Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nói gì về xử lý quảng cáo sai sự thật?
Đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ hơn về các giải pháp khắc phục tình trạng quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng.
Làm rõ trách nhiệm về những tồn tại của hoạt động quảng cáo trên mạng
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng ngày 12/11, đại biểu Nguyễn Hữu Thông - đoàn Bình Thuận đặt câu hỏi, theo Báo cáo số 202 của Bộ Thông tin và Truyền thông xác định một trong những nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế đối với hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng là có trách nhiệm của một số bộ, ngành vì chưa bổ sung trách nhiệm quản lý nội dung quảng cáo lĩnh vực chuyên ngành trên không gian mạng.
Xin Bộ trưởng thông tin thêm những bộ, ngành đó là những bộ, ngành nào và trách nhiệm của Bộ trưởng, của Chính phủ để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên trong thời gian tới?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, có một giai đoạn mọi người chỉ xem không gian mạng của một số lực lượng nòng cốt, như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo 35 nhưng thực ra không gian mạng không khác gì không gian thực.
Nếu trong thế giới thực có bộ, ngành, có địa phương thì không gian mạng cũng phải có bộ, ngành, có địa phương. Thế giới có các quốc gia thì không gian mạng cũng có các quốc gia và có chủ quyền quốc gia. Ai làm gì trong thế giới thực lên đó thực hiện công tác quản lý ở trên không gian mạng thì không gian mạng mới lành mạnh. Tuy nhiên, việc tăng cường nhận thức về vấn đề này vừa qua đã có chuyển biến đáng kể.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng. "Trước đây không gian mạng cơ bản là vô danh, mọi người có một nhận thức là vô danh thì vô trách nhiệm được, song Nghị định quy định, các mạng xã hội khi đăng ký tài khoản mới là phải định danh thông qua số điện thoại hoặc thông qua căn cước công dân. Theo đó, trách nhiệm của mọi người trên không gian mạng chắc sẽ tốt hơn" - Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, bảo vệ không gian của mình trên không gian mạng là trách nhiệm của mình, trách nhiệm của nhà nhà, của toàn bộ hệ thống chính trị.
Giải pháp cốt yếu giải quyết dứt điểm tình trạng quảng cáo sai sự thật
Đại biểu Trần Thị Thanh Lam - đoàn Bến Tre tranh luận, cử tri và nhân dân lắng nghe và rất quan tâm đến nội dung trả lời của Bộ trưởng về các giải pháp khắc phục tình trạng tin xấu, tin độc, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo giả trên không gian mạng, vì các sản phẩm quảng cáo này đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân.
Cử tri mong muốn Bộ trưởng nêu rõ hơn để cử tri được biết đâu là giải pháp cốt yếu để giải quyết dứt điểm tình trạng trên và đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông thời gian qua đã làm hết trách nhiệm của mình và quản lý nhà nước về công tác này chưa?
"Chính phủ đang trình Quốc hội dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, theo Bộ trưởng việc sửa đổi Luật Quảng cáo lần này có khắc phục được tình trạng hạn chế nêu trên không" - đại biểu đặt vấn đề.
Với câu hỏi, Bộ Thông tin và Truyền thông làm hết trách nhiệm chưa về việc quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chúng tôi cũng làm hết sức, từng ngày, từng giờ và chúng ta cũng có rất nhiều tiến triển.
Bộ trưởng dẫn ví dụ, trước đây thông tin sai sự thật hay quảng cáo sai yêu cầu các mạng xã hội gỡ nhưng "10 việc họ thực hiện 1-2 việc", tức là khoảng 10-20%, còn bây giờ thực hiện rất nghiêm, trên 95%, đã "lệnh" của Nhà nước thì các nền tảng kể cả xuyên biên giới cũng phải thực hiện.
Nhà nước yêu cầu trên mạng xã hội phải phát triển các công cụ số, phải tự rà quét, hạ xuống. "Trước đây, họ chỉ gỡ nội dung sai phạm, còn người và tài khoản thực hiện có khi họ vẫn để, nhưng bây giờ nếu tái phạm nhiều lần sẽ hạ tài khoản đó xuống, ngăn chặn cả tài khoản và trang thông tin lặp lại nhiều lần quảng cáo sai phạm sẽ cắt cả trang luôn" - Bộ trưởng cho hay, đồng thời nhấn mạnh, chúng ta cũng đang từng ngày, từng giờ tiến triển, đây cũng là câu chuyện toàn cầu, chúng ta cũng học tập kinh nghiệm các quốc gia làm.
Việc sửa Luật Quảng cáo, hiện nay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang trình Quốc hội, trong đó đặc biệt quan tâm đến chuyện quảng cáo trên không gian mạng, trong đó cũng có rất nhiều quy định.
Liệu rằng chúng ta có xử lý triệt để không? Câu trả lời là không, vì cuộc sống luôn luôn thay đổi, liên tục thay đổi nên chúng ta quản lý phải theo sự phát triển đó. "Đến giờ này, phút này, chúng ta không thể nói 5 năm nữa, 3 năm nữa, 2 năm nữa xảy ra chuyện gì, công nghệ gì mới, xuất hiện những vấn đề gì mới thì dự báo tương đối khó nên chúng ta phải theo kịp sự phát triển, nếu diễn biến thì chúng ta lại điều chỉnh" - Bộ trưởng nói và cho rằng, quan trọng nhất là chúng ta xác định, nhận dạng được vấn để sớm, có giải pháp sớm, điều chỉnh thể chế sớm.