Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Nhiều nghiên cứu ít xuất phát từ thực tiễn
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy chia sẻ, các nghiên cứu hiện nay chủ yếu xuất phát từ tổ chức khoa học mà ít xuất phát từ nhu cầu doanh nghiệp nên nhiều đề tài rất khó thương mại hóa, không đi vào cuộc sống...
Sáng 10/5, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Quốc gia ngành nông nghiệp và môi trường.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy, Nghị quyết 57 có ý nghĩa đặc biệt khi Việt Nam đang đối mặt với hàng loạt thách thức lớn như suy giảm tài nguyên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước.
Các mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống, vốn dựa vào lao động thủ công, chi phí đầu vào lớn, giá trị gia tăng thấp đã không còn phù hợp trong khi chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn trở thành xu thế tất yếu.
Bộ trưởng cho rằng, để thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cần khơi thông điểm nghẽn không chỉ của khu vực công mà cả khu vực tư. Đây là khu vực đã và đang phát triển rất năng động, có thể huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp phát triển của ngành.
“Thời gian qua, các doanh nghiệp tư nhân đầu tư rất mạnh mẽ vào nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp đã tiên phong trong lĩnh vực này và tạo ra giá trị gia tăng rất lớn”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy phát biểu tại Hội nghị.
Bộ trưởng cũng cho rằng, cần xác định các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh để triển khai các đề tài, dự án khoa học công nghệ nhằm tạo ra sự phát triển đột phá của ngành như công nghệ sinh học, công nghệ gene.
Bên cạnh đó, thực hiện sắp xếp, đổi mới tổ chức, hoạt động của các tổ chức khoa học công nghệ công lập trong ngành, bảo đảm tinh gọn mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, thực sự trở thành các trung tâm đổi mới sáng tạo, có khả năng cạnh tranh và lan tỏa tri thức đến sản xuất và thị trường.
Đặc biệt theo Bộ trưởng, các nhiệm vụ khoa học công nghệ phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Các sản phẩm nghiên cứu phải được thương mại hóa phục vụ sản xuất kinh doanh để nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng của sản phẩm.
“Có một thực tế là các đề tài nghiên cứu thường xuất phát từ cơ sở nghiên cứu mà ít xuất phát từ thực tiễn doanh nghiệp, thậm chí từ người nông dân. Vì vậy, nhiều đề tài nghiên cứu xong rất khó thương mại hoặc là không có khả năng thương mại”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng đặt yêu cầu từ năm 2026, phần lớn nhiệm vụ khoa học công nghệ phải được đặt hàng từ thực tiễn, từ doanh nghiệp, từ các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành là chủ yếu.

Các đại biểu tham quan giải pháp công nghệ triển lãm tại Hội nghị.
Một vấn đề khác cần đặc biệt quan tâm là cơ chế, chính sách để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước. Bộ trưởng cho rằng cần rà soát toàn diện, bảo đảm nguồn nhân lực có chất lượng, vững tay nghề, giỏi chuyên môn và có nhiều kinh nghiệm.
Ông mong muốn các đại biểu tại Hội nghị đề xuất cơ chế, chính sách thu hút các chuyên gia trong nước, chuyên gia người Việt Nam tại nước ngoài và đặc biệt từ khối doanh nghiệp tư nhân.
Trước đó, ngày 27/3, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy ký Quyết định số 503/QĐ-BNNMT về việc ban hành Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Môi trường thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 03/NQ-CP năm 2025 của Chính phủ.
Kế hoạch nêu rõ các nhóm giải pháp toàn diện để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của ngành nông nghiệp và môi trường.