Bố trí công trình khai thác mỏ an toàn môi trường

Bộ Xây dựng nhận được văn bản của Sở Xây dựng Thừa Thiên - Huế đề nghị hướng dẫn bố trí các công trình khai thác mỏ trong phạm vi khoảng cách an toàn môi trường của Dự án xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet).

Ảnh minh họa (nguồn: Internet).

Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:

Về khoảng cách an toàn về môi trường và hành lang bảo vệ đối với công trình xử lý chất thải rắn:

QCVN 01:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng (sau đây gọi là QCVN 01:2021/BXD) được ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BXD ngày 19/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng có phạm vi điều chỉnh như sau: Quy chuẩn này quy định về các mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý bắt buộc phải tuân thủ trong hoạt động quy hoạch xây dựng vùng huyện, vùng liên huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn (sau đây gọi tắt là quy hoạch đô thị - nông thôn) bao gồm quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch và làm cơ sở để xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn địa phương trong lĩnh vực quy hoạch đô thị - nông thôn. Đối với công tác quy hoạch xây dựng các khu chức năng ngoài việc tuân thủ các quy định trong quy chuẩn này còn phải tuân thủ theo các quy chuẩn có liên quan.

Theo mục 1.4.26 của QCVN 01:2021/BXD về khoảng cách an toàn về môi trường (ATMT): khoảng cách tối thiểu để đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh, an toàn, môi trường của nguồn phát sinh ô nhiễm (hoặc nhà, công trình bao chứa nguồn phát sinh ô nhiễm) và theo mục 2.12.4 QCVN 01:2021/BXD, khoảng cách ATMT của cơ sở xử lý chất thải rắn lớn nhất là trên 1.000m đối với ô chôn lấp chất thải rắn hữu cơ (đối với ô chôn lấp chất thải rắn vô cơ là 100m).

Đối với các công trình xử lý chất thải rắn (bãi chôn lấp, lò đốt, chế biến phân vi sinh...), khoảng cách ATMT nhằm hạn chế các hoạt động, sinh hoạt của người dân trong vùng ATMT để không bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm thứ cấp (nếu có) từ các hoạt động xử lý chất thải rắn như: mùi, tiếng ồn, ô nhiễm không khí, đất... Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về hành lang bảo vệ đối với công trình xử lý chất thải rắn.

Về xây dựng công trình trong và ngoài phạm vi vùng ATMT của các công trình xử lý chất thải rắn: Theo quy định tại mục 2.12.4 QCVN 01:2021/BXD, trong vùng ATMT của các công trình xử lý thuộc trạm trung chuyển chất thải rắn (CTR) cố định, cơ sở xử lý CTR chỉ được quy hoạch các công trình giao thông, thủy lợi, tuyến và trạm điện, hệ thống thoát nước, xử lý nước thải và các công trình khác thuộc trạm trung chuyển CTR cố định, cơ sở xử lý CTR, không được bố trí các công trình dân dụng khác (QCVN 01:2021/BXD không quy định các nội dung, hoạt động ngoài vùng ATMT của cơ sở xử lý chất thải rắn).

Do đó, việc đề xuất xây dựng các hạng mục công trình như đã nêu tại Văn bản số 2054/SXD-QLXD thực hiện theo các quy định tại QCVN 01:2021/BXD nêu trên và các quy định có liên quan.

Căn cứ điều kiện thực tế về khoảng cách, vị trí các hạng mục công trình của mỏ đá và Dự án xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, các báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án có liên quan để triển khai thực hiện.

Huyền Trang

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/bo-tri-cong-trinh-khai-thac-mo-an-toan-moi-truong-338748.html