Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Tinh giản biên chế còn cào bằng và có phần cơ học
Trong quá trình cơ cấu lại đội ngũ, thực hiện tinh giản biên chế, bước đầu phải làm theo hướng cơ học và giao chỉ tiêu cho tất cả các cơ quan, đơn vị giảm 10% thì mới đạt được mục tiêu để ra.
Chiều ngày 4/11, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Phạm Thị Thanh Trà cho biết quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế góp phần tiết kiệm 25.600 tỷ đồng, tuy nhiên giai đoạn vừa qua có có cào bằng và mặt nào đó vẫn giảm theo hướng cơ học.
Tạo nguồn lực để tăng lương
Băn khoăn về việc tinh giản biên chế còn tình trạng cơ học và cào bằng giữa các địa phương, đơn vị, lĩnh vực, dẫn đến thiếu cục bộ một số lĩnh vực, địa phương, đại biểu Quốc hội Tao Văn Giót, đoàn Lai Châu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết nguyên nhân chính và giải pháp giải quyết trong thời gian tới.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà thừa nhận trong giai đoạn vừa qua, sắp xếp tổ chức bộ máy đúng là có cào bằng và mặt nào đó vẫn giảm theo hướng cơ học.
Theo bà, trong quá trình cơ cấu lại đội ngũ, thực hiện tinh giản, bước đầu phải làm theo hướng cơ học và giao chỉ tiêu cho tất cả các cơ quan, đơn vị giảm 10% thì mới đạt được mục tiêu (do nhiều năm trước chưa thực hiện được mục tiêu này và từ khi có Nghị quyết 39, Nghị quyết 18, 19 mới làm được).
“Dù còn những hạn chế nhưng chúng ta đã đạt được mục tiêu tinh giản biên chế, việc này này làm cơ sở để tiếp tục cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức,” Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.
Bên cạnh đó, bà Trà nhấn mạnh trong thời gian qua, việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhằm giảm đơn vị hành chính (cấp huyện, cấp xã), giảm tổ chức hành chính (các đơn vị sự nghiệp) đồng thời cơ cấu, giảm biên chế (số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước). Mục tiêu đó là cải cách tổ chức hệ thống bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cho nên kết quả tác động rất lớn và tiết kiệm hơn 25.600 tỷ đồng. Đây là nguồn đưa vào làm lương, từ đó có điều kiện để nâng lương cho cán bộ, công chức, viên chức (tính từ năm 2019 cho đến nay).
“Tới đây tiếp tục triển khai việc này để có thêm nguồn lực. Khi chúng ta cơ cấu lại đội ngũ, đầu mối của các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp (cũng như các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã) gọn hơn sẽ có điều kiện cải thiện đời sống của người lao động trong khu vực công. Đây cũng là điều kiện để cải cách chính sách tiền lương,” bà Trà nói.
Về kết quả thực hiện tinh giản biên chế trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng chia sẻ với những nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, kết quả đã đạt được mục tiêu giảm 10% công chức và giảm được 11,7% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, góp phần quan trọng vào việc tinh gọn đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và số người hưởng lương từ ngân sách.
Tiếp tục cơ cấu và sắp xếp tổ chức để tinh giản biên chế
Theo đại biểu Trần Thị Hiền, đoàn Hà Nam, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 40 về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026, trong đó yêu cầu toàn hệ thống chính trị tinh giảm ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp để đạt được mục tiêu tinh giản biên chế theo Kết luận số 40 của Bộ Chính trị.
Trước yêu cầu này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng đây là bài toán cần sự quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống trị và trước hết là tiếp tục thực hiện thật tốt cải cách tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương, trong đó sắp xếp lại tổ chức bộ máy đơn vị hành chính bên trong của tất cả các cơ quan chuyên môn từ cấp tỉnh cho đến Trung ương. Công việc quan trọng nữa là sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và đơn vị hành chính cấp xã.
Theo Bộ trưởng, để thực hiện được việc giảm biên chế thì không còn cách nào khác, chúng ta phải tiếp tục cơ cấu lại và sắp xếp lại các tổ chức. Nhóm vấn đề tiếp theo là tập trung hoàn thiện xong vị trí việc làm, khung năng lực của vị trí việc làm để xác định rõ biên chế của các cơ quan, đơn vị hành chính cũng như cơ quan, đơn vị sự nghiệp.
Cuối cùng là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính để số người không nhiều nhưng vẫn phải đáp ứng được mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.
Chỉ ra vấn đề nóng được đông đảo cử tri quan tâm là thời gian qua không ít cán bộ quản lý, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật gây ra phản ứng trái chiều trong dư luận. Với tư cách là tư lệnh ngành, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp đề nghị Bộ trưởng Trà nhận xét vấn đề này - đâu là nguyên nhân và giải pháp?
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết trong quá trình tổng hợp từ năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, cả nước đã phải xử lý 56 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải xử lý kỷ luật, trong đó có trường hợp phải xử lý hình sự. Các cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã phải xử lý kỷ luật hơn 20.300 người, trong đó có cả xử lý hình sự.
“Tính trên tổng số cán bộ, công chức, viên chức thì chiếm khoảng 1%, đây là con số lớn nhất từ trước đến nay,” Bộ trưởng nói.
Từ thực trạng này, Bộ trưởng cho biết sẽ tham mưu để ban hành nghị định về đạo đức công vụ, từ đó đảm bảo đồng bộ quy định của Đảng với quy định của Nhà nước để xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch phục vụ nhân dân./.