Bộ Tham mưu BĐBP: Nỗ lực, quyết tâm hoàn thành toàn diện nhiệm vụ công tác tham mưu Biên phòng

Ngày 19/11/1958, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58/NQ-TW về việc xây dựng lực lượng cảnh vệ nội địa và biên cương. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 3/3/1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 100/TTg, tại Điều 1 nêu rõ: 'Thống nhất các đơn vị bộ đội Quốc phòng đang làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới, giới tuyến và các đơn vị Công an Biên phòng, Cảnh sát vũ trang thành một lực lượng vũ trang chuyên trách công tác biên phòng và bảo vệ nội địa, lấy tên là Công an nhân dân vũ trang, đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an'.

Thiếu tướng Trần Hải Bình kết luận kiểm tra công tác pháp chế và cải cách hành chính tại cơ quan Bộ Chỉ huy BĐBP Gia Lai. Ảnh: CTV

Thiếu tướng Trần Hải Bình kết luận kiểm tra công tác pháp chế và cải cách hành chính tại cơ quan Bộ Chỉ huy BĐBP Gia Lai. Ảnh: CTV

Sau đó, ngày 23/4/1959, Bộ Công an ra Nghị định số 153/NĐ thành lập 4 cục: Cục Tham mưu, Cục Trinh sát, Cục Chính trị và Cục Hậu cần, là các cơ quan giúp việc cho Ban Chỉ huy Trung ương. Kể từ đây, ngày 23/4 hàng năm trở thành ngày truyền thống của Bộ Tham mưu BĐBP.

65 năm qua, tình hình về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia có những hoàn cảnh, giai đoạn có đặc điểm khác nhau, có thời điểm diễn biến phức tạp; Bộ Tham mưu BĐBP có nhiều thay đổi về tên gọi, tổ chức biên chế, nhưng trong điều kiện, hoàn cảnh nào, cơ quan tham mưu Biên phòng luôn chủ động, chủ trì, thích ứng và làm tốt công tác tham mưu cho Thường vụ, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP về các vấn đề chủ quyền, lãnh thổ, đối ngoại, thể chế pháp lý, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, xây dựng đơn vị, giáo dục đào tạo và công tác bảo đảm chỉ huy.

Thực tiễn tình hình đã đặt ra yêu cầu cấp thiết về tăng cường sức mạnh phòng thủ và chiến đấu của đất nước, vì vậy, ngày 10/10/1979, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW nhằm thống nhất công tác lãnh đạo, chỉ huy các lực lượng vũ trang, trong đó nêu rõ: “Chuyển giao sang Bộ Quốc phòng và chuyển thành BĐBP toàn bộ lực lượng và tổ chức Công an nhân dân vũ trang hiện nay thuộc Bộ Nội vụ”.

Bộ Tham mưu BĐBP đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; cùng nhiều Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, cờ thi đua, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, của các bộ, ngành Trung ương cho hàng trăm tập thể, cá nhân... Sự ghi nhận đó là nguồn động viên, cổ vũ to lớn đối với Bộ Tham mưu BĐBP, là minh chứng rõ nét nhất về vai trò, vị thế, cùng những đóng góp quan trọng của đơn vị trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.

