Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ giải pháp giảm chi tiền túi của bệnh nhân
Sáng 8/11, Bộ trưởng Đào Hồng Lan tiếp tục trả lời chất vấn của ĐBQH liên quan tới việc giảm chi tiền túi của bệnh nhân và bổ sung vi chất vào thực phẩm.
Đồng bộ nhiều giải pháp giảm chi tiền túi của bệnh nhân
Sáng 8/11, Quốc hội tiếp tục thực hiện chất vấn liên quan tới nhóm lĩnh vực văn hóa, xã hội.
Tại phiên chất vấn, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Y tế. Đại biểu nêu, Nghị quyết 20/NQ-TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới có đề cập đến một mục tiêu khá cụ thể đó là làm thế nào để hạn chế tỷ lệ sử dụng tiền túi của bệnh nhân khi sử dụng dịch vụ y tế. Cụ thể giảm xuống dưới 35% vào năm 2025.
Với tình hình hiện nay, đại biểu nhận thấy khó để giảm tỷ lệ này. Vì vậy bà Phạm Khánh Phong Lan hỏi Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ LĐTB&XH có giải pháp thế nào để giải quyết vấn đề này?
Trả lời chất vấn của ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, nội dung "giảm chi tiền túi của nhân dân" liên quan tới mô hình chăm sóc y tế đã được các Nghị quyết của Đảng nêu ra. Đó là chúng ta tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu; tăng cường công tác dự phòng; giảm bớt chi phí điều trị.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng đề cập việc vì sao tiền chi tăng, đồng thời cho rằng, các mô hình bệnh tật của chúng ta biến đổi rất nhiều; nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao. Đặc biệt, nhận thức của người dân thường đến bệnh viện khi đã ốm rồi, bệnh nặng rồi nên dẫn đến chi phí cao.
"Theo báo cáo của Bệnh viện K Trung ương thì bệnh nhân mắc ung thư đến bệnh viện ở giai đoạn muộn dẫn đến chi phí cao, hiệu quả chăm sóc y tế kém", Bộ trưởng lấy ví dụ.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhận định để giảm chi tiền túi của người bệnh có liên quan đến việc chuyển đổi mô hình chăm sóc bệnh tật bền vững. Đó là tăng cường công tác dự phòng, sàng lọc phát hiện bệnh sớm; tăng cường nhận thức của người dân trong chăm sóc sức khỏe; có mô hình tài chính bền vững; tăng cường độ bao phủ các chính sách BHYT.
"Theo khuyến cáo WHO, tỷ lệ tiền túi người dân bỏ ra cho chăm sóc y tế đạt 30% thì đó mới là hệ thống y tế bền vững. Đây là những giải pháp mang tính chất tổng thể trên toàn diện các lĩnh vực của ngành y tế, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm
Cũng tại phiên chất vấn, ĐBQH Đỗ Đức Hiển – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh tranh luận liên quan tới việc thanh, kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất muối i-ốt.
Trả lời chất vấn đại biểu Đỗ Đức Hiển, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, liên quan tới Nghị quyết số 19/2018 của Chính phủ về vấn đề sửa đổi Nghị định 09, liên tục từ 2018 đến nay, Bộ Y tế đã có những báo cáo, tờ trình trình lên Chính phủ liên quan tới việc thực hiện Nghị quyết số 19/2018.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế phải đánh giá tác động, có đối thoại với doanh nghiệp để làm sao hài hòa giữa công tác chăm sóc sức khỏe của người dân với quyền lợi của doanh nghiệp. Gần nhất là Công văn số 1526 của VPCP cũng đã giao cho Bộ Y tế, Công thương, NNPTNT,… theo chức năng nhiệm vụ được giao tiếp tục thông tin tuyên truyền, đối thoại nhằm tăng cường đồng thuận nhất là cộng đồng doanh nghiệp và chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 09/2016 của Chính phủ quy định tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.
"Thực hiện chỉ đạo này, Bộ Y tế đã triển khai, rà soát và đánh giá việc triển khai Nghị quyết 09 và đã có báo cáo 5 năm. Đây là chính sách thay đổi từ bắt buộc sang tự nguyện. Vấn đề đánh giá tác động chính sách liên quan đến các đối tượng thụ hưởng là điều hết sức cần thiết", Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định.
Đồng thời, tư lệnh ngành y tế cho hay, với số liệu mà Bộ Y tế đã làm từ năm 2020 có thể nói các tiêu chuẩn về i-ốt của chúng ta đều thấp hơn so với tiêu chuẩn chung toàn cầu. Ví dụ tỷ lệ bướu cổ ở trẻ em từ 8-12 tuổi là 9,8% (cao gấp 2 lần so với khuyến nghị WHO); tỷ lệ liên quan đến phụ nữ và trẻ em vẫn còn thiếu hụt i-ốt thấp hơn.
Bộ trưởng nêu rõ, vấn đề bổ sung vi chất vào thực phẩm là vấn đề khó, đặt ra mối quan hệ và giữa hai bên, đó là lợi ích cộng đồng và lợi ích của doanh nghiệp. Với trách nhiệm của ngành y tế, trong quá trình sửa đổi Nghị định 09 này sẽ tiếp tục bổ sung phần đánh giá tác động liên quan đến các vấn đề để xử lý hợp lý và hài hòa nhất.