Bộ Thông tin & Truyền thông sẽ sớm hoàn thiện và trình Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025

Vừa qua, Bộ Thông tin & Truyền thông (TTTT) tổ chức Hội nghị trực tuyến tại 88 điểm cầu để sơ kết công tác quản lý nhà nước 6 tháng đầu năm và xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng định hướng các giải pháp nhằm tăng hiệu quả hoạt động báo chí trong thời gian tới.

Theo đó, từ đầu năm 2021 đến nay, Bộ TTTT đã nhiều lần làm việc với Tổng biên tập các báo lớn nhằm định hướng tuyên truyền về công tác phòng chống dịch để thống nhất cách thức truyền thông hiệu quả, chính xác, không gây hoang mang dư luận về tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch. Bộ TTTT đã hỗ trợ, đặt hàng 86 cơ quan báo chí thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 với tổng số tiền 58 tỷ đồng.

Báo chí tuyên truyền đã góp phần quan trọng vào sự thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Bộ đã đồng hành với các địa phương trong đầu tư phát triển được 521 đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông, tăng 723% so với 6 tháng đầu năm 2020 (72 đài).

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: www.mic.gov.vn

Về định hướng lớn phát triển báo chí truyền thông trong thời gian tới, Bộ phấn đấu đưa báo chí Việt Nam là kênh phản ánh dòng chảy chính tích cực của một Việt Nam đổi mới; Khơi dậy sức mạnh tinh thần, tạo sự đồng thuận, nuôi dưỡng khát vọng về một Việt Nam phát triển, thịnh vượng. Sức mạnh tinh thần giúp hiện thực hóa Khát vọng Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ của báo chí, truyền thông là cầu nối giữa chủ trương và thực tiễn, giữa ý Đảng và lòng Dân.

Bộ TTTT hoàn thiện và trình Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; tổ chức sơ kết 2 năm triển khai quy hoạch báo chí. Đánh giá mô hình cơ quan báo chí tại Quảng Ninh, Bình Phước. Triển khai chương trình hành động bảo vệ quyền lợi báo chí Việt Nam trước các nền tảng xuyên biên giới. Tuyên truyền mạnh về Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội để từng người sử dụng có ý thức, trách nhiệm khi cung cấp, sử dụng thông tin trên không gian mạng. Xây dựng và trình TTgCP Đề án “Chương trình Sách Quốc gia”; Triển khai Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 4.

Theo Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng: Báo chí gần chục năm qua đã giảm gần 3 lần nguồn thu và lâm vào khó khăn. Vậy có cách nào để nguồn thu tăng 3 lần không? Nếu vẫn cứ là quảng cáo dựa trên "view" thì chắc là sẽ giảm. Nếu vẫn cứ bảo hộ ngược, tức là ưu ái các nền tảng xuyên biên giới và siết chặt báo chí trong nước, thì chắc không phải giảm 3 lần mà sẽ là 4-5 lần. Nếu cứ tiếp cận khách hàng thông qua các nền tảng của doanh nghiệp khác, nhất là các nền tảng xuyên biên giới, thì không phải giảm 4-5 lần mà tờ báo sẽ biến mất. Nếu vẫn để người khác quảng cáo gì cũng được trên mặt báo của mình thì tờ báo sẽ không còn thương hiệu nữa. Nếu cứ tiếp tục giật tít, câu view thì thành "lá cải". Mà "lá cải" thì giá cũng "lá cải" thôi. Nếu vẫn tiếp tục đưa tin ai, ở đâu, làm gì, khi nào thì tờ báo chắc không thể bằng một phần ngàn mạng xã hội, vì họ có hàng chục triệu "phóng viên" ở khắp mọi nơi.

“Vậy thì báo chí sẽ làm gì? Làm ngược lại những gì đang làm. Và quay về với những giá trị cốt lõi nhất của báo chí, của báo chí cách mạng Việt Nam. Quay về để đi xa hơn. Chỉ có quay về thì mới biết đường đi. Và đường đi đó có thể là vừa làm giống, vừa làm khác với mạng xã hội. Làm giống là hãy biến mỗi tờ báo thành một mạng xã hội nhỏ. Làm giống là tờ báo phải công nghệ nhiều hơn (15-30% lao động là dân công nghệ). Làm khác là tin xác thực, là phân tích, là dữ liệu nhiều hơn, là dẫn dắt, định hướng, là giải pháp nhiều hơn. Làm khác là nguồn thu không chỉ dựa vào quảng cáo”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm.

Nguyên Phong

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-thong-tin-truyen-thong-se-som-hoan-thien-va-trinh-chien-luoc-chuyen-doi-so-bao-chi-den-nam-2025-post145055.html