Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị về quyền con người

Ngày 7/8, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về quyền con người cho phóng viên, biên tập viên, cán bộ, công chức của ngành.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Hồ Hồng Hải phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: PV)

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Hồ Hồng Hải phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: PV)

Khai mạc Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT) Hồ Hồng Hải cho biết, quyền con người (QCN) là một trong những vấn đề được Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng và xác định công tác tuyên truyền về QCN là nhiệm vụ chính trị và là trách nhiệm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trước mắt và lâu dài. Bên cạnh đó, Hiến pháp và các văn bản pháp luật của Việt Nam đã quy định rõ ràng và cụ thể về QCN trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội…

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực QCN, ngày 14/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1079 phê duyệt Đề án truyền thông về QCN ở Việt Nam giai đoạn 2023-2028. Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ TT&TT chịu trách nhiệm chủ trì hướng dẫn các Bộ, ngành kế hoạch thực hiện Đề án.

Trên cơ sở đó, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 1933 ngày 21/10/2022 về Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1079 và giao cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ (trong đó có Vụ Pháp chế) tổ chức triển khai các nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về QCN.

Theo ông Hải, vai trò của truyền thông, báo chí là vô cùng quan trọng bởi truyền thông và báo chí không chỉ là cầu nối đưa thông tin đến công chúng, mà còn là công cụ mạnh mẽ giúp nâng cao nhận thức, giáo dục về nhân quyền và phản ánh tình hình thực tế về việc thực thi các quyền này.

“Sự tham gia tích cực của truyền thông và báo chí sẽ giúp tăng cường sự minh bạch, thúc đẩy sự hiểu biết và ủng hộ từ cộng đồng. Đồng thời, tạo sức ép để các cơ quan chức năng thực hiện trách nhiệm của mình một cách hiệu quả hơn”, ông Hải nhấn mạnh.

Hội nghị lần này không chỉ là dịp để nhìn lại những thành tựu đã đạt được của Việt Nam trong lĩnh vực nhân quyền thời gian vừa qua mà còn là cơ hội để chúng ta cùng nhau học hỏi, trao đổi thảo luận và cập nhật các thành tựu của Việt Nam trong thời gian vừa qua; nâng cao những kiến thức mới về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về QCN để thông qua đó tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho toàn dân, góp phần đưa các chính sách này vào sâu trong cuộc sống. “Những thông tin, bài học và kinh nghiệm được chia sẻ trong Hội nghị sẽ là nguồn cảm hứng và động lực để chúng ta tiếp tục công việc quan trọng này”, ông Hải tin tưởng.

PGS.TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện QCN trình bày các chuyên đề tại Hội nghị. (Ảnh: PV)

PGS.TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện QCN trình bày các chuyên đề tại Hội nghị. (Ảnh: PV)

Tại Hội nghị, các phóng viên, biên tập viên, cán bộ, công chức ngành TT&TT đã được nghe các chuyên đề “Đảm bảo QCN trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam”, “Phát huy vai trò của truyền thông báo chí trên lĩnh vực QCN” do PGS.TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện QCN, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trình bày.

Trong đó, về vai trò của truyền thông, báo chí, ông Tường Duy Kiên nhận định, truyền thông, báo chí đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ và đấu tranh trên lĩnh vực QCN. Vì vậy, truyền thông, báo chí cần phát huy hơn nữa vai trò định hướng dư luận tuyên truyền về những thành tựu trong bảo vệ, bảo đảm QCN, quyền công dân, đồng thời chủ động tham gia cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực phản động, thù địch trên lĩnh vực QCN, quyền công dân, bảo vệ quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về QCN, quyền công dân ở Việt Nam hiện nay.

Để thực hiện tốt những định hướng, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra phát huy hiệu quả vai trò của truyền thông, báo chí trong bảo vệ, đấu tranh trên lĩnh vực QCN thời gian tới, theo ông Kiên, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ như nắm vững các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, bảo đảm và đấu tranh trên lĩnh vực QCN; hiểu, thực hiện tốt các nguyên tắc, quy định của Hiến pháp, pháp luật về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí - đó là các quyền có giới hạn; nắm vững tính hai mặt của thiết chế truyền thông, báo chí trong bảo vệ QCN và quyền công dân…

Vương Anh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/bo-thong-tin-va-truyen-thong-to-chuc-hoi-nghi-ve-quyen-con-nguoi-post521112.html