Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn:'Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà giáo dục vĩ đại nhất trong thời hiện đại'

'Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người anh hùng dân tộc, nhà chính trị, nhà văn hóa lớn, mà với tất cả ý nghĩa đầy đủ và tiêu biểu nhất, Hồ Chí Minh là nhà giáo dục vĩ đại nhất trong thời hiện đại. Phương diện đầu tiên của nhà giáo dục vĩ đại đó chính là ở chỗ truyền cảm hứng và lập chí hướng cho cả một dân tộc và cho mỗi người'.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với giáo dục tại Hội thảo khoa học “Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ”.

Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục vượt trước và trường tồn với thời gian

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tư tưởng quan trọng về nhân tính, thể hiện cái nhìn rất nhân bản về con người: “Hiền dữ đâu phải là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên”.

Người cũng khẳng định rõ ràng, bao quát về những mục tiêu vừa cốt lõi, vừa phổ quát của giáo dục là để “nâng cao dân trí”, “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”, “Học để sửa chữa tư tưởng”, “Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng”, “Học để tin tưởng”, “Học để hành”. Những tư tưởng quan trọng về giáo dục này mang tính vượt trước và trường tồn với thời gian.

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm giáo dục không chỉ trang bị kiến thức, mà giáo dục cần chú trọng rèn luyện đạo đức, nhân cách, tình cảm, lối sống, nhằm tạo ra những con người vừa có tài, vừa có đức, trong đó đức là nền tảng. Giáo dục nhằm phát triển con người một cách toàn diện gồm cả đức, trí, thể, mỹ, hội đủ các phẩm chất nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, dũng, liêm, chính, …

Bác Hồ thăm lớp học vỡ lòng ở Hàng Than, Hà Nội (Nguồn: Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Bác Hồ thăm lớp học vỡ lòng ở Hàng Than, Hà Nội (Nguồn: Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh phương châm giáo dục là “Lý luận đi đôi với thực hành”, “Học đi đôi với hành”, “Học để hành ngày càng tốt hơn”, “Giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”. Giáo dục tư tưởng bao trùm “một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em” đó đều là những tư tưởng lớn về phát triển toàn diện con người, đặt nền móng để chúng ta xây dựng nền giáo dục hiện đại, dân chủ, sáng tạo, tiến bộ, lấy con người làm chủ thể, trung tâm và mục đích.

Tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa kế thừa chắt lọc từ tinh hoa truyền thống văn hóa giáo dục của dân tộc, vừa thâu thái những tư tưởng giáo dục của nhân loại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò của tự học, học tập thường xuyên, học tập suốt đời là phương cách để phát triển con người, để con người luôn thích ứng, đáp ứng các yêu cầu của công việc và yêu cầu của thời đại. Người nói “về việc học lấy tự học là cốt”, “phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học”, “học hỏi là một việc phải tiếp tục học suốt đời”.

Về vai trò của giáo dục đối với sự phát triển của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” và Người đã dành sự quan tâm đặc biệt cho giáo dục: Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập.

Do đó, trong bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, thư gửi cho giáo viên, học sinh, cán bộ thanh niên và nhi đồng năm 1955 và một số bức thư khác, Hồ Chí Minh đã đưa ra những tuyên ngôn về giáo dục, đã trao truyền, phó thác sứ mệnh cho người học, đã khơi dậy những cảm hứng to lớn và ý chí nghị lực cho những người trẻ tuổi Việt Nam để lớp lớp các thế hệ người Việt Nam vùng lên giải phóng đất nước và vững bước chung tay xây dựng non sông.

Người nhắc nhở:Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Khát vọng của một dân tộc chỉ có thể được thực hiện bắt đầu bằng giáo dục, thông qua giáo dục. Sự phát triển của một dân tộc bắt đầu bằng sự phát triển của mỗi một thành viên của dân tộc đó, và đương nhiên các thành viên phải biết học và biết rèn luyện.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm sâu sắc và đánh giá vai trò của giáo dục, vì vậy ngành giáo dục đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Đó cũng chính là thể hiện sinh động sự kế thừa và phát huy tư tưởng giáo dục của Hồ Chí Minh. Các cấp ủy, chính quyền và ngành Giáo dục thấm nhuần tư tưởng, phương châm, đường lối giáo dục của Người, đã từng bước cụ thể hóa việc đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào nội dung, chương trình giảng dạy, thi, kiểm tra, đánh giá, giáo dục chính trị, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên; công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh, sinh viên.

Thầy cô giáo và các em học sinh vui mừng chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trường Trung học Giao thông – Vận tải Thủy – Bộ (Nguồn: Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Thầy cô giáo và các em học sinh vui mừng chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trường Trung học Giao thông – Vận tải Thủy – Bộ (Nguồn: Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không đã thấm sâu vào từng hoạt động chuyên môn, từng bài giảng, từng chương trình rèn luyện kỹ năng, nhân cách học đường. Giáo dục nước nhà đã góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực ngày càng có chất lượng cao hơn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển đất nước. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã kế thừa tư tưởng của Người, đã không ngừng tiến bộ và lực lượng ngày càng hùng hậu.

Hồ Chí Minh không chỉ là người anh hùng dân tộc, nhà chính trị, nhà văn hóa lớn, mà với tất cả ý nghĩa đầy đủ và tiêu biểu nhất, Hồ Chí Minh là nhà giáo dục vĩ đại nhất trong thời hiện đại. Phương diện đầu tiên của nhà giáo dục vĩ đại đó chính là ở chỗ truyền cảm hứng và lập chí hướng cho cả một dân tộc và cho mỗi người.

