Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói gì về việc cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm?
Bộ Nội vụ tham mưu cho cấp có thẩm quyền lộ trình cải cách chính sách tiền lương và đảm thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.
Giải trình những vấn đề mà đại biểu quan tâm liên quan đến lĩnh vực nội vụ tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV chiều 31/5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ.
Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm
Đánh giá hiện trạng này không chỉ diễn ra đơn lẻ mà diễn ra ở nhiều địa phương, cả một số bộ, ngành Trung ương, trong một bộ phận công chức, trong các hoạt động kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Trà dẫn chứng thể hiện rõ nhất trên lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, mua sắm trang thiết bị khu vực công, thủ tục hành chính đầu tư cho phát triển doanh nghiệp, cung ứng các dịch vụ trực tiếp liên quan đến người dân và doanh nghiệp...
“Tình trạng này đã làm chậm trễ và trì trệ hoạt động công vụ, bào mòn và làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan Nhà nước, cản trở động lực và nguồn lực phát triển, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là về mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, trong bối cảnh đất nước chúng ta đang rất khó khăn hiện nay,” Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.
Cho rằng đã phân tích nguyên nhân của tình trạng nêu trên và báo cáo Quốc hội các nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, bà Trà khẳng định hơn lúc nào hết cần thay đổi để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, công chức trong từng cơ quan, đơn vị, chú trọng về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức công vụ; chấn chỉnh ngay và quyết liệt để thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong cơ quan hành chính Nhà nước, xử lý công việc của các bộ, ngành, địa phương.
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng tham mưu cho cấp có thẩm quyền lộ trình cải cách chính sách tiền lương và đảm thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực thi công vụ; huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc một cách đồng bộ để thực hiện các giải pháp với ý thức trách nhiệm cao nhất, quyết tâm công phá tâm lý, sợ sai, sợ trách nhiệm và không làm trong thực thi công vụ.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng báo cáo Quốc hội về các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, trong đó Bộ đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có giải pháp đồng bộ, cụ thể, quyết liệt hơn để đẩy mạnh cải cách hành chính nói chung cũng như cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đầu tư cũng như cho phát triển.
Khẳng định sẽ tham mưu thể chế hóa chủ trương của Đảng về khuyến khích bảo vệ cán bộ, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về lợi ích chung, theo bà Trà, hiện Bộ Nội vụ đã lấy ý kiến các bộ, ngành, lấy ý kiến chuyên, gia, lấy ý kiến 63 tỉnh thành, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp nhưng do vướng về mặt pháp lý, vướng mặt thẩm quyền nên đã báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ để báo cáo cấp thẩm quyền. Nếu cần thiết báo cáo với Quốc hội để ban hành Nghị quyết thí điểm nhằm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm năng động, sáng tạo.
Mức lương cán bộ, công chức còn khá thấp
Thảo luận về chính sách tiền lương của cán bộ, công chức, Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho biết tháng Mười tới đây, theo dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc hội phương án cải cách tổng thể tiền lương.
Nhấn mạnh đây là chính sách quan trọng để phát triển kinh tế, Đại biểu đánh giá, mức lương cán bộ công chức tại thời điểm hiện nay là khá thấp.
Bà Mai đưa ra con số so sánh với các nước trong khu vực, mức lương trung bình của một công chức Việt Nam là trên dưới 10 triệu đồng, trong khi đó nếu quy đổi tiền Việt Nam thì công chức ở Thái Lan thu nhập là 56,7 triệu đồng; Maylaysia là 29 triệu đồng và Campuchia là 17 triệu đồng.
“Cử tri đang rất quan tâm tới đây, khi thực hiện cải cách tiền lương thì mức tăng sẽ là bao nhiêu; cần có sự thay đổi căn bản, mang tính thực chất, không chỉ mang tính hình thức, để tiền lương thực sự trở thành nguồn thu nhập chủ yếu, để chính sách tiền lương đảm bảo hội nhập quốc tế,” Đại biểu Mai nói./.