Bố trí nhân sự đủ năng lực thực hiện giải phóng mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 khởi công từ ngày 18/6/2023, nhưng đến nay, các dự án thành phần trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn chưa thể triển khai thi công đồng thời.
Bộ GTVT vừa có công văn gửi ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai liên quan đến tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ thi công Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).
Theo Bộ GTVT, thực hiện Nghị quyết số 59/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 25/7/2022 triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, trong đó có yêu cầu công tác GPMB phải bàn giao 70% mặt bằng trước ngày 30/6/2023 và toàn bộ mặt bằng trước ngày 31/12/2023 để Dự án cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ năm 2026.
Trên thực tế, Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 khởi công từ ngày 18/6/2023, tuy nhiên, đến nay, các dự án thành phần trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn chưa thể triển khai thi công đồng thời.
Theo báo cáo của các Ban quản lý dự án, công tác bàn giao mặt bằng đang tiến triển rất chậm (Dự án thành phần 1 bàn giao được 7%, Dự án thành phần 2 bàn giao được 12,93%, diện tích đất bàn giao chủ yếu là đất giao thông, sông suối nằm rải rác nên chưa thể triển khai thi công đồng loạt); tiến độ bàn giao mặt bằng chưa đáp ứng yêu cầu Nghị quyết số 90/NQ-CP của Chính phủ.
Nguyên nhân chủ yếu, theo Bộ GTVT, là do thiếu nhân sự trên địa bàn tỉnh để xác nhận nguồn gốc đất dẫn đến chậm áp giá đền bù và chậm chi trả bồi thường cho người dân; chậm triển khai các thủ tục di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật; tiến độ xây dựng các khu tái định cư chưa đáp ứng do chậm bàn giao mặt bằng; ....
Vì vậy, để khắc phục các nguyên nhân trên và đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng, đồng thời tận dụng thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thi công trên hiện trường, Bộ GTVT đề nghị quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan bố trí bổ sung nhân sự đủ năng lực để đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ xác nhận nguồn gốc đất; chỉ đạo cơ quan, đơn vị có thẩm quyền của tỉnh hướng dẫn cụ thể phương án bồi thường đối với các loại đất đảm bảo tính nhất quán trong quá trình bồi thường giữa các dự án trên địa bàn Đồng Nai; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư.
Đối với phần diện tích đất cao su, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cần yêu cầu Tổng công ty Cao su Đồng Nai khẩn trương bàn giao mặt bằng cho các Ban quản lý dự án, hoàn thành trước ngày 15/2/2024.
Về di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo Ban quản lý dự án bồi thường, GPMB và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai khẩn trương hoàn thiện các thủ tục di dời công trình hạ tầng kỹ thuật đảm bảo đáp ứng tiến độ thi công dự án (đặc biệt lưu ý các đường điện 500kV, 220kV, đường ống cung cấp nước sạch đường kính lớn… thủ tục rất phức tạp).
Về mỏ vật liệu, UBND tỉnh Đồng Nai xem xét chỉ đạo các sở, ban ngành rà soát các thủ tục, sớm thực hiện việc nâng công suất, cấp phép mỏ mới theo cơ chế đặc thù cũng như các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để cung cấp cho Dự án, đảm bảo đáp ứng nhu cầu và tiến độ thi công.
Về việc tăng chi phí GPMB, UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo Ban quản lý dự án bồi thường, GPMB và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để xác định giá trị GPMB bổ sung Dự án thành phần 1, 2 làm cơ sở báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh chủ trương, tổng mức đầu tư dự án.
Để hoàn thành dự án theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị đồng chí Quyền Chủ tịch, UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo quyết liệt các cấp chính quyền khẩn trương, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhằm tạo đột phá trong công tác GPMB trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong năm 2024”, công văn của Bộ GTVT nêu rõ.
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 dài 53,7 km, tổng vốn đầu tư hơn 19.000 tỷ đồng. Điểm đầu dự án giao với tuyến tránh Quốc lộ 1 qua TP. Biên Hòa, điểm cuối giao với Quốc lộ 56 (Bà Rịa - Vũng Tàu). Trên tuyến sẽ xây dựng 2 nút giao quan trọng gồm nút giao cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (cao tốc Long Thành) và nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Dự án sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của khoảng 519,64ha, có tổng mức đầu tư là 17.837 tỷ đồng được đầu từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, được chia làm 3 dự án thành phần và phân cấp cho Bộ GTVT, các địa phương tại Quyết định số 17/2022/QĐ-TTg ngày 28/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phân cấp thực hiện các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc.
Trong đó, Dự án thành phần 1 (Km0-Km16) với chiều dài khoảng 16km, thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, sơ bộ tổng mức đầu tư 6.240 tỷ đồng do UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ quản.
Dự án thành phần 2 (Km16-Km34+200) với chiều dài khoảng 18,2km, thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, sơ bộ tổng mức đầu tư 6.407 tỷ đồng do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản.
Dự án thành phần 3 (Km34+200-Km53+700) với chiều dài khoảng 19,5km, thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, sơ bộ tổng mức đầu tư 5.190 tỷ đồng do UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là cơ quan chủ quản.