Hồ Chí Minh đã thể hiện tinh thần “thân giáo”, tức lấy bản thân mình làm tấm gương để cảm hóa, để giáo dục, để tập hợp và thuyết phục những người đồng chí, học trò và người dân. Sự mẫu mực trong nhân cách cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trong tình cảm bao la bát ngát rộng khắp và sâu nặng của Hồ Chí Minh đã lan tỏa sâu lắng và góp phần tạo ra những giá trị cho dân tộc, cho thời đại, cho chính đảng và cho con người Việt Nam. Người để lại dấu ấn vĩnh viễn trong các giá trị văn hóa, giá trị đạo đức và nhân cách con người Việt Nam hiện tại và mai sau".

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trong bối cảnh mới, để đưa đất nước vươn mình tiến vào kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu, Đảng và Nhà nước xác định giáo dục - đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, đã và đang có nhiều chính sách quan trọng, đột phá để giáo dục tiếp tục phát triển, đạt được nhiều kết quả to lớn hơn nữa, tạo điều kiện và tiền để để phát triển con người trước yêu cầu thời đại mới và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế xã hội.

Vận dụng hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Trước yêu cầu và nhiệm vụ mới, ngành Giáo dục và đào tạo càng cần phải thấm nhuần sâu sắc và vận dụng hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục. Tư tưởng, triết lý, tinh thần giáo dục, tinh thần học tập và tự học, học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục - đào tạo vẫn giữ nguyên giá trị và tiếp tục là kim chỉ nam cho quá trình triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo hiện nay.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, những vấn đề đặt ra đối với ngành Giáo dục trong thời gian tới cũng được nhận thức sâu sắc hơn. Theo đó, tiếp tục nghiên cứu, làm sáng rõ thêm di sản của Hồ Chí Minh về giáo dục. Với di sản càng lớn càng sâu sắc thì mỗi ngày chúng ta lại nhìn thêm những ánh lấp lánh từ di sản ấy. Ngành Giáo dục cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn ngành, nhất là trong đội ngũ cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên. Với học sinh nói chung, nhất là học sinh phổ thông, cần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập 5 điều Bác Hồ dạy một cách thường xuyên và hiệu quả.

Đặc biệtlàm theo, thực hiện và phát huy tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh trong việc xây dựng xã hội học tập và việc học tập suốt đời, thúc đẩy tinh thần tự học, như phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm “học tập suốt đời để dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung để trở thành người có ích cho xã hội”; Tổng Bí thư cũng chỉ đạo trong bài viết "Học tập suốt đời": "Chúng ta đang sống trong thời đại mà mà tri thức, kiến thức, hiểu biết sẽ giúp con người phát huy cao độ tiềm năng để tận dụng tốt các cơ hội, ứng phó hiệu quả với những thách thức để phát triển bền vững; cũng là thời đại mà khối lượng kiến thức của nhân loại tăng lên hằng ngày theo cấp số nhân".

Để thực hiện được tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, ngành Giáo dục sẽ tăng cường giáo dục rèn luyện năng lực tự học, kỹ năng học tập không ngừng, học tập số, ứng dụng số, nâng cao năng lực số, năng lực đổi mới sáng tạo cho người học, tạo ra lớp người mới biết ứng phó và thích ứng với các thách thức của thời đại, của trí tuệ nhân tạo và bùng nổ tri thức.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã chia sẻ sâu sắc về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với giáo dục tại Hội thảo khoa học “Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ”

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã chia sẻ sâu sắc về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với giáo dục tại Hội thảo khoa học “Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ”

Đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là giáo dục đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng, xây dựng thế hệ công dân phát triển toàn diện cả đức - trí - thể - mỹ. Tiếp tục học tập theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc không ngừng bồi dưỡng lý tưởng cách mạng và khát vọng dân tộc, nâng cao cả dân trí và dân khí. Cần phát huy phương pháp giáo dục đạo đức, phương pháp rèn luyện nhân cách người học của Hồ Chí Minh.

Đặc biệt là phương pháp giáo dục tự tu dưỡng, tự rèn luyện, tự soi, tự sửa, tự điều tiết, tự kỷ luật, tự hoàn thiện. Đó là tinh thần cần kiệm liêm chính chí công vô tư, biết liêm sỉ, biết hy sinh. Những thách thức của dân tộc trong kỷ nguyên mới là vô cùng to lớn, cả trí tuệ và phẩm chất con người Việt Nam đều cần phải nâng cao hơn nữa mới có thể gánh vác được trọng trách thời đại.

“Mỗi thầy cô giáo phải là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”

Tiếp tục chăm lo, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, xem đây là nhân tố quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới. Xây dựng đội ngũ nhà giáo cần mẫu mực, theo tinh thần “mỗi thầy cô giáo phải là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”, với tinh thần và phẩm chất dấn thân và hy sinh, dù khó khăn tới đâu cũng phải ra sức thi đua dạy tốt, học tốt. Các nhà giáo phải trở thành tấm gương không ngừng tự học, tự đổi mới, tự nâng cao năng lực, kỹ năng, đổi mới phương pháp dạy học. Trước mắt là thực hiện đầy đủ các hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương về giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Hồng Hạnh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bo-truong-bo-gd-dt-nguyen-kim-son-chu-tich-ho-chi-minh-la-nha-giao-duc-vi-dai-nhat-trong-thoi-hien-dai-10372840.html