Bộ trưởng Đức: Mỹ đang trục lợi từ cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu
Bộ trưởng Kinh tế Đức Habeck cáo buộc nhiều nước, trong đó có Mỹ đang áp giá khí đốt quá cao trong khi nền kinh tế lớn nhất châu Âu cố vượt qua cuộc khủng hoảng.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết Mỹ và nhiều quốc gia đang cung cấp khí đốt cho châu Âu đang lợi dụng cuộc khủng hoảng năng lượng để kiếm lời.
“Một số quốc gia, kể cả những quốc gia đồng minh vẫn sẵn sàng áp giá khí đốt cao ngất ngưởng đối với các hợp đồng giao ngay cho châu Âu. Điều này đặt ra nhiều vấn đề”, ông Habeck nói trong cuộc phỏng vấn với tờ Neue Osnabruecker Zeitung.
Ông Habeck kêu gọi Washington đoàn kết hơn nữa khi hỗ trợ các đồng minh châu Âu đang lao đao trước cuộc khủng hoảng năng lượng ngày một nghiêm trọng.
Xung đột tại Ukraine đã gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng tại Đức, nước này trước đó phụ thuộc nguồn cung năng lượng từ Nga để đáp ứng 55% nhu cầu năng lượng của mình. Để bù đắp khoản thiếu hụt do Nga ngừng cung cấp khí đốt, Berlin đang đầu tư vào khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) vốn đắt đỏ hơn. Đức và các nước châu Âu khác vì vậy đã chuyển hướng sang Mỹ, nước hiện cung cấp 45% lượng LNG nhập khẩu của châu Âu, tăng từ mức 28% trong năm 2021.
Theo Bộ trưởng Habeck, Liên minh châu Âu (EU) nên hợp tác mua khí tự nhiên nhằm giảm giá cả. Theo ông, khối này nên “tập hợp sức mạnh thị trường của mình và đặt lệnh mua một cách thông minh, kết hợp giữa các quốc gia để từng nước thành viên không phải trả giá cao hơn nước khác”.
EU đang phải đối mặt với một mùa đông khó khăn, với dự báo tình trạng thiếu khí đốt trên toàn khối do nguồn cung của Nga giảm mạnh trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây và vụ phá hoại đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2 gần đây.
Mỹ có khả năng thu được nhiều lợi nhất từ việc phá hủy hai đường ống dẫn khí dưới đáy biển Baltic, vốn bị hư hại do một loạt vụ nổ ngoài khơi đảo Bornholm của Đan Mạch vào tuần trước.
Washington trong nhiều năm đã cố gắng thuyết phục các nhà lãnh đạo châu Âu đổi khí đốt của Nga lấy khí đốt tự nhiên hóa lỏng của họ, thậm chí Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken còn gọi vụ phá hoại đường ống Dòng chảy phương Bắc của Nga là một “cơ hội to lớn”.