Tiếp đến, ngày 20/2/1981, Bộ Quốc phòng ban hành Chỉ thị số 57/CT-QP về việc chấn chỉnh tổ chức, cơ quan, cơ sở trực thuộc Bộ Tư lệnh BĐBP, Cục Tham mưu BĐBP chính thức được đổi tên thành Bộ Tham mưu BĐBP. Chuyển sang tổ chức mới, theo cơ chế lãnh đạo mới, Bộ Tham mưu BĐBP đã lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, công nhân viên quán triệt nghiêm túc đường lối, quan điểm của Đảng; không ngừng nâng cao trách nhiệm chính trị, nắm chắc và bám sát tình hình thực tiễn, nghiên cứu đề xuất các phương án, kế hoạch bảo vệ, chiến đấu, xây dựng và tổ chức, góp phần tham mưu Bộ Tư lệnh chỉ đạo, chỉ huy toàn lực lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ngày 30/11/1987, trước yêu cầu giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh quốc gia và an ninh trật tự khu vực biên giới, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 07/NQ-TW về “Nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới” và quyết định “Chuyển giao BĐBP cho Bộ Nội vụ trực tiếp phụ trách”. Dưới sự chỉ đạo sát sao, chặt chẽ của Bộ Nội vụ trong gần 7 năm, BĐBP đã có những bước chuyển biến vững chắc về mọi mặt.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng - an ninh nói chung và nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia nói riêng trong giai đoạn mới, ngày 8/8/1995, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 11-NQ/TW về “Xây dựng BĐBP trong tình hình mới”, đồng thời quyết định chuyển BĐBP từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng. Qua mỗi lần thay đổi, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tham mưu đều hết sức vất vả, nặng nề, bởi trong mọi thời điểm, công tác tham mưu luôn phải đi trước một bước, chủ động nghiên cứu, tham mưu xây dựng kế hoạch điều chỉnh tổ chức lực lượng, nhiệm vụ công tác để thống nhất về mặt tổ chức và cơ chế chỉ huy của toàn quân.

Từ năm 1995 đến nay, tổ chức biên chế của Bộ Tham mưu BĐBP luôn đảm bảo tinh gọn, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả phục vụ đắc lực việc thực hiện nhiệm vụ chính trị: Tham mưu, chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, quản lý, bảo vệ biên giới, xây dựng thể chế..., đối ngoại, huấn luyện đào tạo, hội thi, hội thao, bảo đảm công binh, công trình chiến đấu, thông tin liên lạc, cơ yếu, hồ sơ bảo mật, tham gia khảo sát quy hoạch, xây dựng đường tuần tra biên giới, tham gia xây dựng khu vực phòng thủ ở các địa phương, xây dựng thế trận quân sự và thế trận biên phòng..., xây dựng đơn vị chấp hành nghiêm kỷ luật, pháp luật và đảm bảo an toàn.

Nổi bật là, quán triệt và thực hiện chủ trương phân giới cắm mốc của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng, những năm qua, Bộ Tham mưu BĐBP và các cơ quan chuyên trách đã tham mưu Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Quốc phòng chỉ đạo BĐBP các tỉnh, thành cử lực lượng tham gia phân giới cắm mốc, thực hiện công tác phân giới cắm mốc đúng văn kiện pháp lý đã được ký kết. Năm 2008, tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc đã hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc. Năm 2016, tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Lào đã hoàn thành Dự án Tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới. Tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia hiện đã hoàn thành khoảng 84% đường biên giới chung giữa hai nước được ghi trong Hiệp ước bổ sung năm 2019 và Nghị định thư phân giới cắm mốc 2019.

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các ban, ngành, lực lượng vũ trang, một đường biên giới pháp lý rõ ràng và hệ thống mốc giới hiện đại, bền vững đã được hình thành; tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; đồng thời, mở ra cơ hội mới cho công cuộc hội nhập và phát triển đất nước. Đồng thời, tham mưu chỉ đạo tuần tra, kiểm soát bảo vệ nguyên trạng đường biên, cột mốc.

Trên cơ sở những thành quả của công tác phân giới, cắm mốc, Bộ Tham mưu BĐBP đã tham mưu với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng duy trì quản lý, bảo vệ biên giới theo các văn kiện pháp lý về biên giới, cửa khẩu đã ký kết. Đặc biệt, trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, đã cùng các bộ, ngành và địa phương chỉ đạo thực hiện hiệu quả Hiệp định Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) và Hiệp định tàu thuyền đi lại tại khu vực tàu thuyền đi lại tự do ở cửa sông Bắc Luân; tham mưu, chỉ đạo xử lý có hiệu quả, đúng nguyên tắc đối với việc Trung Quốc xây dựng hàng rào biên giới ở những vị trí vi phạm, xâm lấn trên thực địa; tham gia xây dựng kế hoạch, tham mưu chỉ đạo đấu tranh, ngăn chặn hoạt động vận chuyển, buôn bán ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán người...

