĩnh vực chính, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của NSNN.
Tiết kiệm chi tiêu ngân sách để giảm tỷ trọng chi thường xuyên
Bộ Tài chính cho biết, mục tiêu, chỉ tiêu THTK, CLP của các đơn vị thuộc Bộ năm 2022 phấn đấu không thấp hơn mực tiêu, chỉ tiêu trong Chương trình 2022 của Bộ Tài chính và quy định trong Chương trình tổng thể của chính phủ về THTK, CLP năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Theo đó, trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước (NSNN), Bộ Tài chính đặt chỉ tiêu tiếp tục đẩy mạnh quản lý chặt chẽ, tiết kiệm chi tiêu NSNN để giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, góp phần cơ cấu lại chi NSNN.
Thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - NSNN, tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh thất thoát, lãng phí.
Triệt để thực hiện tiết kiệm các khoản chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp lương, các khoản có tính chất lương và các khoàn chi cho con người theo chế độ) để ưu tiên tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển trên tổng chi NSNN được cấp có thẩm quyền giao. Trong điều hành, yêu cầu các đơn vị tiếp tục triệt để cắt giảm các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách… Không bố trí chi thường xuyên đối với các nhiệm vụ xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng tài sản công theo quy định tại Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn.
Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành thực hiện nghiêm quy định chế độ công tác phí đối với công chức, viên chức đi công tác trong nước. Các trường hợp áp dụng khoán công tác phí, thanh toán theo thực tế, hồ sơ, thủ tục, chứng từ thanh toán... phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ để thực hiện.
Tiết kiệm trong quản lý, sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học, không đề xuất, phê duyệt các đề tài nghiên cứu khoa học có nội dung trùng lặp, thiếu tính khả thi. Kiên quyết thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập gắn với trách nhiệm giải trình, chịu sự đánh giá độc lập và từng bước thực hiện phương thức Nhà nước đặt hàng.
Ngoài việc yêu cầu quyết liệt đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL), Bộ Tài chính đề ra chỉ tiêu tập trung thực hiện chuyển đổi ĐVSNCL thành công ty cổ phần đảm bảo dúng quy định, công khai, minh bạch, không làm thất thoát tài sản nhà nước.
Đặc biệt, Bộ Tài chính nhấn mạnh, NSNN không hỗ trợ chi thường xuyên đối với ĐVSNCL tự đảm bảo toàn bộ chi đầu tư và chi thường xuyên, ĐVSNCL tự đảm bảo chi thường xuyên. Các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) tự đảm bảo một phần chi thường xuyên xây dựng dự toán chi NSNN giai đoạn 2022 – 2025 giảm tối thiều 15% so với dự toán chi NSNN giai đoạn 2017 -2021; năm 2022 giảm tối thiểu 2,5% chi hỗ trợ trực tiếp từ NSNN, giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN tương ứng mức giảm chi thường xuyên từ ngân sách, hướng tới mục tiêu năm 2025 giảm tối thiểu bình quân 10% số lượng ĐVSNCL và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN so với năm 2021. Các ĐVSNCL do NSNN đảm bảo chi thường xuyên tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ NSNN so với giai đoạn 2016- 2020, dự toán chi năm 2022 giảm tối thiểu 2% chi hỗ trợ trực tiếp từ NSNN trừ các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu.
Thực hiện nghiêm các quy định về THTK, CLP
Để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, Bộ Tài chính cũng đưa ra giải pháp thực hiện. Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu toàn ngành thực hiện nghiêm các quy định của Luật NSNN trong tất cả các khâu lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ, giao dự toán, quản lý, sử dụng, kiểm soát chi và quyết toán kinh phí NSNN.
Trong tổ chức hội nghị, tổng kết, Bộ Tài chính yêu cầu toàn ngành tiếp tục sử dụng hình thức họp trực tuyến, thực hiện tốt quy định về chế độ chi tiêu tổ chức hội nghị, hội thảo, hạn chế phô trương, hình thức; thực hiện lồng ghép các nội dung, vấn đề, công việc cần xử lý để kết hợp tổ chức các cuộc họp 1 cách hợp lý…
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về THTK trong tổ chức đi công tác nước ngoài. Tập trung bố trí kinh phí cho các đoàn đi đàm phán, thực hiện các nhiệm vụ được giao theo đúng chế độ quy định. Hạn chế tối đa các đoàn đi học tập, khảo sát, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài.
Bộ Tài chính yêu cầu thủ trưởng các đơn vị dự toán thuộc Bộ Tài chính sử dụng kinh phí NSNN chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực về quyết toán NSNN của đơn vị mình và có trách nhiệm thẩm định, xét duyệt quyết toán NSNN đối với đơn vị trực thuộc theo đúng quy định của pháp luật. Nghiêm cấm việc quyết toán chi NSNN không có khối lượng, không đúng thủ tục, sai nội dung.
Đối với lĩnh vực nghiên cứu khoa học, Bộ Tài chính yêu cầu rà soát các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định để ưu tiên bố trí nguồn lực đối với các chương trình, dự án cần thiết, hiệu quả.
Đối với các ĐVSNCL, Bộ Tài chính yêu cầu tiếp tục thực hiện đổi mới cơ chế tự chủ theo hướng tăng cường phân cấp và tăng cường tự chủ về tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Triển khai tích cực hiệu quả Nghị định số 60/2021/NĐ- CP của Chính phủ và các văn bản có liên quan quy định về cơ chế tự chủ đối với ĐVSNCL. Đẩy nhanh lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công, từ đó chuyển từ hỗ trợ NSNN cho các ĐVSNCL sang hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách khi tham gia các dịch vụ công.
Bộ cũng đề nghị thực hiện nghiêm túc công khai, dân chủ trong điều hành, tổ chức thực hiện dự toán, mua sắm tài sản, đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định. Điều hành, quản lý chi NSNN trong phạm vi dự toán được giao, đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định. Thực hiện triệt để tiết kiệm toàn diện các nội dung chi, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN.