Bộ trưởng Công thương làm Trưởng đoàn đàm phán thương mại với Mỹ
Ngày 12/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Mỹ.
Theo đó, Thủ tướng quyết định thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ về thỏa thuận thương mại đối ứng với Mỹ.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên là Trưởng đoàn. Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân là Phó trưởng đoàn.

Quang cảnh cuộc họp thứ 4 của Thường trực Chính phủ về việc ứng phó với chính sách thuế quan mới của Mỹ do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì (Ảnh: VGP).
Thành viên Đoàn đàm phán gồm: Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Trung; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Quang Dũng; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Bá Hoan; Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng.
Bộ Công thương là cơ quan thường trực của Đoàn đàm phán. Đoàn đàm phán có tổ giúp việc là công chức cấp Vụ của Bộ Công thương và các bộ, cơ quan liên quan. Bộ trưởng Bộ Công thương, Trưởng đoàn đàm phán đề xuất trình Thủ tướng ban hành Quy chế làm việc của Đoàn đàm phán và thành viên của tổ giúp việc.
Đoàn đàm phán có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng kịch bản, phương án đàm phán với Mỹ về thỏa thuận thương mại đối ứng, trên tinh thần bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Tiến hành đàm phán với phía Mỹ nhằm đạt được thỏa thuận thương mại đối ứng phù hợp, cân bằng, ổn định, bền vững, hiệu quả, tôn trọng lẫn nhau và hai bên cùng có lợi.
Đoàn cần báo cáo Thủ tướng trong quá trình và kết quả đàm phán, đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp, chính sách cần thiết để thực hiện thỏa thuận sau khi được ký kết.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/4.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố chính sách thuế quan mới, áp dụng mức thuế cơ bản 10% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ vào ngày 2/4. Đặc biệt, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia chịu mức thuế cao nhất, lên đến 46%, áp dụng cho khoảng 90% tổng lượng hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Sau đó, ngày 9/4 (theo giờ Mỹ) Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo tạm dừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày với hơn 75 quốc gia đối tác thương mại không trả đũa Mỹ; riêng đối với Trung Quốc, thuế sẽ tăng lên tổng cộng 125%.
Trong thời gian này, Việt Nam có những bước đi rất chủ động, tích cực để giải quyết vấn đề. Tổng Bí thư Tô Lâm là lãnh đạo đầu tiên có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 4/4 sau công bố áp thuế.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng cử Đặc phái viên, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc tới Mỹ để tiếp tục cụ thể hóa các nội dung này.
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc đã có nhiều cuộc trao đổi, đàm phán với Chính phủ Mỹ. Hai bên đi đến thống nhất về việc hai nước sẽ tiến hành đàm phán một thỏa thuận thương mại song phương, trong đó nội dung về thuế quan là trụ cột quan trọng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo thành lập đoàn đàm phán của Việt Nam để trao đổi ngay với đoàn đàm phán Mỹ hướng tới sớm đạt thỏa thuận thương mại song phương ổn định, bền vững, cùng có lợi.
Ở phía Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent sẽ là người đứng đầu để đàm phán thỏa thuận thương mại song phương với Việt Nam.