Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Mục tiêu hàng đầu là kiểm soát được ô nhiễm
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, thời gian tới sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp bảo vệ môi trường nước, không khí, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành
Tại báo cáo tổng kết năm 2024, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nhấn mạnh, quan điểm, định hướng của Bộ trong giai đoạn tới là chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm và suy thoái môi trường; phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; ngăn chặn suy giảm và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học.
Điều này đã được thể hiện rõ qua việc Bộ đã ban hành Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học, Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia.
Cụ thể, ngày 8/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch được xây dựng với các quan điểm về bảo vệ môi trường, trong đó nhấn mạnh bảo đảm nguyên tắc xuyên suốt, không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, tôn trọng quy luật tự nhiên, phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp nhằm giảm thiểu chất thải phát sinh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Đồng thời bảo đảm tính mở và linh hoạt, phòng ngừa các vấn đề môi trường từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, kiểm soát, khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ các khu vực có yếu tố nhạy cảm môi trường nhằm hạn chế tác động đối với môi trường và sức khỏe con người.
Với các quan điểm đó, quy hoạch xác định mục tiêu tổng quát là chủ động phòng ngừa, kiểm soát được ô nhiễm và suy thoái môi trường; phục hồi và cải thiện được chất lượng môi trường; ngăn chặn suy giảm và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học, nhằm bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của Nhân dân trên cơ sở sắp xếp, định hướng phân bố hợp lý không gian, phân vùng quản lý chất lượng môi trường; định hướng thiết lập các khu bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; hình thành các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh; định hướng xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báomôi trường cấp quốc gia và cấp tỉnh; phát triển kinh tế - xã hội bền vững theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, hài hòa với tự nhiên.
Xác định tầm nhìn đến năm 2050 môi trường Việt Nam có chất lượng tốt, bảo đảm môi trường sống trong lành cho Nhân dân; bảo tồn hiệu quả đa dạng sinh học và duy trì được cân bằng sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; xã hội phát triển hài hòa với thiên nhiên, đất nước phát triển bền vững theo hướng chuyển đổi xanh; bảo đảm an ninh môi trường gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
"Trong năm 2024, công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu có chuyển biến tích cực; các chỉ tiêu về môi trường đã trở thành tiêu chí quan trọng đánh giá hiệu quả, tính bền vững kinh tế - xã hội của quốc gia và từng địa phương. Các giải pháp về chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế toàn hoàn, kinh tế carbon thấp đã đạt được kết quả bước đầu", ông Duy khẳng định.
Nhiệm vụ nặng nề trong năm 2025
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, lãnh đạo Bộ TN&MT cũng nhìn nhận còn những mặt tồn tại, hạn chế, trong đó tình trạng ô nhiễm môi trường các lưu vực sông, cụm công nghiệp, làng nghề, ô nhiễm không khí tại các đô thị chưa được quan tâm khắc phục. Chính thực trạng này sẽ đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm rất nặng nề trong năm 2025.
"Nhiệm vụ đặt ra đối với ngành TN&MT trong năm 2025 và những năm tiếp theo là rất nặng nề. Trong đó, phải quán triệt sâu sắc quan điểm “Phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường là trọng tâm”; xác định môi trường là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững, đó là Kinh tế - Văn hóa Xã hội - Môi trường.
Theo đó, 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 được Bộ xác định là tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường; ban hành các văn bản hướng dẫn và tổ chức thi hành đồng bộ các luật: Đất đai, Tài nguyên nước, Địa chất và Khoáng sản.
Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Đa dạng sinh học; bổ sung thể chế, chính sách để kiến tạo phát triển theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp để hướng tới mục tiêu Net Zero", ông Duy nhấn mạnh.
Cũng khẳng định nhiệm vụ trọng tâm này trong thời gian tới, tham luận của Vụ Môi trường nêu rõ, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia đã xác định các nhiệm vụ cần thực hiện bao gồm: phòng ngừa, giảm thiểu tác động đến môi trường từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại; quản lý, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; thúc đẩy các mô hình tăng trưởng bền vững.
Các giải pháp để thực hiện quy hoạch bao gồm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường; hoàn thiện tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong bảo vệ môi trường; tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng cường đầu tư tài chính; ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới quan trắc và cơ sở dữ liệu môi trường; hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.
Bộ TN&MT cũng nêu rõ một số chỉ số đẹp mà toàn ngành đang hướng tới. Đó là cải thiện các chỉ số thành phần môi trường: trên 92% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường; 95% chất thải rắn sinh hoạt đô thị, 80% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý bảo đảm quy chuẩn; 30 - 40% chất thải rắn sinh hoạt được xử lý kết hợp thu hồi năng lượng.
Hoàn thành từ 90-100% các hồ chứa lớn, quan trọng hoàn thành việc cắm mốc hàng lang bảo vệ nguồn nước; hoàn thành xây dựng kịch bản nguồn nước trên 8 lưu vực sông đã có quy hoạch tổng hợp, để công bố kịch bản nguồn nước vào đầu năm 2025...
"Nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Tài nguyên và Môi trường trong năm 2025 và những năm tiếp theo là rất nặng nề. Nhưng tôi tin tưởng rằng, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành sẽ đoàn kết, đồng lòng thực hiện với quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất, hành động quyết liệt nhất, với các giải pháp hiệu quả, khả thi để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định.