Ninh Bình: Công nghiệp - thương mại tiếp tục duy trì đà tăng trưởng

Tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong tháng 4/2025 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và đạt được kết quả khá so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, doanh thu bán lẻ tất cả các nhóm hàng hóa, dịch vụ đều tăng.

Sản xuất công nghiệp nỗ lực ổn định, phát triển trong tình hình mới

Trước những biến động phức tạp của tình hình thế giới cũng như trong khu vực, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Một số ngành công nghiệp trọng điểm duy trì được đà tăng trưởng nhưng chưa có đột phá, nhu cầu thị trường trong nước có phục hồi nhưng còn chậm, số lượng đơn hàng mới ký kết của doanh nghiệp không nhiều...

Số liệu của Chi cục Thống kê tỉnh Ninh Bình cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn tỉnh tháng 4 ước tính tăng 12,02% so với cùng tháng năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 0,13%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,86%; sản xuất và phân phối điện giảm 48,17%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,27%.

So với tháng trước, chỉ số IIP toàn tỉnh tháng này tăng 1,94%, trong đó ngành khai khoáng tăng 15,43%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,92%; sản xuất và phân phối điện giảm 2,17%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,39%.

Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình vẫn nỗ lực duy trì đà tăng trưởng mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức

Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình vẫn nỗ lực duy trì đà tăng trưởng mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức

Tính theo giá so sánh 2010, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh trong tháng 4/2025 ước đạt 9.538,5 tỷ đồng, tăng 10,6% so với tháng 4/2024. Trong đó, khai khoáng ước đạt 79,8 tỷ đồng, tăng 3,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo 9.392,7 tỷ đồng, tăng 11,3%; sản xuất và phân phối điện 50,8 tỷ đồng, giảm 48,2%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải 15,2 tỷ đồng, tăng 0,5%.

Tính chung lại 4 tháng đầu năm 2025 chỉ số IIP toàn tỉnh Ninh Bình tăng 11,74% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó ngành khai khoáng tăng 2,61%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,24%; sản xuất và phân phối điện giảm 44,45%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,92%. Giá trị sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2025 toàn tỉnh theo giá so sánh 2010 ước đạt 33.997,7 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khai khoáng ước đạt 337,8 tỷ đồng, tăng 8,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo 33.396,5 tỷ đồng, tăng 10,4%; sản xuất và phân phối điện 195,8 tỷ đồng, giảm 44,6%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải 67,6 tỷ đồng, tăng 2,1%.

Một số sản phẩm công nghiệp trong tháng 4/2025 có mức sản xuất tăng khá so với cùng tháng năm trước như: Ngô ngọt đóng hộp 0,3 nghìn tấn, tăng 40,1%; hàng thêu 84,0 nghìn m2, tăng 52,7%; quần áo các loại 5,5 triệu cái, tăng 19,4%; phân lân nung chảy 23,2 nghìn tấn, tăng 19,0%; xi măng (kể cả clanke) 0,7 triệu tấn, tăng 8,2%; cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại 20,3 tấn, tăng 23,0%; modul camera 25,3 triệu cái, gấp 2,1 lần; kính máy ảnh 0,2 triệu cái, gấp 3,3 lần; xe ô tô 5 chỗ ngồi trở lên 4,0 nghìn chiếc, tăng 34,9%; xe ô tô chở hàng 0,9 nghìn chiếc, tăng 23,0%; ghế ngồi dùng cho xe có động cơ 20,1 nghìn chiếc, tăng 23,3%; búp bê 21,5 triệu con, tăng 22,4%;...

Bên cạnh đó vẫn có một số sản phẩm giảm sút so với cùng kỳ như: Thức ăn gia súc 2,2 nghìn tấn, giảm 23,2%; thép cán các loại 23,4 nghìn tấn, giảm 15,5%; cấu kiện tháp, cột bằng sắt, thép bắt chéo nhau 88,7 tấn, giảm 13,1%; linh kiện điện tử 9,5 triệu cái, giảm 13,6%; tai nghe điện thoại di động 5,0 nghìn cái, giảm 97,3%; đồ chơi hình con vật 2,5 triệu con, giảm 20,4%; điện sản xuất 19,9 triệu Kwh, giảm 75,1%;...

