Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục VN điều chỉnh mục tiêu

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải điều chỉnh chiến lược, cơ cấu, triết lý để giáo dục phải là tinh thần lớn nhất của đơn vị.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Trong thời gian qua, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có phần hướng đến mục tiêu của doanh nghiệp hơi lớn và ráo riết, nên lúc này, tinh thần giáo dục phải là tinh thần lớn nhất của Nhà xuất bản, kinh doanh thu lợi là công cụ thực hiện trách nhiệm với giáo dục.”

Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đối với Nhà xuất bản Giáo dục và Đào tạo Việt Nam sáng nay, 7/6, tại lễ trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch hội đồng thành viên đồng thời là Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đối với ông Nguyễn Tiến Thanh, nguyên Tổng Biên tập Báo Đời sống và Pháp luật.

Theo Bộ trưởng, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có vai trò quan trọng khi là nơi xuất bản các ấn phẩm dành cho học sinh, sinh viên, ngành giáo dục. Đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ, trách nhiệm trước xã hội, đảm bảo số lượng và chất lượng sách giáo khoa ngày càng tốt hơn, hạ giá thành.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng so với kỳ vọng của ngành, giáo viên, học sinh, đất nước thì trong thời gian gần đây, có những việc khiến dư luận xã hội băn khoăn về sự phát triển của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong tương lai.

Bên cạnh đó, xét về phương diện vai trò, vị trí, tác động xã hội và đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục thì những kỳ vọng, đòi hỏi đối với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn còn ở phía trước. Vì vậy, xem xét yêu cầu của Nhà xuất bản trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quyết định thay đổi nhân sự nhằm đưa Nhà xuất bản vào chặng đường phát triển mới.

Chỉ đạo sự phát triển của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong giai đoạn tới, Bộ trưởng cho hay hiện sách giáo khoa mới đã hoàn thành lộ trình thay sách nhưng cần nâng chất lượng sách. Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu Nhà xuất bản không chỉ xuất bản sách giáo khoa, sách tham khảo mà còn cần cung cấp các ấn phẩm khác phục vụ nghiên cứu, khoa học kỹ thuật, vừa góp phần nâng cao dân trí vừa phục vụ phát triển con người toàn diện.

 Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao quyết định cho ông Nguyễn Tiến Thanh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao quyết định cho ông Nguyễn Tiến Thanh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Đó không chỉ là tinh thần mà còn phải là một triết lý. Chúng ta không phải doanh nghiệp lớn có hoạt động kinh doanh sách giáo khoa mà là một nhà xuất bản cần mô hình doanh nghiệp để hoàn thành trách nhiệm giáo dục,” Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu Nhà xuất bản Việt Nam cần có sự điều chỉnh về chiến lược, cơ cấu bộ máy, cải tổ đội ngũ với chuyên gia, biên tập để làm tốt trách nhiệm với ngành. Đây là thách thức lớn đặt ra với tân Chủ tịch hội đồng thành viên - Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Nguyễn Tiến Thanh.

“Quy mô hoạt động của Nhà xuất bản lớn, bộ máy khá cồng kềnh, vận hành sao cho hiệu quả, đổi mới làm sao nâng cao vị thế, đáp ứng yêu cầu của ngành, Nhà nước là một áp lực, giải quyết các vấn đề quá khứ để cũng là một thử thách. Bài học của thời kỳ đã qua có nhiều điều khiến chúng ta phải rút kinh nghiệm, đó là bài học về việc tuân thủ pháp luật, công khai minh bạch, thực thi trách nhiệm với ngành, phải rút kinh nghiệm để bước vào giai đoạn phát triển mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ theo sát để hỗ trợ Nhà xuất bản hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình,” Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Trước những chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, tân lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khẳng định giá trị cốt lõi của đơn vị, niềm tự hào và sứ mệnh của Nhà xuất bản là xuất bản sách giáo dục. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ truyền thông, xây dựng định hướng trong nội bộ việc thay đổi quan điểm, nhận thức về giá trị cốt lõi này./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/bo-truong-bo-gd-dt-yeu-cau-nha-xuat-ban-giao-duc-vn-dieu-chinh-muc-tieu-post957803.vnp