Bỏ thủ tục chuyển tuyến với bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo

Một số điểm được sửa đổi trong Luật Bảo hiểm y tế là phạm vi hưởng bảo hiểm y tế được mở rộng với hình thức khám chữa bệnh tại nhà; xóa bỏ địa giới hành chính trong khám chữa bệnh; bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.

Chiều 27/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 446/455 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành Luật Bảo hiểm y tế, chiếm 93,11%. Đối với Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, có 453/456 ĐBQH tán thành, chiếm 94,57%.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Đối với Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, chương trình sẽ được thực hiện trên phạm vi cả nước từ năm 2025 đến hết năm 2030.

Quốc hội quyết định, tổng vốn thực hiện Chương trình tối thiểu là hơn 22.450 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương tối thiểu là hơn 17.725 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương là 4.674,537 tỷ đồng.

Về chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030, nghị quyết quy định, hằng năm, giảm số người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy; phấn đấu đến năm 2030 đạt ít nhất 50% số xã, phường, thị trấn trên toàn quốc không ma túy. Phấn đấu 100% các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy và 100% diện tích trồng trái phép cây có chứa chất ma túy được phát hiện và triệt phá.

Quy định rõ mức hưởng khi thông cấp khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sau khi chỉnh lý gồm 3 điều, điều 1 sửa đổi, bổ sung 42 điều của Luật Bảo hiểm y tế hiện hành (trong đó bổ sung 3 khoản mới ở 2 điều) và bổ sung 2 điều mới.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Riêng quy định liên quan đến cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh, đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu, chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của luật này có hiệu lực từ 1/1/2025.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trước khi biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật mới có 8 nhóm điểm mới cơ bản.

Trong đó, dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi hưởng bảo hiểm y tế với hình thức khám chữa bệnh từ xa; hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa; khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình; khám bệnh, chữa bệnh tại nhà.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo thiết kế trong dự thảo Luật quy định về mức hưởng bảo hiểm y tế trên cơ sở xóa bỏ địa giới hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh, giữ ổn định mức hưởng bảo hiểm y tế theo quy định của luật hiện hành.

Cụ thể, 100% mức hưởng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp ban đầu và một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh có chỉ định phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp cơ bản hoặc cấp chuyên sâu; 100% mức hưởng đối với khám bệnh, chữa bệnh nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp cơ bản; từ 50% đến 100% mức hưởng đối với khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp cơ bản theo lộ trình; 40% mức hưởng đối với khám bệnh, chữa bệnh nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Đặc biệt, người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ nghèo đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo khi khám bệnh, chữa bệnh nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu được bảo hiểm y tế chi trả 100% mức hưởng, quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 100% mức hưởng với các trường hợp cấp cứu tại bất kỳ cơ sở nào.

Dự thảo Luật cũng quy định mở rộng với một số trường hợp như bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.

Về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu, chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, luật quy định quyền của người có thẻ bảo hiểm y tế trong việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp ban đầu và cấp cơ bản.

Dự thảo đồng thời quy định việc chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện theo yêu cầu chuyên môn và khả năng đáp ứng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, việc chuyển người bệnh về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu để điều trị, quản lý đối với các bệnh mãn tính.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/bo-thu-tuc-chuyen-tuyen-voi-benh-hiem-benh-hiem-ngheo-36040.html