Bộ trưởng GD&ĐT: Các trường THPT có thể tự tuyển dụng giáo viên

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, ngoài vai trò tuyển giáo viên, cơ quan quản lý giáo dục có thể phân cấp cho các trường THPT đủ điều kiện tự tuyển theo quy định.

Nội dung trên được Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nêu tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo, Kỳ họp 9, Quốc hội khóa XV sáng nay (6/5).

Trong số 27 đại biểu Quốc hội phát biểu góp ý vào dự luật Nhà giáo, nhiều ý kiến quan tâm đến các quy định về thẩm quyền tuyển dụng giáo viên. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, dự Luật Nhà giáo giao cho cơ quan quản lý giáo dục là cơ quan chủ trì việc tuyển dụng giáo viên trong các cơ sở giáo dục công lập, trực tiếp là Sở GD&ĐT. Quy định này sẽ thuận lợi cho việc tổ chức hội đồng tuyển dụng, từ khâu tổ chức cho đến đề thi, chấm thi.

Tinh thần chung là phân cấp, phân quyền, "ở đâu sử dụng lao động, thì nơi đó có quyền được tuyển dụng". Tuy nhiên, điều này khó khả thi với cấp mầm non, tiểu học sẽ gặp khó khăn khi thành lập hội đồng tuyển dụng. Thực tế, để thành lập hội đồng này, cần các yêu cầu, quy định khắt khe. Do đó, cơ quan quản lý giáo dục sẽ đóng vai trò tổ chức tuyển dụng.

"Có thể xem xét phân cấp cho những cơ sở đủ năng lực; chẳng hạn nếu các trường THPT có đủ điều kiện, năng lực để tổ chức tuyển dụng thì sẵn sàng phân cấp", Bộ trưởng Sơn nói thêm.

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu giải trình sáng nay.

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu giải trình sáng nay.

Về ý kiến các đại biểu mong muốn mở rộng đối tượng được hưởng các chính sách cũng như định danh là nhà giáo, Bộ trưởng cho hay, luật chỉ quy định các đối tượng làm nghề giáo, với tư cách làm nghề chuyên nghiệp và đạt chuẩn.

Những vị trí làm việc khác như: nhân viên trường học, những người tham gia trong quá trình giáo dục, có các hoạt động giáo dục, thì sẽ có các quy định khác. Với những người hướng dẫn học sinh, sinh viên thực hành… chỉ cần kinh nghiệm, kỹ năng, chuyên môn là có thể khuyến khích tham gia vào hoạt động này.

Cũng tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đề xuất không nên khuyến khích các địa phương ban hành thêm một số chính sách hỗ trợ giáo dục. Việc này nhằm đảm bảo công bằng và để các tỉnh vùng sâu, vùng xa không gặp khó khăn trong việc thu hút giáo viên.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, với một số các địa phương có điều kiện, nên khuyến khích, dành nguồn lực hỗ trợ cho giáo dục, nhà giáo. Ví dụ, TP.HCM - thời gian qua chủ động dành nguồn kinh phí để hỗ trợ đời sống giáo viên đỡ khó khăn hơn. Từ đó, hạn chế tình trạng giáo viên chuyển, nghỉ việc. Chính sách này rất đáng quý và nên khuyến khích.

Bộ trưởng Sơn nhìn nhận, chúng ta ủng hộ công bằng trong giáo dục nếu chính sách trên là điều tốt đẹp và công bằng. Làm sao để giáo viên có điều kiện được hưởng chế độ, chính sách tốt nhất. Sự công bằng không nên để tất cả đều khổ và khó như nhau.

“Chúng ta nên khuyến khích các nơi có điều kiện, còn ở những nơi chưa có điều kiện thì Nhà nước cần thêm chính sách hỗ trợ cho các địa phương đó”, Bộ trưởng nói.

Thực tế, giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc đang được thụ hưởng nhiều chính sách ưu tiên. Thế nên, việc khuyến khích các địa phương có thêm các chính sách để hỗ trợ cho giáo viên là cần thiết. Cả trung ương và địa phương cùng chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và nhà giáo.

Dự Luật Nhà giáo trình Quốc hội từ Kỳ họp 8, dự kiến sẽ được xin ý kiến thông qua vào ngày 11/6 - Kỳ hợp 9, Quốc hội khóa XV.

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự luật Nhà giáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, việc giao thẩm quyền tuyển dụng cho ngành giáo dục là cần thiết, tạo điều kiện để ngành chủ động trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý, phát triển nhà giáo, đáp ứng yêu cầu về số lượng, cơ cấu và chất lượng; góp phần khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ và mất cân đối cơ cấu nhà giáo.

Dự luật quy định việc tuyển dụng nhà giáo theo cấp học, trình độ đào tạo. Với trường của lực lượng vũ trang nhân dân, việc tuyển dụng nhà giáo do Bộ trưởng Bộ Công an, Quốc phòng quy định.

Với các cơ sở giáo dục khác, việc tuyển dụng nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền quản lý cơ sở giáo dục quyết định. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết các nội dung liên quan đến tuyển dụng nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập, nhà giáo là người nước ngoài.

Dự luật cũng quy định rõ đối tượng, nguyên tắc điều động, thẩm quyền điều động, các trường hợp không được điều động nhà giáo; bổ sung trường hợp điều động công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo nhằm giải quyết chính sách cho đối tượng này. Quốc hội sẽ giao Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục điều động nhà giáo.

Hà Cường

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/bo-truong-gd-dt-cac-truong-thpt-co-the-tu-tuyen-dung-giao-vien-ar941721.html