Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan: 'Được Quốc hội chất vấn là cơ hội để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn'

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định sứ mệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân là vinh dự nhưng cũng là áp lực lớn của ngành y tế. Và những ý kiến, chất vấn của đại biểu sẽ giúp ngành thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.

Hôm nay (11-11), cùng với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan sẽ đăng đàn trả lời chất vấn của Quốc hội (QH) về một số lĩnh vực then chốt của ngành, xuất phát từ thực tiễn trong thời gian qua.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói: “Hai năm qua, từ khi được QH phê chuẩn làm bộ trưởng Bộ Y tế, tôi thực sự được tiếp sức rất nhiều. Điều này được thể hiện không chỉ từ các lãnh đạo, cán bộ, công chức trong bộ, các chuyên gia đầu ngành, toàn ngành y tế, mà ngay cả ý kiến, yêu cầu của từng đại biểu (ĐB) QH mà tôi có cơ hội giải trình… để ngành y tế chúng tôi ngày một cải thiện”.

 Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: QH

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: QH

Ngành y tế được quan tâm chứ không phải bị “soi”

. Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, hai năm đứng đầu ngành y tế, một ngành liên quan trực tiếp tới sức khỏe, sinh mạng của nhân dân, cũng là ngành dễ bị “soi”, điều đọng lại trong Bộ trưởng là gì?

+ Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Đó là hình ảnh em bé Làng Nủ được về với gia đình sau 50 ngày hồi sinh thần kỳ, đó là hình ảnh những nhân viên y tế ngày đêm lăn lộn trong và sau bão lũ để kịp thời cứu chữa những nạn nhân, hướng dẫn người dân cách phòng tránh dịch bệnh sau thiên tai. Xa hơn, là hình ảnh “những chiến sĩ áo trắng” xông pha nơi tuyến đầu để góp phần bảo vệ an toàn, tính mạng và sức khỏe của nhân dân trong đại dịch COVID-19.

Sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho nhân dân của ngành y tế vừa là một vinh dự vừa là một áp lực lớn. Bởi không phải lúc nào các điều kiện khách quan, chủ quan cũng thuận lợi để chúng tôi hoàn thành tốt sứ mệnh của mình.

Ngoài ra còn là hình ảnh các công chức, cán bộ trong Bộ Y tế tận lực tập trung cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế. Nhờ những nỗ lực lớn của toàn ngành nói chung mà trong những năm qua chúng tôi đã đáp ứng phần nào nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Tôi cho rằng ngành y tế không phải là bị “soi”, mà là được quan tâm đặc biệt hơn một chút. Bởi như chính câu hỏi đặt ra, ngành y tế gắn trực tiếp với sức khỏe, sinh mạng của nhân dân mà!

 Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cùng lãnh đạo các bộ, ngành… trong lễ tiễn ra viện cô bé người Làng Nủ Mông Hoàng Thảo Ngọc sau 50 ngày điều trị tại BV Bạch Mai. Ảnh: BỆNH VIỆN BẠCH MAI

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cùng lãnh đạo các bộ, ngành… trong lễ tiễn ra viện cô bé người Làng Nủ Mông Hoàng Thảo Ngọc sau 50 ngày điều trị tại BV Bạch Mai. Ảnh: BỆNH VIỆN BẠCH MAI

. Vừa qua, bão Yagi tràn vào và sau đó là lũ lụt… gây ra những hậu quả khủng khiếp. Ngành y tế dù có đóng góp lớn theo sứ mệnh của mình nhưng có lẽ khá âm thầm…

+ Trước, trong và sau khi bão Yagi, lũ lụt xảy ra, Bộ Y tế đã có những chỉ đạo kịp thời công tác ứng phó, tập trung cứu chữa nạn nhân, khắc phục hậu quả thiên tai trong chức năng, nhiệm vụ của mình. Bộ đã tham gia cùng các đoàn của Lãnh đạo Đảng, Chính phủ, QH thăm hỏi, động viên, chỉ đạo khắc phục hậu quả bão lũ.

