Bộ TN&MT thống nhất với các địa phương điều chỉnh bảng giá đất
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa họp với 21 tỉnh, TP về việc triển khai điều chỉnh Bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 theo khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024.
Để có phương án xử lý giải quyết một số khó khăn, vướng mắc theo báo cáo của các địa phương, Bộ TN&MT đã tổ chức cuộc họp để thống nhất việc thực hiện đúng quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024.
Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết thời gian qua, Bộ TN&MT, các bộ, ngành liên quan và các địa phương đã phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng Luật Đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Tuy nhiên, tiến độ ban hành văn bản tại địa phương vẫn chậm do Luật Đất đai đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, khiến số lượng nội dung do địa phương tự quy định nhiều hơn, trong khi các địa phương lại gặp hạn chế về nhân lực, thời gian và kinh nghiệm.
Do đó, Thứ trưởng đề nghị lãnh đạo địa phương tập trung chỉ đạo các cơ quan tham mưu xây dựng và ban hành các văn bản theo thẩm quyền theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Về khó khăn, lúng túng trong việc triển khai điều chỉnh Bảng giá đất giai đoạn 2020-2024, Thứ trưởng Lê Minh Ngân khẳng định đây là quy định chuyển tiếp để xử lý cho các địa phương trong quá trình từ khi Luật có hiệu lực tới ngày 1/1/2026 (ngày Bảng giá đất mới theo Luật Đất đai 2024 có hiệu lực).
Thứ trưởng cho biết theo Điều 257 của Luật này, Bảng giá đất hiện tại (theo Luật Đất đai 2013) vẫn được dùng đến hết năm 2025.
"Việc điều chỉnh Bảng giá đất thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, do đó, nếu các địa phương thấy bảng giá đất trên địa bàn đang ổn định, áp dụng tốt, không ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội... thì có thể giữ nguyên", Thứ trưởng Bộ TN&MT nói.
Mặt khác, nếu thấy cần thiết phải điều chỉnh giá đất tại một số vị trí, đối tượng, loại đất, hoặc điều chỉnh tổng thể Bảng giá đất thì điều chỉnh. Tuy nhiên, phải đảm bảo trình tự, thủ tục của Nghị định 71 và quy định của Luật Đất đai 2024.
Thứ trưởng cho biết việc ban hành văn bản về định mức kinh tế - kỹ thuật để lập dự toán ngân sách nhà nước phục vụ công tác định giá đất thuộc thẩm quyền của các địa phương.
Điều này được quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định 32/2019/NĐ-CP về việc giao nhiệm vụ, đặt hàng, hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
Về xác định giá khởi điểm đất đấu giá, Luật Đất đai quy định đối với khu vực đã được đầu tư xây dựng hạ tầng thì áp dụng bảng giá đất để xác định giá đất khởi điểm. Tuy nhiên, khi địa phương xây dựng hạ tầng khu đấu giá thấy vị trí khu vực trong bảng giá còn đất thấp, không phù hợp, có thể điều chỉnh cục bộ.
"Nếu không điều chỉnh bảng giá đất sẽ dẫn tới hiện tượng lợi dụng như đầu cơ, thao túng giá thông qua việc đẩy giá cao, thổi giá và bán lại ngay để thu lợi hoặc tạo mặt bằng giá ảo đối với các khu vực xung quanh, thậm chí sau khi đấu giá, một số đối tượng chưa nộp tiền sử dụng đất đúng thời hạn theo quy chế đấu giá, bỏ cọc... Do đó, các địa phương phải cẩn thận khi xây dựng phương án đấu giá đất", Thứ trưởng Lê Minh Ngân lưu ý.
Cũng theo Thứ trưởng, các địa phương có thể quy định rút ngắn thời gian thu tiền sử dụng đất, hoặc quy định đối tượng tham gia đấu giá, quy định phương thức nộp tiền, đặt cọc... theo các quy định pháp luật để hạn chế bỏ cọc trong đấu giá đất.