Bộ Tài chính tổ chức hội thảo lấy ý kiến về kết quả rà soát Luật giá với các Luật chuyên ngành
Ngày 17/12, tại Hà Nội, Bộ Tài chính phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo 'Lấy ý kiến về kết quả sơ bộ rà soát Luật Giá với các Luật chuyên ngành'. Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn chủ trì hội thảo, tham dự hội thảo có nhiều đại biểu đến từ các Bộ, Sở, Ban, ngành, doanh nghiệp thẩm định giá…
Luật Giá (sửa đổi) hướng tới mục tiêu tăng trưởng Xanh
Khai mạc Hội thảo, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Luật Giá được Quốc hội thông qua từ kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013. Trong thời gian qua, Luật Giá và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý, điều hành giá theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần phân bổ nguồn lực xã hội hiệu quả, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế bền vững. Sau gần 9 năm thực hiện, đến nay bối cảnh kinh tế - xã hội đã có những thay đổi, hệ thống pháp luật dân sự kinh tế ngày càng được hoàn thiện hơn, cũng đã có những tác động nhất định đến công tác quản lý điều hành giá. Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ hồ sơ sửa đổi luật với 9 nhóm chính sách. Theo đó, nhiều vấn đề về quy chế quản lý, điều hành giá sẽ được sửa đổi toàn diện để đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn, khắc phục hạn chế vướng mắc; qua đó hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, góp phần tham gia bảo vệ môi trường sinh thái.
Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn
Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh về việc đưa vấn đề Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững vào hoàn thiện các chính sách phát triển kinh tế. “Thực tiễn cho thấy rằng mục tiêu sản xuất xanh, phát triển kinh tế bền vững thì các yếu tố chi phí phát sinh để thực hiện phải được xem xét kết cấu trong giá thành sản phẩm. Vì vậy, việc kịp thời rà soát, đánh giá hệ thống pháp luật về giá, nghiên cứu định hướng trong việc xây dựng gắn với mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là hết sức phù hợp và quan trọng trong thời gian tới đây”.
Với vai trò quan trọng đó, Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đã lựa chọn lĩnh vực giá để hỗ trợ triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình Hợp phần 4 “Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh” và Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính là đơn vị thụ hưởng đã phối hợp với GIZ triển khai từ năm 2020 các hoạt động nghiên cứu cơ sở lý luận về mối quan hệ giữa giá cả với tăng trưởng xanh, đánh giá tình hình thực hiện chính sách quản lý giá đối với một số nhóm mặt hàng quan trọng có tác động đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững như nhóm mặt hàng tài nguyên, năng lượng, dịch vụ thu gom vận chuyển rác thải và các nhóm mặt hàng khác.
Tiếp tục với sự hỗ trợ của GIZ, trong năm 2021 và thời gian tới Cục Quản lý giá đang và sẽ triển khai các hoạt động phục vụ nghiên cứu, xây dựng Luật giá (sửa đổi) gắn với đó là nghiên cứu, đề xuất các chính sách, cơ chế quản lý, điều hành giá hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực giá chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ. Thậm chí còn có sự mâu thuẫn chồng chéo, trùng lặp, nên không chỉ gây khó khăn trong công tác tổ chức thực hiện mà còn ảnh hưởng đến công tác quản lý điều hành chung.