Bộ Tham mưu BĐBP cũng đã tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định; phối hợp các lực lượng thường xuyên rà soát, quản lý nguồn huy động theo Nghị định số 30/2010/NĐ-CP ngày 29/3/2010 của Chính phủ về huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Nghị định số 130/2015/NĐ-CP ngày 18/12/2015 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 30/2010/NĐ-CP; phối hợp tham gia các vòng đàm phán về Hiệp định hợp tác nghề cá mới trong vịnh Bắc bộ; đàm phán phân định khu vực ngoài cửa vịnh Bắc bộ.

Tham mưu chỉ đạo công tác sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm an ninh, an toàn cho các cơ quan, đơn vị và địa bàn khu vực biên giới, tham gia đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực biên giới, nhất là trong các dịp lễ, tết, các sự kiện chính trị trọng đại...

Với chủ trương công tác nghiên cứu lý luận, xây dựng văn bản pháp luật phải đồng hành với thực tiễn và có tầm nhìn vượt trước, những năm qua, Bộ Tham mưu BĐBP đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tích cực phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền xây dựng, ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng; đặc biệt là Pháp lệnh BĐBP (1997), Luật Biên giới quốc gia (2003) và Luật Biên phòng Việt Nam (2020), cùng các nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành... Qua đó, thể chế hóa toàn diện, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác quản lý, bảo vệ biên giới và xây dựng BĐBP; tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, ổn định, là cơ sở pháp lý để giúp BĐBP thực hiện quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển.

Cùng với đó, Bộ Tham mưu BĐBP đã tham mưu Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai hàng trăm đề án, đề tài, nhiệm vụ khoa học quân sự, góp phần bổ sung và làm sâu sắc thêm lý luận về phương thức quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, cung cấp luận cứ khoa học cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP nghiên cứu, đề ra các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Đặc biệt, phát huy vai trò, nhiệm vụ của mình, Bộ Tham mưu BĐBP đã tham mưu xây dựng và tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia” đạt kết quả tốt, góp phần quan trọng phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các địa phương và cả hệ thống chính trị xây dựng, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện thành công “Đề án tổ chức lực lượng BĐBP giai đoạn 2017-2021 và những năm tiếp theo”, Đề án “Quy hoạch hệ thống đồn, trạm Biên phòng đến năm 2021 và những năm tiếp theo” trên tinh thần xây dựng BĐBP tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả.

Trong đại dịch Covid-19, Bộ Tham mưu BĐBP đã thực hiện nghiêm các chỉ thị, kế hoạch của trên, nhanh chóng xây dựng kế hoạch, tham mưu, giúp Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”. Qua đó, đã tham mưu điều động, tăng cường lực lượng, phương tiện kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở; có thời điểm duy trì gần 2.000 tổ, chốt với trên 10.000 cán bộ, chiến sĩ BĐBP và các lực lượng chức năng tham gia; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, cửa sông, cảng biển, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép, quyết tâm không để dịch bệnh lây lan qua biên giới.

Bộ Tham mưu BĐBP đã tích cực, chủ động đề xuất với Bộ Tư lệnh BĐBP tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ký kết các văn kiện pháp lý, thỏa thuận hợp tác với lực lượng chức năng các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia...; chủ động phối hợp, tham gia thực hiện tốt các hoạt động đối ngoại quốc phòng trên biên giới như tổ chức thành công: 3 lần Giao lưu "Biên cương thắm tình hữu nghị"; 8 lần Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc, 5 lần Giao lưu hữu nghị biên giới với Lào, Campuchia; 2 lần Giao lưu công tác chính trị Việt Nam - Trung Quốc và 1 lần Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Camphuchia; tổ chức và duy trì hiệu quả hoạt động kết nghĩa “Đồn - Trạm hữu nghị, biên giới bình yên” giữa 188 cặp đơn vị; tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức kết nghĩa được 218 cặp cụm dân cư hai bên biên giới...

