Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Tháo gỡ vướng mắc tại các luật chuyên ngành là trọng tâm

Bộ trưởng khẳng định việc phân định rõ ràng thẩm quyền sẽ tạo điều kiện cho chính quyền địa phương chủ động, sáng tạo và chịu trách nhiệm trong hoạt động của mình.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh tương tự như Luật Tổ chức Chính phủ, việc xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) tập trung vào ba vấn đề cốt lõi. (Ảnh: TTXVN)

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh tương tự như Luật Tổ chức Chính phủ, việc xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) tập trung vào ba vấn đề cốt lõi. (Ảnh: TTXVN)

Sáng ngày 15/2, tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã giải trình nhiều nội dung được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà bày tỏ sự trân trọng đối với những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm, thực tiễn và hết sức xác đáng của các đại biểu Quốc hội. Bà cho biết Ban soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để tiếp thu, giải trình và gửi báo cáo sớm nhất tới các đại biểu, làm căn cứ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định thông qua dự luật tại kỳ họp này.

Địa phương quyết, làm và chịu trách nhiệm

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh tương tự như Luật Tổ chức Chính phủ, việc xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) tập trung vào ba vấn đề cốt lõi.

Thứ nhất là phân cấp, phân quyền, ủy quyền. Đây là vấn đề trọng tâm, nhằm thực hiện phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm," theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư. Theo đó, Bộ trưởng khẳng định việc phân định rõ ràng thẩm quyền sẽ tạo điều kiện cho chính quyền địa phương chủ động, sáng tạo và chịu trách nhiệm trong hoạt động của mình.

Thứ hai là tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý, từ đó xây dựng một cơ chế pháp lý chặt chẽ để tháo gỡ những vướng mắc hiện tại trong các luật chuyên ngành, nhằm đảm bảo việc thực hiện nguyên tắc phân quyền, phân cấp, ủy quyền.

 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã giải trình nhiều nội dung được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm. (Ảnh: TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã giải trình nhiều nội dung được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm. (Ảnh: TTXVN)

Bộ trưởng dẫn chứng hiện nay, 177/259 luật chuyên ngành đang quy định rất cụ thể thẩm quyền của Bộ trưởng, 152 luật quy định rất cụ thể về thẩm quyền của Thủ tướng, 141 luật quy định rất cụ thể thẩm quyền của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và chồng chéo với 92 luật quy định cả 3 cấp, đều là những nhiệm vụ của chính quyền địa phương. Do đó, nếu không giải quyết được vấn đề này, việc thực hiện phân quyền, phân cấp sẽ gặp nhiều khó khăn.

Thứ ba là đảm bảo tính ổn định và liên thông. Theo đó, dự thảo đề xuất sửa đổi căn bản và toàn diện song vẫn đảm bảo tính ổn định trước mắt để chính quyền địa phương vận hành thông suốt trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy. Điều này nhằm tránh việc điều chỉnh gây gián đoạn, ảnh hưởng đến sự liên thông, thống nhất trong thực hiện tinh gọn bộ máy.

Đổi mới về quản trị địa phương

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng giải trình chi tiết nhiều nội dung mà đại biểu Quốc hội quan tâm.

Về nguyên tắc tổ chức, hoạt động và phân định thẩm quyền, Bộ trưởng cho biết trên cơ sở Hiến pháp, Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương và các chủ trương của Bộ Chính trị, việc thiết kế tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương sẽ có đổi mới để đáp ứng yêu cầu thực tiễn sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy.

Bà nhấn mạnh: "Muốn hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả thì phải điều chỉnh lại các vấn đề này. Chúng ta đang đi theo hướng đó và một số ý kiến các đại biểu tham gia, chúng tôi sẽ tiếp thu để bổ sung và hoàn thiện hơn, đặc biệt cũng làm rõ các vấn đề thế nào là tiếp tục đổi mới về quản trị địa phương, quản trị quốc gia."

Làm rõ hơn về đổi mới quản trị địa phương, quản trị quốc gia, Bộ trưởng nhấn mạnh việc đảm bảo đa chủ thể tham gia vào quá trình xây dựng chính sách và thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Bà khẳng định đây không phải là vấn đề mới, mà là xu hướng toàn cầu và sẽ được nghiên cứu để hoàn thiện trong khái niệm.

Về phân định thẩm quyền, mục tiêu là đảm bảo tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia thông qua việc phân cấp, phân quyền và ủy quyền giữa cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng việc đảm bảo địa phương thực sự chủ động, sáng tạo và tự chịu trách nhiệm trong vận hành đồng thời tuân thủ nguyên tắc "địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm."

Bộ trưởng cho biết dự thảo luật đã cố gắng thể hiện một cách cụ thể, rành mạch nguyên tắc, mối quan hệ chặt chẽ, tương tác, trách nhiệm giữa các chủ thể, phạm vi, hình thức quản lý, điều kiện đảm bảo, trách nhiệm giữa chủ thể phân quyền, phân cấp, ủy quyền với chủ thể nhận phân quyền, phân cấp và ủy quyền. Bà cũng nhấn mạnh tính liên thông giữa Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương trong việc phân quyền, phân cấp, ủy quyền cần được tiếp tục hoàn thiện.

Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh đây là căn cứ, nguyên tắc để giải quyết các luật chuyên ngành hiện nay đang hạn chế việc phân quyền, phân cấp và ủy quyền. Bà cho biết sẽ nghiên cứu thêm về cơ chế khuyến khích chính quyền địa phương đề nghị phân cấp.

Khẳng định việc xác định nhiệm vụ, quyền hạn bám sát chủ trương của Đảng và Hiến pháp, tránh tình trạng chồng chéo, không rõ chức năng, nhiệm vụ giữa tập thể và cá nhân, Bộ trưởng cho biết dự luật cố gắng kế thừa và đổi mới để thể hiện rõ trách nhiệm giữa cá nhân với tập thể, giữa tập thể Hội đồng nhân dân, tập thể Ủy ban nhân dân với Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

Về tổ chức và mô hình chính quyền địa phương, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết hiện tại, tổ chức và mô hình chính quyền địa phương sẽ được giữ nguyên, do đang có đánh giá tổng thể về mô hình tổ chức của cả hệ thống chính trị. Việc thay đổi ngay có thể gây hẫng hụt trong vận hành. Các chính quyền đô thị vẫn thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội và các đô thị trực thuộc trung ương vẫn có thể đề xuất về vấn đề này.

Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các đại biểu ủng hộ phương án tạm thời ổn định này, trong bối cảnh Bộ Nội vụ đang phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương đánh giá, nghiên cứu tổng thể mô hình tổ chức bộ máy, trong đó có hệ thống chính quyền địa phương.

Cuối cùng, Bộ trưởng cho biết sẽ rà soát, hoàn thiện các ý kiến đóng góp cụ thể về việc điều chỉnh nội dung tại các điều, khoản, điểm của các chương, cũng như các vấn đề về ngôn ngữ lập pháp, kỹ thuật lập pháp và các vấn đề liên thông giữa hai luật (Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương)./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/bo-truong-bo-noi-vu-thao-go-vuong-mac-tai-cac-luat-chuyen-nganh-la-trong-tam-post1012534.vnp