Bỏ tất cả hạn chế chuyến bay giữa Trung Quốc và Việt Nam
Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam cho biết kể từ ngày 8-1-2023, các hãng hàng không Trung Quốc và nước ngoài có thể nối lại các chuyến bay của mình theo các Hiệp định hàng không song phương
Cụ thể, ngày 30-12-2022, Tổng cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) gửi thư thông báo về việc ngày 28-12-2022, CAAC ra thông báo về "Các biện pháp nối lại các chuyến bay quốc tế chở khách".
Theo đó, kể từ ngày 8-1-2023, các hãng hàng không Trung Quốc và nước ngoài có thể nối lại các chuyến bay của mình theo các Hiệp định hàng không song phương, cụ thể là gỡ bỏ tạm thời các hạn chế về tần suất cũng như hạn chế về số lượng ghế sử dụng trên chuyến bay.
Bắt đầu từ ngày 8-1-2023, các hãng hàng không Trung Quốc và nước ngoài có giấy phép khai thác các chuyến bay quốc tế chở khách có thể nộp đơn xin nối lại các hoạt động khai thác đã được phê duyệt theo Lịch bay mùa đông 2019 của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA).
Cũng từ ngày này, Trung Quốc sẽ nối lại việc xem xét đơn xin cấp phép của các hãng hàng không Trung Quốc và nước ngoài cho các đường bay mới hoặc tăng tần suất các chuyến bay quốc tế chở khách từ Lịch bay mùa hè 2023 của IATA.
Bắt đầu từ Lịch bay mùa hè 2023 của IATA, các hãng hàng không Trung Quốc và nước ngoài có thể xin cấp phép các chuyến bay quốc tế thuê chuyến chở khách theo các quy định hiện hành đối với các chuyến bay thuê chuyến. Với mục đích khuyến khích các hãng hàng không Trung Quốc và nước ngoài nối lại các chuyến bay thường lệ sớm nhất có thể, các chuyến bay thương mại theo hình thức thuê chuyến trong lịch bay mùa hiện nay sẽ không được phê duyệt trừ khi các chuyến bay thuê chuyến đó đã được một cơ quan cấp tỉnh hoặc cấp bộ (hoặc cơ quan có thẩm quyền khác) phê duyệt bằng văn bản.
Giấy phép khai thác đã cấp cho các hãng hàng không nước ngoài trong thời gian dịch COVID-19 vẫn có hiệu lực và các hãng hàng không đó được tiếp tục khai thác theo thủ tục quy định.
Các hãng hàng không Trung Quốc và nước ngoài có thể khai thác các chuyến bay đã có từ trước COVID-19 bằng cách sử dụng các giờ cất-hạ cánh lịch sử trên nguyên tắc có đi có lại.
Bắt đầu từ ngày 8-1, sẽ nối lại việc xem xét đơn xin cấp phép hạ cánh cho máy bay tư nhân đến Trung Quốc.
Chính sách phòng dịch COVID-19 tại Trung Quốc thời gian qua đã khiến số lượng chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc rất hạn chế, chỉ từ 2-4 chuyến bay mỗi tuần.
Vừa qua, nhân dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc, Cục Hàng không Việt Nam đã đề nghị nhà chức trách hàng không Trung Quốc mở lại đường bay giữa 2 nước như bình thường. Phía Trung Quốc đồng ý cho phép các hãng bay Việt Nam được khai thác 15 chuyến đến Trung Quốc mỗi tuần và các hãng hàng không Trung Quốc cũng thực hiện 15 chuyến bay mỗi tuần đến Việt Nam theo nguyên tắc đối đẳng.
Ngay sau đó, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet đã nhanh chóng triển khai lại các đường bay đến Trung Quốc. Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam vừa có cuộc họp với các hãng bay để triển khai kế hoạch khôi phục thị trường Trung Quốc.
Có xét nghiệm đối với hành khách?
Ngày 4-1, Liên minh châu Âu (EU) vẫn khuyến nghị tất cả các nước tiến hành xét nghiệm COVID-19 trước chuyến bay đối với du khách đến từ Trung Quốc trong bối cảnh số ca nhiễm bệnh tại nước này tăng đột biến.
Khuyến nghị trên được đưa ra sau một tuần thảo luận với sự tham gia của các chuyên gia y tế EU và Tổ chức Ứng phó Khủng hoảng (IPCR) của EU. Cùng với việc hành khách phải có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trước khi khởi hành, IPCR cũng khuyến nghị hành khách đeo khẩu trang trên các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhiều tổ chức y tế và các hãng hàng không đã bày tỏ không ủng hộ đối với quy định xét nghiệm COVID-19 đối với du khách đến từ Trung Quốc.
Tổng Giám đốc IATA Willie Walsh trong phát biểu ngày 4-1 bày tỏ thất vọng khi thấy việc khôi phục một cách vội vàng các biện pháp đã được chứng minh là không hiệu quả trong 3 năm qua. "Nghiên cứu được thực hiện xung quanh sự xuất hiện của biến thể omicron đã kết luận rằng việc đặt ra các rào cản đối với việc đi lại là không hiệu quả trước làn sóng lây nhiễm mạnh của dịch bệnh" - ông Willie Walsh nêu rõ.
Cơ quan Quản lý các sân bay châu Âu (ACI Europe) cũng cho rằng quy định bắt buộc xét nghiệm COVID-19 đối với du khách đến từ Trung Quốc là không hợp lý về mặt khoa học.
Theo ACI Europe, cả Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định rằng các biện pháp hạn chế đi lại trên toàn cầu không thực sự hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.