Về phía mình, bộ cũng lập các đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát, chỉ đạo các địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh sau bão và mưa lũ.

Cụ thể hơn, chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương triển khai nhanh chóng các biện pháp vệ sinh môi trường, khử khuẩn nước sinh hoạt, phun hóa chất diệt côn trùng và liên tục truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai theo phương châm “nước rút đến đâu, vệ sinh đến đó”. Điều này nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan các bệnh như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, cúm, sốt xuất huyết và các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa.

Song song đó là xuất cấp vật tư, hóa chất khử khuẩn sau khi nhận được đề xuất của các địa phương, đơn vị từ nguồn dự trữ quốc gia cũng như hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Những công tác này nhằm mục đích quan trọng, xuyên suốt là bảo đảm ở mức cao nhất an toàn sức khỏe, sinh mạng cho nhân dân, góp phần phục hồi kinh tế - xã hội sau thiên tai.

 Trước đó, Bộ trưởng Đào Hồng Lan hai lần đến thăm cháu Thảo Ngọc trong thời gian điều trị tại BV Bạch Mai. Ảnh: BỆNH VIỆN BẠCH MAI

Trước đó, Bộ trưởng Đào Hồng Lan hai lần đến thăm cháu Thảo Ngọc trong thời gian điều trị tại BV Bạch Mai. Ảnh: BỆNH VIỆN BẠCH MAI

Chất vấn của QH không phải là sức ép

. Quay trở lại chất vấn tại QH, tôi cho rằng chất vấn Bộ trưởng kỳ này sẽ không thiếu những vấn đề nhạy cảm, như về vật tư y tế hay BV Hữu nghị Việt Đức, BV Bạch Mai Cơ sở 2.

+ Chúng tôi xác định rằng bất kể một vấn đề nào ĐBQH nêu ra, chất vấn cũng là những vấn đề quan trọng. Với ngành y tế, những vấn đề vừa nêu đều “nóng” vì có gắn bó mật thiết với công tác chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh cho nhân dân.

Trong những năm qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều sát sao chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn từ thể chế để công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được thuận lợi hơn.

Có những vấn đề lớn, liên quan đến nhiều thời kỳ, nhiều cấp, nhiều ngành thì ngoài nỗ lực của Bộ Y tế còn cần sự quyết liệt từ các cấp có thẩm quyền. Chẳng hạn như câu chuyện BV Bạch Mai, BV Hữu nghị Việt Đức Cơ sở 2…, trong những năm qua Chính phủ, Thủ tướng cùng các bên liên quan đã rất tích cực tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Mới đây nhất, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có những chỉ đạo cụ thể trong cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đặc biệt, trong phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 9-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục yêu cầu khẩn trương xử lý dứt điểm vướng mắc liên quan đến hai BV này.

. Thực tiễn cho thấy những vấn đề mà ĐBQH chất vấn sẽ rất trực diện, thậm chí còn có thể là gay gắt.

+ Với tôi, những ý kiến phát biểu hay các chất vấn của các ĐBQH không phải là sức ép, mà chính là những gợi mở, gợi ý cho các giải pháp mà chúng tôi có nhiệm vụ giải trình, tiếp thu tối đa để triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Nếu không có các ý kiến, chất vấn của các ĐBQH thì làm sao QH có thể thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh vào năm ngoái với nhiều quy định tiến bộ, tháo gỡ khó khăn như vậy. Làm sao ngành y tế năm 2023 có thể hoàn thành được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà QH giao. Trong đó có nhiều chỉ tiêu quan trọng như tỉ lệ bác sĩ/vạn dân, chỉ tiêu về giường bệnh/vạn dân, tỉ lệ dân số tham gia BHYT...

