Bố trí cán bộ tâm huyết để xây dựng 1 luật sửa đổi, bổ sung 7 luật trong lĩnh vực tài chính
Về việc xây dựng 1 luật để sửa đổi, bổ sung 7 luật trong lĩnh vực tài chính, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính ưu tiên dành thời gian, nguồn lực, phân công lãnh đạo Bộ phụ trách và bố trí các cán bộ có đủ năng lực, tâm huyết, trách nhiệm cho việc này.
Chiều 16/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về báo cáo đề xuất xây dựng luật sửa đổi, bổ sung 7 luật thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính. Cùng tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Lê Thành Long, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về báo cáo đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Chứng khoán, Luật Quản lý thuế.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc đề xuất sửa đổi các luật nói trên đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, qua đó triển khai các nghị quyết của Đảng, kết luận của Bộ Chính trị, các chỉ đạo của lãnh đạo chủ chốt, các nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ.
Khẳng định quyết tâm tháo gỡ các vướng mắc tại các văn bản quy phạm pháp luật, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính ưu tiên dành thời gian, nguồn lực, phân công lãnh đạo Bộ phụ trách và bố trí các cán bộ có đủ năng lực, tâm huyết, trách nhiệm cho việc này.
Về phạm vi sửa đổi, bổ sung, Thủ tướng cơ bản thống nhất đề xuất của Bộ Tài chính về việc xây dựng một luật để sửa đổi, bổ sung 7 luật trong lĩnh vực tài chính, yêu cầu tiếp tục rà soát để xử lý các vướng mắc mang tính cấp bách, từ đó góp phần tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số quan điểm chỉ đạo: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, từng cấp và có công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra; cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà, không tạo môi trường cho tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, xóa bỏ cơ chế xin cho, giảm phiền hà, sách nhiễu; các bộ, ngành Trung ương tập trung thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước, không làm công việc cụ thể.
Cùng với đó, quản lý ngân sách Nhà nước theo hướng tăng cơ sở thu, chống lãng phí chi, linh hoạt sử dụng các nguồn vốn Trung ương và địa phương, ngân sách tăng thu, tiết kiệm chi tập trung cho các dự án lớn, trọng điểm; tháo gỡ các vướng mắc trong quản lý tài sản công để vừa quản lý được, vừa phát huy được nguồn lực; dự trữ quốc gia phải linh hoạt để xử lý kịp thời trong các tình huống cấp bách; quy định về kế toán phải tạo hành lang pháp lý rõ ràng để thực hiện; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý thuế…
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng dự án luật, đặc biệt là nội dung các chính sách; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, đối tượng tác động, các chuyên gia, nhà khoa học…; trình Chính phủ xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền với các vấn đề vượt thẩm quyền và trình Quốc hội xem xét, thông qua trong thời gian tới, bảo đảm tiến độ, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.