Bộ tộc Toubou ở ngã ba khu vực Sahara
Tại ngã ba biên giới của 3 quốc gia - Libya, Niger và Chad, khu vực trung tâm của sa mạc Sahara là nơi sinh sống của bộ tộc Toubou - một bộ tộc đặc biệt ở châu Phi. Điều đáng ngạc nhiên đó là, dù sống trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt và thực phẩm hạn chế, song Toubou lại là bộ tộc có tỷ lệ người cao tuổi đông nhất trong số các bộ tộc ở châu Phi.
Người Toubou sống du mục ở gần các ốc đảo - nơi có nhiều đồng cỏ và giếng nước. Bộ tộc Toubou thường được chia thành hai nhóm có quan hệ gần gũi với nhau: Teda và Dazagra. Hai nhóm có chung nguồn gốc và nói hai ngôn ngữ có quan hệ gần gũi với nhau gọi là Tedaga và Dazaga. Cuộc sống của người Toubou thích nghi với thời tiết khắc nghiệt.
Nhóm Teda có dân số 750.000 người của bộ tộc Toubou sống ở cực Bắc của Chad, xung quanh biên giới với Libya và Niger. Nhóm Dazagra với dân số 1.500.000 người chủ yếu sống ở phía Đông Niger và Tây Bắc Sudan. Bộ tộc Toubou còn được gọi với nhiều tên khác nhau như Tabu, Tebu, Tebou, Tibu, Tibbu, Toda, Todga, Todaga, Tubu, Tuda, Tudaga và Umbararo. Nhóm Dazagra đôi khi được gọi là Gouran (hoặc Gorane, Goran, Gourane). Lịch sử nguồn gốc của bộ tộc Toubou đến nay vẫn chưa rõ ràng. Trong lịch sử văn học Hồi giáo, bộ tộc Toubou được nhắc tới trong một cuốn sách ra đời vào thế kỷ 8 của học giả Ibn Qutaybah. Người Toubou thường truyền miệng các câu chuyện truyền thuyết và thần thoại. Người già của bộ tộc Toubou thường kể cho con cháu nghe các truyền thuyết về các vị thần của bộ tộc như thần Malahura, thần Nana Di, câu chuyện về các con lạc đà thần trên sa mạc.
Cuộc sống của bộ tộc Toubou tập trung vào việc chăn nuôi và chăn thả gia súc, hoặc canh tác trên các ốc đảo rải rác nơi họ trồng chà là, ngũ cốc và các loại đậu. Quả chà là là một trong những nguồn thực phẩm chính của người Toubou; trong một ngày, người Toubou có thể ăn quả chà là trong 3 bữa chính. Theo các nhà khoa học, quả chà là chứa một lượng protein đáng kể, giúp dễ tiêu hóa, tăng cường hệ thống miễn dịch, tăng khả năng chống lại các bệnh khác nhau và tăng sức đề kháng của cơ thể. Quả chà là được ví như bánh mì của sa mạc vào thời cổ đại. Nhờ có quả chà là, người Toubou và các bộ tộc khác có thể sinh tồn dưới thời tiết khắc nghiệt.
Đàn gia súc của bộ tộc bao gồm lạc đà một bướu, dê, lừa, cừu... Chăn nuôi gia súc đem lại nguồn thu nhập chính cho người Toubou. Gia súc cũng được sử dụng như một phần của hồi môn trong hôn nhân để cặp vợ chồng trẻ có nguồn lực kinh tế bắt đầu một gia đình mới, hoặc gia đình chú rể đồng ý trả cho gia đình cô dâu để đổi lấy cô dâu. Sau đám cưới, cặp vợ chồng sẽ sống tại nhà bố mẹ cô dâu khoảng một năm. Trong gia đình, đàn ông Toubou phụ trách chăn thả gia súc, còn phụ nữ chăm sóc con cái và thu hoạch mùa màng.
Nhà của người Toubou được lợp lá và đắp đất với hình dáng chữ nhật hoặc dáng trụ. Bộ tộc Toubou theo chế độ phụ hệ, một người đàn lớn tuổi đứng đầu dòng họ. Theo phong tục, bộ tộc Toubou cấm kết hôn giữa anh em họ hàng. Đàn ông Toubou có thể lấy nhiều vợ; tuy nhiên, tập tục này hiện nay không còn phổ biến trong xã hội bộ tộc Toubou. Phụ nữ Toubou chưa có chồng đều mang theo một con dao đặc biệt tương tự như một thanh kiếm được làm bằng sừng linh dương đã được mài sắc. Vũ khí này dùng để tự vệ khi phụ nữ Toubou có nguy cơ bị những người đàn ông của bộ tộc khác bắt cóc.
Quyền sở hữu đất đai, động vật và tài nguyên trong xã hội người Toubou có nhiều hình thức. Các gia đình có đặc quyền sử dụng một số giếng nhất định và quyền hưởng một phần thu hoạch từ các cánh đồng được tưới bằng nước từ giếng của họ. Ở một số nơi, người Toubou cũng khai thác muối và natron - một chất giống như muối, được sử dụng trong y học, trộn trong thuốc lá nhai, thành phần sản xuất xà phòng, dệt may.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bo-toc-toubou-o-nga-ba-khu-vuc-sahara-post459197.html