Còn với năm 2024, tôi xin trích báo cáo kinh tế - xã hội mà Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày trước QH hôm khai mạc để khái quát rằng: “Chất lượng khám chữa bệnh từng bước được nâng lên; kiểm soát tốt các loại dịch bệnh. Không ngừng nâng cao kỹ thuật chuyên môn sâu, làm chủ nhiều kỹ thuật cao, nhất là ghép tạng. Chuyển đổi số và khám chữa bệnh từ xa được đẩy mạnh, y tế tư nhân tiếp tục phát triển”.

 Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trò chuyện với lực lượng y tế ứng trực tại điểm sạt lở do ảnh hưởng bão số 3 ở Yên Bái. Ảnh: ĐT

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trò chuyện với lực lượng y tế ứng trực tại điểm sạt lở do ảnh hưởng bão số 3 ở Yên Bái. Ảnh: ĐT

Nhiệm vụ cho ngành y tế vẫn rất nặng nề

. Chất vấn với phương châm vừa phải “hỏi nhanh, đáp gọn”, vừa phải “đúng và trúng”, đây liệu có phải là một áp lực lớn với Bộ trưởng không?

+ Đúng là có áp lực. Bởi như Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn trong cuộc họp rà soát công tác chuẩn bị chất vấn mới đây đã xác định chất vấn và trả lời chất vấn luôn là hoạt động giám sát được cử tri, nhân dân, các ĐBQH và báo chí quan tâm, theo dõi và kỳ vọng. Đây cũng là hoạt động thường xuyên của QH, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của QH, Chính phủ đối với đất nước, với nhân dân.

Mặc dù ngành y tế đạt được một số kết quả nhưng phía trước vẫn sẽ còn và phát sinh một số khó khăn, thách thức. Chúng tôi nhận thức rằng toàn ngành y tế phải nỗ lực hơn để tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền và kiến nghị các cấp có thẩm quyền quyết định giải pháp cho những thách thức mới. Nếu những vướng mắc, khó khăn này được giải quyết thì chắc chắn công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân sẽ được ngành y tế thực hiện hiệu quả hơn.

Yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho ngành y tế là vẫn rất nặng nề. Chúng tôi mong luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao của Trung ương, của các đồng chí lãnh đạo Đảng, QH, Chính phủ và ý kiến đóng góp của các ĐBQH, của nhân dân để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân.

. Xin cảm ơn bà.

Tập trung xây dựng thể chế ngành y tế

Xây dựng, hoàn thiện, cải cách thể chế luôn là nền tảng, là căn cứ quan trọng để mọi ngành vừa hoàn thành nhiệm vụ vừa phục vụ nhân dân, phụng sự đất nước tốt hơn mỗi ngày.

Đối với ngành y tế, trong những năm qua, công tác xây dựng, hoàn thiện và cải cách thể chế luôn được chú trọng. Cụ thể, Bộ Y tế đã tích cực, chủ động phối hợp, tham gia với các bộ, cơ quan liên quan trình QH, Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý cho ngành, ban hành các văn bản hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.

Điều này được thể hiện qua việc QH thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Đấu thầu 2023…

Bộ cũng triệt để phân cấp, phân quyền kịp thời, nhất là trong lĩnh vực mua sắm, đấu thầu sau khi có hành lang pháp lý để các cơ quan, đơn vị trong ngành chủ động, tích cực hơn nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của nhân dân.

Ngay trong kỳ họp QH lần này, Bộ Y tế được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo Luật BHYT (sửa đổi) và Luật Dược (sửa đổi) để Chính phủ trình QH.

Những luật này với nhiều điểm mới, nếu được QH thông qua, sẽ tạo thuận lợi không chỉ cho ngành y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho chính những người tham gia BHYT, cho các cơ quan, đơn vị, cho các doanh nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy công nghiệp dược phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn, quy mô lớn hơn… theo đúng định hướng của Trung ương, của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Y tế ĐÀO HỒNG LAN

CHÂN LUẬN thực hiện

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/bo-truong-bo-y-te-dao-hong-lan-duoc-quoc-hoi-chat-van-la-co-hoi-de-thuc-hien-nhiem-vu-tot-hon-post819203.html