Chuyên gia chỉ ra những 'điển hình' của lãng phí hiện nay

Các chuyên gia cho rằng, Bộ Công Thương cần chống lãng phí ngay từ khâu chủ trương đầu tư, quy hoạch, thiết kế.

Ngày 23-12, tại Hà Nội, diễn ra diễn đàn "Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển", do báo Công Thương tổ chức.

Nhận diện lãng phí ở Việt Nam

Tham luận tại diễn đàn, PGS.TS Lê Hải Bình, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nhìn nhận hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu và sự gia tăng của các vấn đề về nguồn lực, tài nguyên, lãng phí đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng mà nhiều quốc gia đang nỗ lực giải quyết trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung đó.

Nhận diện về lãng phí, TS.Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Địa phương I, Ban Nội chính Trung ương, cho hay ở Việt Nam đang có các dạng lãng phí điển hình, nổi lên gay gắt.

Đó là chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực

Đó còn là lãng phí thời gian; lãng phí tiền bạc; lãng phí công sức khi làm việc không rõ mục tiêu, đi không đúng hướng, hiệu suất lao động thấp; lãng phí cơ hội phát triển; lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công; lãng phí nguồn lực con người; lãng phí trong sản xuất, tiêu dùng của nhân dân.

 TS.Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Địa phương I, Ban Nội chính Trung ương. Ảnh: CẤN DŨNG

TS.Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Địa phương I, Ban Nội chính Trung ương. Ảnh: CẤN DŨNG

Đại tá Nguyễn Hữu Sơn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an), cũng chỉ ra một số lãng phí điển hình trong hoạt động đầu tư, xây dựng.

Đó là tình trạng lập dự án để tranh thủ nguồn vốn tài trợ, vốn vay, vốn đầu tư công trong khi chưa có nhu cầu cấp thiết. Việc này dẫn đến công trình sau khi hoàn thành không được sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí.

Tình trạng tính toán tổng mức đầu tư, phân kỳ đầu tư không phù hợp, quyết định đầu tư dàn trải dẫn đến nhiều dự án phải kéo dài thời gian do không bố trí đủ nguồn vốn, làm đội vốn lên gấp nhiều lần so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu.

Tình trạng lựa chọn nhà thầu (đặc biệt là nhà thầu EPC) không đủ năng lực, phát sinh nhiều tranh chấp trong quá trình triển khai dự án. Từ đó dẫn đến một số dự án phải dừng thi công, sau nhiều năm không đưa vào sử dụng được gây lãng phí nghiêm trọng tài sản nhà nước.

“Một số dự án năng lượng tái tạo, dự án chế biến sâu… được lập ra chưa phù hợp với quy hoạch tổng thể ngành, lĩnh vực, không tính đến điều kiện địa lý, khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện có dẫn đến sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được, gây lãng phí lớn nguồn lực xã hội” - Đại tá Nguyễn Hữu Sơn cho biết.

Phân tích nguyên nhân, các diễn giả đều cho rằng đó là do chưa có ý thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ chưa phù hợp nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

“Việc xử lý trách nhiệm của tổ chức và cá nhân để xảy ra lãng phí chưa nghiêm; việc phát hiện các sai phạm còn hạn chế, chưa kịp thời để một số vi phạm kéo dài dẫn đến việc khắc phục và xử lý các hậu quả rất khó khăn, phức tạp” - Đại tá Sơn chia sẻ.

Chống lãng phí, tiết kiệm góp phần vào tăng sức mạnh quốc gia

Để chống lãng phí, TS Nguyễn Xuân Trường cho rằng cần phát huy sức mạnh tổng hợp; đẩy mạnh phòng, chống lãng phí tương đương với phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Bên cạnh đó, cần chủ động phòng ngừa chống lãng phí. Khi đã phòng ngừa rồi, công tác xử lý phải thực hiện nghiêm. Phải quan niệm phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài, kiên quyết, kiên trì, thường xuyên, liên tục với bước đi vững chắc, tích cực, chủ động, có trọng tâm, trọng điểm.