Sản lượng tồn kho một số sản phẩm chủ yếu đến 30/4/2025 bao gồm: giày dép 2,7 triệu đôi; đạm Ure 20,5 nghìn tấn; phân NPK 27,5 nghìn tấn; phân lân nung chảy 9,4 nghìn tấn; kính xây dựng 61,2 nghìn tấn; xi măng 11,9 nghìn tấn; thanh, que sắt hoặc thép không hợp kim, được cán nóng 8,9 nghìn tấn; bản vi mạch điện tử 20,0 triệu chiếc; camera và linh kiện điện tử 15,2 triệu cái; xe ô tô từ 5 chỗ ngồi trở lên 372 chiếc...

Doanh thu bán lẻ tất cả các nhóm hàng hóa, dịch vụ đều tăng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa trong tháng 4 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ước đạt 7.658,5 tỷ đồng, tăng 27,4% so với tháng 4/2024. Tính chung lại cả 4 tháng đầu năm 2025, doanh thu bán lẻ hàng hóa toàn tỉnh ước đạt 32.783,0 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước. Tất cả các nhóm hàng hóa đều có doanh thu bán lẻ tăng, trong đó các nhóm có tốc độ tăng cao là: Phương tiện đi lại, trừ ô tô con (kể cả phụ tùng) ước đạt 437,0 tỷ đồng, tăng 34,8%; ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) ước đạt 4.561,0 tỷ đồng, tăng 34,6%; gỗ và vật liệu xây dựng ước đạt 5.530,7 tỷ đồng, tăng 31,3%; hàng hóa khác 837,3 tỷ đồng, tăng 31,9%; doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác 1.383,3 tỷ đồng, tăng 22,4%; nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) ước đạt 324,6 tỷ đồng, tăng 22,1%; xăng, dầu các loại 2.785,6 tỷ đồng, tăng 21,0%;...

Chỉ số giá tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ chung (CPI) trên địa bàn tỉnh trong tháng 4 tiếp tục duy trì đà tăng từ đầu năm. So với tháng trước CPI tăng 0,11%; so với tháng 12 năm trước CPI tăng 1,85% và so với 4/2024 CPI tăng 3,63%. Bình quân 4 tháng đầu năm 2025, CPI tăng 3,69% so với cùng kỳ.

Về xuất nhập khẩu, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh Ninh Bình trong tháng 4 ước thực hiện 303,5 triệu USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2024. Trong khi đó, tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa ước thực hiện 278,6 triệu USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2024.

Trong 4 tháng đầu năm 2025, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh ước đạt 1.154,3 triệu USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn là: Camera và linh kiện ước đạt 293,2 triệu USD; giày dép các loại 277,9 triệu USD; xi măng và clanke 215,6 triệu USD; quần áo các loại 99,1 triệu USD; linh kiện phụ tùng ô tô các loại 52,7 triệu USD; linh kiện điện tử 42,7 triệu USD.

Tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa ước đạt 1.064,4 triệu USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Trị giá các nhóm mặt hàng nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn là: Linh kiện điện tử gần 329,7 triệu USD; linh kiện phụ tùng ô tô các loại 309,6 triệu USD; phụ liệu sản xuất giày, dép 184,8 triệu USD; vải may mặc các loại 38,9 triệu USD; máy móc thiết bị 22,1 triệu USD; ô tô 14,2 triệu USD.

hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như một số ngành công nghiệp trọng điểm duy trì được đà tăng trưởng

Tiến Thành

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/ninh-binh--cong-nghiep-thuong-mai-tiep-tuc-duy-tri-da-tang-truong-140303.htm