Bộ trưởng Bộ NN và PTNT: Phải 'tổ chức lại sản xuất' và thể hiện rõ hơn vai trò điều phối
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, 'Hợp tác - Liên kết - Thị trường' là điều kiện cần; 'Giảm chi phí - Tăng chất lượng - Đa dạng hóa chế biến' là điều kiện đủ để chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản phát triển bền vững và hội nhập chủ động.
Sau khi loạt bài viết “Nâng cao giá trị nông sản miền Tây - bắt đầu từ thay đổi tư duy” được Đài Tiếng nói Việt Nam đăng tải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Lê Minh Hoan đã quan tâm theo dõi và cho rằng để có giải pháp khắc phục căn cơ, cần đến góc nhìn mang tính hệ thống, từ đầu cung đến đầu cầu, từ vai trò của cơ quan quản lý chuyên ngành Trung ương, đến trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương; từ vai trò của nông dân đến các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng. Trong đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ 6 từ khóa trong Chiến lược: “Hợp tác - Liên kết - Thị trường” là điều kiện cần; “Giảm chi phí - Tăng chất lượng - Đa dạng hóa chế biến” là điều kiện đủ để chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản phát triển bền vững và hội nhập chủ động.
Phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Minh Hoan.
PV: Thưa Bộ trưởng, loạt bài được đăng tải trong 3 kỳ mới đây của nhóm PV VOV đã đề cập rất nhiều đến điểm nghẽn trong sản xuất – tiêu thụ hàng hóa nông sản vùng ĐBSCL; đồng thời với việc hàng hóa nông sản quá phụ thuộc vào 1 thị trường mà đỉnh điểm là thực trạng “tắc biên” gần đây đã làm cho sản xuất – tiêu thụ nông sản khó chồng khó. Bộ trưởng có phân tích thêm xoay quanh câu chuyện này và theo ông, việc “tổ chức lại sản xuất” sẽ bắt đầu từ đâu?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Trong nhiều năm qua, thị trường Trung Quốc luôn chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam (gần 20% năm 2021). Tình trạng nông sản ùn tắc ở các cửa khẩu phía Bắc là vấn đề tồn tại nhiều năm, nhưng lần này là nghiêm trọng nhất. Tuy nhiên, tương tự điệp khúc “được mùa mất giá”, tình trạng nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu tái diễn cho thấy, tất yếu có những vấn đề nội tại chủ quan, yếu tố khách quan chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề. Để có giải pháp khắc phục căn cơ, cần đến góc nhìn mang tính hệ thống.
Nền nông nghiệp Việt Nam có đặc điểm là “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”. Hơn 9 triệu nông dân đang sản xuất trên hơn 17 triệu mảnh đất. “Manh mún” dẫn đến chi phí sản xuất cao. “Nhỏ lẻ” dẫn đến thiếu hụt lượng hàng hóa đủ lớn, đồng đều để kết nối tiêu thụ. “Tự phát” dẫn đến tâm lý chạy theo đám đông, dễ phá vỡ quy hoạch khi giá cả tăng. Hệ quả của vấn đề này là nông sản chất lượng không đồng đều, chi phí cao, sức cạnh tranh kém, khó xây dựng được thương hiệu do khó truy xuất nguồn gốc.
Để minh họa cho thực trạng này, tôi có thể dẫn chiếu các số liệu về ngành hàng thanh long, một loại nông sản thường dễ rơi vào tình trạng ùn ứ: Tổng diện tích khoảng 64.700 ha (Bình Thuận: 33.500 ha, Tiền Giang: 9.600 ha, Long An: 11.800 ha). Tổng sản lượng khoảng 1.386.600 tấn (Bình Thuận: 694.500 tấn, Tiền Giang: 241.400 tấn, Long An: 315.000 tấn). Tổng số hộ sản xuất khoảng 45.000 hộ. Tổng số doanh nghiệp, cơ sở thu mua ước khoảng 418 cơ sở.
Từ thực trạng nêu trên, tôi cho rằng cần có hệ thống các giải pháp mang tính dài hạn, căn cơ hơn và tăng cường trách nhiệm của cấp độ Trung ương và cấp độ địa phương. Trong đó, giải pháp cần thiết nhất là phải “tổ chức lại sản xuất”. Chúng ta kiên trì vận động, thuyết phục nông dân liên kết, hợp tác với nhau thông qua các mô hình kinh tế tập thể (Tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các mô hình hợp tác, tự quản cộng đồng, như: câu lạc bộ ngành nghề, hội quán nông dân…).