Đồng thời, tích cực tham mưu cho Bộ Tư lệnh BĐBP đẩy mạnh, đa dạng hóa hình thức, phương pháp đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân. Thông qua đó, duy trì thực hiện nghiêm các hiệp định, quy chế biên giới, tham gia giải quyết tốt các sự kiện nảy sinh trên biên giới, biển, đảo; phòng, chống các loại tội phạm, khủng bố xuyên quốc gia; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.

Phát huy truyền thống của lực lượng, những năm qua, Đảng ủy Bộ Tham mưu BĐBP luôn quán triệt sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP và cơ quan nghiệp vụ cấp trên về công tác huấn luyện; tham mưu, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hành huấn luyện theo phương châm "Cơ bản-thiết thực-vững chắc", gắn với thực hiện đột phá về xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện, chấp hành kỷ luật; coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, sát với thực tế công tác; kịp thời điều chỉnh về nội dung, thời gian, phương pháp huấn luyện, vừa đảm bảo linh hoạt, sáng tạo, vừa đảm bảo đúng, đủ nội dung.

Bộ Tham mưu BĐBP đã chủ động đề xuất xây dựng “Chương trình huấn luyện cơ bản của BĐBP”; thực hiện 3 đề án và 7 chuyên đề đổi mới nội dung, tổ chức phương pháp huấn luyện; xây dựng mới 72 chương trình, điều chỉnh 48 chương trình theo hướng tăng thời gian huấn luyện thực hành, huấn luyện đêm, huấn luyện hỏa khí đi cùng vào chương trình đào tạo sĩ quan cấp phân đội. Chỉ đạo các nhà trường trong lực lượng đổi mới nội dung giảng dạy, mở rộng hợp tác liên kết đào tạo với các trường trong và ngoài quân đội. Bám sát thực tiễn công tác, chủ động chỉ đạo công tác huấn luyện theo yêu cầu nhiệm vụ. Tham mưu tổ chức kiểm tra, phúc tra, hội thao, tập huấn và tham quan đơn vị điểm, tổ chức các hội nghị rút kinh nghiệm. Do vậy, chất lượng huấn luyện trong toàn lực lượng đã được nâng lên rõ rệt, thể hiện ở hiệu quả trên các mặt công tác của BĐBP, được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Bộ Tham mưu BĐBP đã chủ động làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; đảm bảo thông tin, cơ yếu, công binh, hồ sơ bảo mật, văn phòng... cho nhiệm vụ thường xuyên, sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn, thông suốt, vững chắc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống. Tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tham mưu BĐBP đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”; chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, quản lý tư tưởng, bảo vệ chính trị nội bộ, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị nắm tình hình và giải quyết những vụ việc mới phát sinh; duy trì nghiêm các chế độ và xây dựng chính quy. Các cấp ủy, tổ chức đảng chấp hành tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; chế độ sinh hoạt, tự phê bình và phê bình được duy trì nền nếp, đoàn kết, thống nhất cao; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên ngày càng nâng lên; xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh. Đồng thời, luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” và chính sách hậu phương quân đội; thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội.

Đặc biệt, công tác thể dục thể thao trong BĐBP phát triển mạnh mẽ, đạt thành tích cao trong các giải đấu cấp quốc gia, quốc tế. Bộ Tham mưu BĐBP đã tham mưu cho Bộ Tư lệnh BĐBP quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo tốt điều kiện ăn nghỉ, huấn luyện, công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên cũng được chú trọng... Trải qua quá trình rèn luyện, phấn đấu bền bỉ, cùng tinh thần đoàn kết, quyết tâm của các huấn luyện viên, vận động viên đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, thi đấu ở phong độ đỉnh cao, đạt thành tích xuất sắc trong các giải đấu.

Thiếu tướng Trần Hải Bình, Phó Tham mưu trưởng BĐBP

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bo-tham-muu-bdbp-no-luc-quyet-tam-hoan-thanh-toan-dien-nhiem-vu-cong-tac-tham-muu-bien-phong-post474748.html