9 nhóm chính sách lớn đang được nghiên cứu, sửa đổi
Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Đặng Công Khôi
Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Đặng Công Khôi cho biết, 9 chính sách lớn được Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi tại Luật Giá hiện nay là: (1) Hoàn thiện các nguyên tắc xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá tại Luật; (2) Củng cố, kiện toàn công tác xây dựng phương pháp định giá nhà nước, thống nhất trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc quy định phương pháp định giá hàng hóa dịch vụ cũng như quy trình xây dựng phương pháp định giá trên cơ sở phương án, hồ sơ từ các bộ, ngành; (3) Điều chỉnh thẩm quyền quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá từ Quốc hội cho Chính phủ; (4) Điều chỉnh các quy định hiện hành về phạm vi áp dụng đối với biện pháp hiệp thương giá; (5) Kê khai giá để tăng cường hiệu lực thực hiện của biện pháp kê khai giá, đáp ứng yêu cầu quản lý giá trong thực tiễn cũng như giảm bớt các thủ tục hành chính đối với biện pháp đăng ký giá; (6) Củng cố cơ sở pháp lý để triển khai toàn diện công tác tổng hợp, phân tích, dự báo. (7) Tiếp tục hoàn thiện các quy định về điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; (8) Tăng cường các giải pháp quản lý đối với hoạt động thẩm định viên về giá; (9) Quy định về thẩm định giá Nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Định – Phó phòng Chính sách tổng hợp cho biết, tổng số văn bản đã được rà soát liên quan đến Luật Giá đến nay có tới 285 văn bản (trong đó gồm 77 luật, 63 Nghị định, 11 Thông tư liên tịch, 128 Thông tư và 06 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong tổng số văn bản trên có tới 51 văn bản quy định mâu thuẫn, chồng chéo với quy định tại Luật giá. Cụ thể, hiện nay đang có 20 Luật, Nghị định có các quy định trùng lặp với Luật giá, chủ yếu là quy định về hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá (một mặt hàng do Nhà nước định giá đã được quy định tại Luật giá, nhưng cũng được quy định tại Luật chuyên ngành). Ví dụ như dịch vụ cất cánh, hạ cánh; điều hành bay đi, đến; hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay; soi chiếu an ninh đều được quy định tại Luật giá và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam năm 2014 hoặc mặt hàng dự trữ quốc gia đều được quy định tại Luật giá và Luật dự trữ quốc gia; hoặc mặt hàng điện đều được quy định tại Luật giá và Luật điện lực…
Theo quy định tại Điều 5 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì hệ thống văn bản phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Cùng một vấn đề được quy định điều chỉnh tại hai văn bản quy phạm pháp luật là không bảo đảm nguyên tắc trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; sự trùng lặp chưa dẫn đến xung đột pháp luật nhưng sẽ dẫn đến chồng chéo về phạm vi điều chỉnh, gây khó khăn, vướng mắc trong áp dụng pháp luật, hướng dẫn thực hiện. Nhất là khi phải sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật sẽ rất khó khăn, phải thực hiện sửa đổi đồng thời 2 văn bản quy phạm pháp luật.
Đã đến lúc cần sửa đổi Luật giá
Đại diện sở Tài chính tỉnh Thái Bình nhất trí với những vấn đề cần sửa đổi trong Luật Giá hiện nay
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu cũng đồng tình với việc sửa đổi Luật Giá trong thời gian tới. Đồng thời, các đại biểu cũng nhất trí với Cục Quản lý giá về việc tiếp tục thực hiện nghiêm quy trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL trong lĩnh vực giá theo luật ban hành văn bản QPPL bảo đảm chặt chẽ, khoa học, chuyên nghiệp. Chú trọng việc rà soát kỹ lưỡng các quy định pháp luật về giá và thẩm định giá tại pháp luật chuyên ngành trước khi ban hành mới, bảo đảm không có quy định chồng chẽo, mâu thuẫn với Luật giá.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan cần tăng cường công tác rà soát, hệ thống hóa, theo dõi, kiểm tra việc thi hành pháp luật về giá, gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật; Tăng cường nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật về giá và thẩm định giá bảo đảm thực hiện hiệu quả quy trình xây dựng pháp luật, nhất là quá trình khảo sát thực tiễn, hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến chuyên gia về các chính sách dự kiến ban hành mới, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật trong lĩnh vực giá và thẩm định giá tại trung ương và địa phương.
Đối với hình thức văn bản quy định giá, các đại biểu đề nghị bổ sung hướng dẫn về nguyên tắc áp dụng, lựa chọn hình thức văn bản về quản lý, điều hành giá tại Nghị định sửa đổi Nghị định số 149/2016/NĐ-CP theo hướng: Các nội dung về cơ chế quản lý, nguyên tắc, phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện để xác định giá được ban hành dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật; trường hợp chỉ quy định việc quyết định giá, điều chỉnh giá đối với hàng hóa, dịch vụ cụ thể được ban hành dưới hình thức văn bản cá biệt.