Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà: Sẽ không còn việc 'phạt cho tồn tại'
Ngày 27/11, Quốc hội đã thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Trong đó, việc siết chặt quản lý vi phạm trật tự xây dựng với hy vọng từ nay trở đi sẽ không phải sử dụng biện pháp 'cắt ngọn' công trình là vấn đề được nhiều đại biểu (ĐB) đề cập tới.
Khắc phục việc buông lỏng trật tự xây dựng
Nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật, nhiều ĐB kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng hiện nay.
Theo ĐB Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai), thực tiễn thời gian qua cho thấy nhiều câu chuyện về vi phạm trong lĩnh vực xây dựng đã và đang tồn tại và được xem như là “căn bệnh” kinh niên mà các cấp, các ngành chỉ đạo nhiều, họp hành nhiều, nói nhiều nhiệm kỳ nhưng chuyển biến vẫn còn chậm. Vì vậy, Dự Luật phải khắc phục được việc buông lỏng kỷ cương, trật tự xây dựng. Cụ thể là phải “đoạn tuyệt” với việc phạt cho tồn tại như: Xây dựng sai quy hoạch, sai mục đích sử dụng đất, sai phép; tình trạng các dự án chậm tiến độ; siêu mỏng, siêu méo… “Hệ lụy là nhiều cử tri cho rằng, lĩnh vực đầu tư xây dựng, sử dụng vốn nhà nước là “anh em” song sinh với tham nhũng trên lĩnh vực đất đai, là lĩnh vực người dân bị “hành” nhất”- ĐB nhấn mạnh.
Đề cập đến các dự án “treo”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, các dự án này trong tình trạng không ai chịu trách nhiệm, do vậy Dự Luật cần công khai, minh bạch trách nhiệm quy hoạch. Đồng thời, sớm phát hiện và ngăn chặn, xử lý dự án “ma” đang nở rộ mà đằng sau đó là những băng nhóm tội phạm có tổ chức đang lộng hành, lừa đảo hàng nghìn người, chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Cũng chỉ ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra tại nhiều nơi như công trình xây dựng vượt tầng trong khu trung tâm đô thị, nhà xây không phép ở các khu vực vùng ven... ĐB Lê Quang Trí (đoàn Tiền Giang) cho rằng, có nguyên nhân do thiếu lực lượng chức năng giám sát, trong khi người dân không có điều kiện giám sát. Do vậy, ĐB kiến nghị cần đưa vào luật nhằm khuyến khích ứng dụng công nghệ để quản lý trật tự xây dựng.
Như cơ quan quản lý xây dựng có thể đầu tư các thiết bị như flycam, camera để chụp, ghi nhận công trình mới mọc lên để so sánh với dữ liệu có sẵn và đưa ra cảnh báo. Đây là cơ sở để cơ quan chức năng xử lý kịp thời công trình vi phạm, không để xảy ra tình trạng công trình xây lên rồi phá dỡ, gây lãng phí.
Đừng để sai rồi "cắt ngọn"
Bày tỏ sự ủng hộ cần phải nghiêm khắc trong xử lý các sai phạm việc "cắt ngọn" công trình xây dựng, ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, vấn đề này cần phải đưa vào luật thật nghiêm khắc, đúng và hiệu quả.
Theo ĐB, việc xử lý sai phạm xây dựng mặt cắt ngọn công trình là không nên vì nhiều lý do, trong đó lý do cơ bản là làm hỏng kết cấu công trình, gây nguy hiểm. Còn nếu tiếp tục cho sử dụng phần còn lại thì đây cũng là một dạng "phạt cho tồn tại", rất dễ sinh ra tiêu cực. "Đề nghị sửa luật để ngăn chặn sớm triệt để và nghiêm khắc hơn việc xây dựng sai. Đồng thời, công tác kiểm tra xây dựng thế nào để nếu sai thì biết sớm, xử lý ngay. Đừng để chuyện đã rồi mới ra lệnh cắt ngọn"- ĐB kiến nghị.
Nhấn mạnh việc cần quy định rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức, cơ quan chức năng để xảy ra sai phạm, ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, phải luật hóa việc quản lý, khai thác và trách nhiệm của cơ quan quản lý hồ sơ đối với thẩm định thiết kế và cấp phép xây dựng. Cùng với đó, cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý trật tự xây dựng. "Chúng ta thấy những quy định về xây dựng hiện nay rất chặt, tuy nhiên, vi phạm về trật tự xây dựng vẫn tràn lan và phổ biến.
Thế nhưng, chúng ta lại không xử lý được, thậm chí có nhiều công trình là khó xử lý, không biết quy trách nhiệm cho ai" - ĐB chỉ rõ. Đồng thời cho rằng, nguyên nhân là đang có kẽ hở trong việc quy trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng là của UBND địa phương hay Thanh tra xây dựng. Quy định này tại đang có vẻ "lập lờ" và "chồng lấn" và Dự Luật phải phân định rất rõ trách nhiệm quản lý; rõ chế tài xử lý đối với chủ đầu tư, cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan để xảy ra sai phạm.
Giải trình thêm với các vấn đề ĐB đặt ra, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng xác nhận những bức xúc trong quản lý trật tự xây dựng mà các ĐB nêu là xác đáng, song cần được giải quyết cả bằng việc hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm túc, kịp thời ở các cấp.
"Từ ngày 1/1/2018 đã không còn việc “phạt cho tồn tại”. Tất cả các công trình vi phạm quy hoạch, giấy phép xây dựng đều bị cưỡng chế tháo dỡ phần
vi phạm." - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà