Bộ trưởng Công Thương: Cụ thể hóa Nghị quyết 55, ủng hộ địa phương làm năng lượng sạch
'Hơn bao giờ hết, an ninh năng lượng và năng lượng quốc gia đang cần những quan điểm tiếp cận mới, định hướng, nền tảng quan trọng, phù hợp, đáp ứng với chuyển biến chung của toàn cầu'.
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ngày 18/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có chuyến công tác đến 3 tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Quảng Trị ngày 20 và 21/2. Đây được xem là những bước đi kịp thời, khẩn trương mà Bộ Công Thương tiến hành nhằm cụ thể hóa và quán triệt tinh thần Nghị quyết 55.
Quảng Trị: Trung tâm năng lượng sạch của miền Trung
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Trị, năm 2019 là năm “nở rộ” việc phát triển năng lượng tại địa phương này khi có tới 18 dự án năng lượng khởi công với tổng mức đầu tư khoảng 80.000 tỷ đồng.
Về tiềm năng năng lượng điện gió, đến nay Quảng Trị có 72 dự án được đề xuất với tổng quy mô công suất 3.684 MW. Trong đó đã có 17 dự án được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch với tổng công suất 608 MW. Có 2 dự án đã đưa vào hoạt động với tổng công suất 60 MW. Các dự án đã được quy hoạch đang triển khai đầu tư, gồm 15 dự án với tổng công suất 548 MW; các dự án đã trình Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch là 49 dự án với tổng công suất 2.676 MW.
Bên cạnh đó, có 3 dự án điện mặt trời đã được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch với tổng công suất 149,5 MWp. Trong đó dự án điện mặt trời LIG - Quảng Trị đã hoàn thành công tác xây lắp, nghiệm thu, đóng điện đưa công trình vận hành thương mại vào ngày 22/5/2019. Khả năng phát triển điện mặt trời hiện tại là 22 dự án với tổng công suất khoảng 1.750 MWp. Ngoài ra, tiềm năng về điện khí cũng rất lớn như: Dự án Trung tâm Điện khí LNG, Dự án Nhà máy điện turbine khí chu trình hỗn hợp và Kho, Cảng LNG Hải Lăng...
Đánh giá về việc phát triển năng lượng tại đây, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhìn nhận, Quảng Trị đang có những điều kiện rất tốt để phát huy trở thành trung tâm năng lượng sạch và tái tạo tại khu vực với những nguồn năng như điện gió, điện mặt trời, năng lượng khí, nhiệt điện khí…
“Bằng chứng là trong thời gian tới, công suất phát của các dự án đã đầu tư và phê duyệt tại đây đã lên đến gần 10.000 MW. Như vậy rõ ràng, việc phát triển công nghiệp năng lượng là một trụ cột quan trọng để Quảng Trị có điều kiện để phát huy được ảnh hưởng, vai trò của mình trong liên kết vùng, đặc biệt, với việc thông qua hệ thống truyền tải năng lượng quốc gia, Quảng Trị sẽ có điều kiện tiếp tục phát triển các vùng phụ tải của mình để hình thành trung tâm công nghiệp chế biến, gắn trên nền tảng nền nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch”, người đứng đầu ngành công thương nhìn nhận.
Xử lý bằng cơ chế chính sách
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ bên lề chuyến công tác, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, chuyến công tác đến các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên để phục vụ triển khai cụ thể ngay lập tức trong thời điểm này những yêu cầu của Nghị quyết 55 mà Bộ Chính trị đề ra.
“Qua kiểm tra, Bộ Công Thương nhìn nhận miền Trung và Tây Nguyên có tiềm năng, thế mạnh rất rõ nét trong phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời. Chúng tôi có rất nhiều vấn đề lớn báo cáo Chính phủ để có hướng xử lý bằng cơ chế chính sách cụ thể để phát triển năng lượng tái tạo có hiệu quả”, Bộ trưởng nói.
Đặc biệt, Bộ trưởng cho biết Bộ Công Thương sẽ hướng đến việc xây dựng cơ cấu nguồn điện phát hài hòa hợp lý, trong đó tính toán được bài toán giải quyết ngay trước mắt đầu tư cơ sở hạ tằng cho những trung tâm điện khí lớn và rà soát ngay để có định hướng điều chỉnh lại trong tổng sơ đồ điện VII hiệu chỉnh với các nhà máy điện than tập trung có công suất tổ máy lớn, công nghệ hiện đại thân thiện với môi trường.
Riêng về điện gió và điện mặt trời, Bộ trưởng nhìn nhận, Quảng Trị và Gia Lai có tốc độ gió đo được “nhất nhì” ở Việt Nam. Tiềm năng gió, sức gió trong một năm ở khu vực này rất có ưu thế. Điện năng mặt trời ở Tây Nguyên và Quảng Trị cũng là những vùng tương đối thuận lợi. Mặc dù, không cao như vùng Ninh Thuận và Bình Thuận, nhưng là vùng có bức xạ nhiệt của mặt trời tương đối tốt, thuận lợi cho phát triển điện mặt trời. Lấy ví dụ như điện gió, mô hình của Quảng Trị và Gia Lai thực hiện rất tốt, câu chuyện điện gió và nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ đều phát triển đồng thời gắn với loại hình khác như du lịch và dịch vụ là sự kết hợp rất hiệu quả.
“Để thực hiện tốt Nghị quyết, chắc chắn phải có những tìm hiểu, nghiên cứu từ thực tiễn, những vấn đề mới phát sinh. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các tỉnh Tây Nam Bộ như: Long An, Bến Tre, Sóc Trăng... để nắm bắt thêm các vấn đề, từ đó có hướng vận dụng và quán triệt tinh thần Nghị quyết 55, giải quyết nhiệm vụ trước mắt cũng như hướng lâu dài cho phát triển năng lượng”, Bộ trưởng nói.
Đối với tinh thần của Nghị quyết 55, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, hơn bao giờ hết, an ninh năng lượng và năng lượng quốc gia đang cần những quan điểm tiếp cận mới, định hướng, nền tảng quan trọng, phù hợp, đáp ứng với chuyển biến chung của toàn cầu, từ đó định vị và xác định đúng những nguyên tắc trong phát triển an ninh năng lượng quốc gia.
“Theo tôi, trong một thế giới đang ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, câu chuyện an ninh năng lượng và năng lượng quốc gia cần nhìn từ góc độ tổng thể hội nhập và trình độ phát triển của quốc gia đó. Ngay cả câu chuyện của các doanh nghiệp, loại hình doanh nghiệp hay vai trò của doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) là vấn đề then chốt để phục vụ cho phát triển toàn diện và bền vững của đất nước”, Bộ trưởng nhìn nhận.