 Toàn cảnh diễn đàn "Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển". Ảnh: CẤN DŨNG

Toàn cảnh diễn đàn "Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển". Ảnh: CẤN DŨNG

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho hay hiện thế giới đang lan tỏa thông điệp về sức mạnh quốc gia ở ba khía cạnh. Đó là sức mạnh phần cứng (quốc phòng, kinh tế…), sức mạnh phần mềm (thể chế, văn hóa, môi trường đầu tư, vị thế quốc gia…) và quan trọng nhất là “sức mạnh của sự thông minh”.

Ông Phong cho biết đây là cụm từ rất mới, thể hiện ở khả năng đổi mới sáng tạo, năng suất lao động, thể hiện ở đội ngũ nhân tài, phản ứng chính sách, phản ứng thị trường, thể hiện ở khả năng tiết kiệm và chống lãng phí.

“Chống lãng phí, tiết kiệm chính là góp phần vào tăng sức mạnh quốc gia” - ông Phong nhấn mạnh.

Với tinh thần đó, ông Phong cho rằng phải nhận diện kỹ cả kênh lãng phí, đối tượng lãng phí. Với đối tượng lãng phí, đó là lãng phí vật chất, tài nguyên, thời gian, cơ hội, nhân tài, sức lao động, có cả sự lãng phí về niềm tin, gồm niềm tin chính trị, niềm tin chính sách, niềm tin đầu tư, niềm tin tiêu dùng…

Có ba kênh lãng phí thể hiện rõ nhất, là lãng phí qua xây dựng chính sách, sự trì trệ của chính sách, chất lượng văn bản thấp, chậm thay đổi; lãng phí trong sử dụng đầu tư công, tài nguyên, hành chính công; lãng phí trong đời sống của doanh nghiệp và người dân.

“Ở góc độ Bộ Công Thương, việc chống lãng phí rất quan trọng, cần sự tập trung. Đó là chống lãng phí ngay từ khâu chủ trương đầu tư, ngay từ khâu quy hoạch, thiết kế” – TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.

TS. Phan Đức Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho hay để giải quyết tận gốc lãng phí thì chất lượng của thể chế cần được nâng cao. Đó là cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật.

Theo ông Hiếu, chi phí tuân thủ pháp luật được tạo ra từ nhiều yếu tố. Cụ thể, thủ tục hành chính; phí và lệ phí, nếu cắt giảm được các chi phí, lệ phí hợp lý thì sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra còn có chi phí bằng tiền mà đôi khi luật không nói hay chi phí cơ hội.

“Ví dụ có những quy định trong luật không rõ ràng. Như trong thẩm tra dự án đầu tư, nói dự án phải phù hợp với trong quy hoạch nhưng không nói rõ quy hoạch nào, không nói rõ phù hợp với nội dung nào, rồi cứ cơ quan nọ hỏi cơ quan kia. Như vậy chúng ta mất đi cơ hội, mà cơ hội là tiền. Từ quy định không rõ ràng đã nảy sinh ra chi phí không chính thức” - ông Hiếu cho hay.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, hàng năm, Bộ Công Thương đều ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Năm 2024, ngành Công Thương đã tạo được sự đột phá trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách với hàng loạt Luật, Nghị định, Thông tư được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới. Đồng thời mở ra cơ hội huy động các nguồn lực đầu tư của xã hội.

Năm 2024, Bộ cũng đã chủ động, quyết liệt “tinh, gọn, mạnh” bộ máy theo tinh thần tổng kết Nghị quyết 18, đề xuất tinh giản gần 18% số đầu mối đơn vị thuộc Bộ và tinh gọn mạnh bộ máy hoạt động từ bên trong.

AN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/chuyen-gia-chi-ra-nhung-dien-hinh-cua-lang-phi-hien-nay-post826399.html