Bộ Tài nguyên và Môi trường vào cuộc giếng khoan phun trào ở Gia Lai

Sáng ngày 1/8, Đoàn công tác thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đến xã Ia Kly, huyện Chư Prông, Gia Lai để kiểm tra thẩm định giếng khoan phun bụi nước lên không trung.

Bí thư Huyện ủy Chư Prông Đinh Văn Dũng cho biết: Sáng ngày 1/8, Đoàn công tác thuộc Bộ Tài nguyên & Môi trường đã đến làng Klă, xã Ia Kly, huyện Chư Prông lấy mẫu nước, khí để kiểm tra, phân tích thu thập các thành phần nhằm đưa ra các khuyến cáo phù hợp.

Tại buổi đi thực tế, địa phương đã đề nghị đoàn sớm có kết luận để xác định nước và khí phun ra từ giếng khoan có độc hại, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dân hay không. Đồng thời đưa ra các khuyến cáo để địa phương có các giải pháp phù hợp, đảm bảo cuộc sống người dân. Trường hợp các mẫu nước và khí không có ảnh hưởng, địa phương sẽ triển khai biện pháp tận dụng nguồn nước này để phục vụ sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Đoàn công tác thuộc Bộ Tài nguyên & Môi trường đã đến làng Klă, xã Ia Kly, huyện Chư Prông lấy mẫu nước, khí để kiểm tra, phân tích.

Đoàn công tác thuộc Bộ Tài nguyên & Môi trường đã đến làng Klă, xã Ia Kly, huyện Chư Prông lấy mẫu nước, khí để kiểm tra, phân tích.

Tham gia trong đoàn khảo sát, ông Nguyễn Trung Phát - Trưởng Phòng điều tra Tài nguyên nước, liên đoàn quy hoạch điều tra Tài nguyên nước Miền trung, Trung tâm Quốc gia Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Để xác định được nguyên nhân, vấn đề này phải có thời gian khảo sát đánh giá. Trước tiên, chúng tôi tiến hành lấy mẫu nước về nghiên cứu, phân tích, đánh giá, mới có thể đưa ra quyết định chính xác được”.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Thị Thanh Thủy - Trưởng khoa địa chất Khoáng sản, Đại học Tài nguyên & Môi trường TP HCM nhận định: “Có thể người dân khi khoan giếng gặp tầng đất ngậm nước. Ở tầng này có đặc điểm khác là áp suất lớn so với các tầng khác. Do đó, khi khoan tới tầng đất này thì xuất hiện nước dạng sương, hơi bay lên không trung. Đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường trong địa chất, thủy văn. Tuy nhiên cần có thời gian nghiên cứu để xác định chính xác nguyên nhân”.

Một số người cho rằng, hiện tượng kỳ lạ này có nguyên nhân từ các trận động đất ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum gây ra. Tuy nhiên đây chỉ là giả thuyết, chưa có căn cứ khoa học kết luận. Hiện nay, giếng khoan phun bụi nước lên trời sau 48 giờ qua chưa có dấu hiệu ngừng và ghi nhận đã có nhiều người tò mò đi từ nhiều nơi đến xem hiện tượng kỳ lạ này.

Chính quyền địa phương và gia đình khoanh bảo vệ tránh người dân đến gần giếng nước phun trào.

Chính quyền địa phương và gia đình khoanh bảo vệ tránh người dân đến gần giếng nước phun trào.

Để bảo đảm an ninh trật tự, ông Rơ Mah Hêng - Chủ tịch UBND xã Ia Kly, huyện Chư Prông cho biết: “Xã đã cử người đến địa điểm giếng nước phun cùng với gia đình khoanh vùng bảo vệ, tránh người dân hiếu kỳ tập trung gây mất trật tự”.

Các chuyên gia của đoàn khảo sát đều thống nhất, để có kết luận chính xác phải có thời gian khảo sát, đánh giá thêm. Hiện đoàn khảo sát thuộc Bộ Tài nguyên & Môi trường đã tiến hành lấy mẫu nước, quan sát, ghi nhận và đang tiếp tục nghiên cứa để có kết luận chính xác về hiện tượng lạ này.

Lê Thắng - Mai Trung

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bo-tai-nguyen-va-moi-truong-vao-cuoc-gieng-khoan-phun-trao-o-gia-lai.html