Trong những năm qua, chủ trương phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã, đã được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Từ khi Luật Hợp tác xã 2012 được thông qua cách đây 10 năm, cả nước đã có hơn 17.000 hợp tác xã được thành lập, trong đó, có hơn 10.000 hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tuy nhiên, số lượng hợp tác xã hoạt động hiệu quả còn thấp, thiếu bền vững, quy mô thành viên và doanh thu của các hợp tác xã nông nghiệp còn khiêm tốn. Số lượng hợp tác xã đáp ứng yêu cầu liên kết với doanh nghiệp - hỗ trợ chế biến và tiêu thụ nông sản cho thành viên hợp tác xã và nông dân, chỉ đạt gần 25% tổng số hợp tác xã. Đó là một thực trạng cần có nhiều giải pháp khắc phục.
Với trách nhiệm của mình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung tập trung hỗ trợ các địa phương nâng cao chất lượng để hợp tác xã nông nghiệp hoạt động đúng bản chất, không chỉ hoạt động thương mại mà sẽ là một chuỗi ngành hàng cấp độ phù hợp, với mục tiêu vừa tạo ra lợi nhuận, vừa tạo ra lợi ích cho thành viên hợp tác xã.
Cùng với đó, phải có vai trò điều phối ngành hàng nông sản. Bởi bản chất thị trường là “trăm người bán vạn người mua”. Đặc điểm nhiều ngành hàng nông sản thường không tập trung thành những vùng nguyên liệu lớn mà phân tán ở nhiều địa phương. Ngoại trừ vải thiều tập trung phần lớn ở Lục Ngạn - Bắc Giang, Thanh Hà - Hải Dương; nhãn lồng tập trung phần lớn ở Hưng Yên, những nông sản khác, như: thanh long, xoài, sầu riêng, mít, khoai lang,… được trồng rải rác khắp cả nước.
Mỗi địa phương khai thác mùa vụ khác nhau, có sản lượng khác nhau, chất lượng khác nhau, nên cần đến vai trò điều phối, điều tiết chung trong từng mùa vụ và giữa các địa phương. Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ thành lập Văn phòng điều phối cấp Vùng. Nội dung điều phối bao gồm: Mùa vụ sản xuất, chuẩn hóa vùng nguyên liệu, nối kết cung cầu, xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xây dựng cơ sở dữ liệu nông nghiệp số cấp vùng. Hiện Bộ đang tích cực chuẩn bị đưa vào hoạt động 2 Văn phòng điều phối Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở vùng ĐBSCL và vùng Tây Nguyên, sau đó rút kinh nghiệm để tiếp tục tổ chức ở các vùng trọng điểm khác.
PV: Thực tế cho thấy, chính việc liên kết sản xuất sẽ tạo nên sức mạnh. Từ đó, tạo sự chuyển biến để thay đổi nhận thức của người dân từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”. Thưa Bộ trưởng, từ những khó khăn đã và đang diễn ra thì đây có phải là thời điểm “chín” để “tổ chức lại sản xuất”; đáp ứng những chuẩn mực mới của thị trường hay không?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc đã tồn tại phổ biến suốt thời gian dài do nhiều nguyên nhân, trong đó có đặc điểm chiều dài đường biên trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc gần 1.100 km, với nhiều đường mòn, lối mở. Hoạt động trao đổi nông sản theo quy chế cư dân biên giới, tiểu ngạch đã góp phần thúc đẩy sản xuất nội địa; nhờ đó nhiều ngành hàng với quy mô lớn như thanh long, mít, xoài, dưa hấu… có giá trị xuất khẩu tăng liên tục trong những năm qua. Những hoạt động thương mại chủ yếu do thương nhân hai nước đặt hàng và bán hàng nông sản tại khu vực biên giới.
Tuy nhiên, xuất khẩu tiểu ngạch đã bộc lộ nhiều rủi ro do không được tổ chức chuyên nghiệp, không có sự quản lý và kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chuyên ngành từ Trung ương xuống đến địa phương. Các thương nhân, doanh nghiệp Việt Nam thường kinh doanh theo từng mùa vụ, thương vụ, chưa cập nhật kịp thời thông tin thị trường luôn biến động, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh xuyên biên giới diễn biến khó lường. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch, doanh nghiệp lớn có năng lực, kinh nghiệm thị trường và các doanh nghiệp đối tác không nhiều, chưa đủ mạnh.
Thêm vào đó, gần đây, Chính phủ Trung Quốc tăng cường kiểm soát chất lượng nông sản, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, định danh vùng nuôi, mã cơ sở đóng gói. Đồng thời, Trung Quốc cũng hướng đến, chuyển sang chỉ nhập khẩu chính ngạch, bằng cách tiến hành dựng hàng rào giữa biên giới hai nước (chỉ trừ các cửa khẩu). Như vậy, nếu không nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh trong nước và không đáp ứng được những chuẩn mực mới của phía Trung Quốc; bên cạnh việc bảo đảm các điều kiện phòng chống dịch bệnh Covid-19, việc xuất khẩu nông sản sang quốc gia này sẽ còn gặp rất nhiều trở ngại, khó khăn.
Do đó, vấn đề đặt ra là cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả hệ thống các giải pháp mang tính dài hạn, căn cơ, trong đó cần “tổ chức lại sản xuất”: Đây phải được xem là cái gốc của vấn đề tồn tại trong nhiều năm.
Giải pháp thứ hai là “tổ chức lại thị trường”. Đối với thị trưởng ngoài nước, cần nhất quán chủ trương đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, nhưng vẫn xác định Trung Quốc là thị trường quan trọng cả trước mắt lẫn lâu dài.
Thị trường Trung Quốc không chỉ có quy mô 1,4 tỷ dân, mà còn là cửa ngỏ để nông sản Việt Nam được trung chuyển ra thị trường thế giới, bởi Trung Quốc có hệ thống hạ tầng logistics quy mô tầm cỡ thế giới và có nhiều khu chế biến nông sản và hệ thống thương mại lâu đời. Vấn đề là chúng ta phải cập nhật đầy đủ, dự báo và thông tin kịp thời về thị trường Trung Quốc đến người sản xuất, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng.
Thứ ba là cần “tổ chức lại ngành hàng”. Muốn phát triển bền vững, nhất thiết phải tổ chức lại ngành hàng theo từng ngành hàng nông sản hoặc nhóm ngành hàng nông sản. Các hiệp hội ngành hàng cần có sự tham gia của đại diện người sản xuất, doanh nghiệp, hệ thống phân phối và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Thông qua tổ chức này, các cơ quan chuyên ngành có các vai trò, nhiệm vụ: thu thập, xử lý và công khai dữ liệu thông tin thị trường (nhu cầu, chuẩn mực, thời điểm, dự báo giá…).
Giải pháp thứ tư là “tăng cường chế biến nông sản, nhất là chế biến sâu”: Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp thương mại chuyển sang một phần hoạt động bảo quản, chế biến. Hỗ trợ các hợp tác xã tiềm năng đầu tư kho phân loại, bảo quản, khu sơ chế, kết nối với nhu cầu của doanh nghiệp.
PV: Còn hiện nay, trước tình trạng chi phí nguyên liệu, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cao; trong khi giá cả đầu ra không tăng mà nhiều thời điểm còn giảm mạnh. Như thế, thưa Bộ trưởng cần làm gì để người nông dân có thể yên tâm với quá trình sản xuất gắn liền với việc giảm chi phí?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nhiều năm qua, để thúc đẩy tăng trưởng, ngành Nông nghiệp quan tâm nhiều đến “tư duy sản xuất”, mục tiêu là tạo ra sản lượng nhiều nhất; dẫn đến thâm dụng tài nguyên và phải tăng lượng vật tư đầu vào, tăng chi phí sản xuất. Cùng nhiều nguyên nhân khác, người sản xuất đã sử dụng, rồi lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học để kích thích tăng trưởng, tăng trọng.
Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) và của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong nước, nông dân Việt Nam đang lãng phí khoảng 40 - 50% lượng vật tư đầu vào. Cũng theo khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới, giải pháp của ngành Nông nghiệp Việt Nam hiện nay là cần xoay quanh “giảm chi phí - tăng chất lượng”.
Trong thời gian gần đây, đã có nhiều tín hiệu tích cực là trong khủng hoảng về giá vật tư đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản…), nhiều mô hình sản xuất của nông dân đã chủ động chuyển sang và tăng sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, chế biến thức ăn chăn nuôi, thủy sản từ các phế phụ phẩm nông nghiệp sẵn có, dễ tìm, dễ kiếm, để thay thế nguyên liệu nhập khẩu. Quy trình canh tác, sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cũng được chuyển đổi theo hướng tối ưu hóa, tối thiểu hóa chi phí đầu vào mà vẫn đạt được hiệu quả, mang lại lợi nhuận, giá trị và giá trị gia tăng cao hơn.
Trước những vấn đề diễn ra như hiện nay, về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chúng tôi sẽ tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả hệ thống các giải pháp. Trong đó, tập trung phối hợp với Bộ Công Thương đánh giá cân bằng cung - cầu, điều tiết xuất nhập các mặt hàng liên quan đến vật tư đầu vào của ngành nông nghiệp. Phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo Cục Quản lý thị trường và Chi cục Bảo vệ thực vật các địa phương tăng cường kiểm tra công khai giá, chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, tăng cường công tác khuyến nông số, khuyến nông cộng đồng ở các địa phương, tập trung hướng đến “giảm chi phí - tăng chất lượng”, thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn, gia tăng sử dụng tuần hoàn phế phụ phẩm nông nghiệp.
Về phía Bộ đang nghiên cứu trình Chính phủ cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất sản phẩm hữu cơ trong nông nghiệp. Đây cũng là nội dung cụ thể hóa Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và định vị mục tiêu hướng đến “Nông nghiệp sinh thái - Nông thôn hiện đại - Nông dân văn minh”, như tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
PV: Vâng. Xin cảm ơn Bộ trưởng đã trả lời phỏng vấn./.