Ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Quốc hội nghe và thảo luận một số dự án luật
Sáng 6/5, Quốc hội (QH) họp phiên toàn thể tại hội trường nghe: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.
Sáng 6/5, Quốc hội (QH) họp phiên toàn thể tại hội trường nghe: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình tham dự Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Tiếp đó, QH đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà giáo. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm 9 chương, 46 điều (giảm 4 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 8). Các đại biểu QH cơ bản nhất trí với nội dung của dự thảo Luật sau khi chỉnh lý.
Quan tâm đến nội dung về tuyển dụng nhà giáo (Điều 14), có đại biểu nhận thấy, tại điểm b, khoản 1, Điều 14 quy định "phương thức tuyển dụng thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển, trong đó phải có thực hành sư phạm” là chưa thực sự hợp lý. Theo đại biểu, việc thực hành sư phạm được hiểu là thực hiện các kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm. Nội dung này người học ngành học sư phạm đã được thực tập sư phạm và được công nhận kết quả thực hành sư phạm. Mặt khác tại điểm a, khoản 2, Điều 9 Nghị định 85/2023/NĐ-CP, ngày 7/12/2023 của Chính phủ quy định vòng 2 của thi tuyển nhà giáo là thi môn nghiệp vụ chuyên ngành; hình thức thi căn cứ vào tính chất, đặc điểm và yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng lựa chọn một trong ba hình thức thi vấn đáp hoặc thực hành hoặc viết... Với những lý do đó, đại biểu cho rằng, quy định cứng phải có thực hành sư phạm là chưa hợp lý, dùng phương thức này sẽ khó khăn cho các đơn vị tuyển dụng nếu số lượng thí sinh đăng ký quá lớn, cũng như mất rất nhiều thời gian để tổ chức thực hành dẫn đến không đảm bảo tiến độ tuyển dụng.
Thảo luận về nội dung tuyển dụng, thuyên chuyển nhà giáo, đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu QH tỉnh Hòa Bình nêu thực tế, nhu cầu điều chuyển giáo viên giữa các trường trong cùng hệ thống (đặc biệt ở bậc mầm non, tiểu học, THCS) là phổ biến, do yêu cầu cân đối đội ngũ, tránh dôi dư cục bộ hoặc thiếu hụt cục bộ. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa làm rõ vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc điều phối nguồn nhân lực và phối hợp với người đứng đầu cơ sở giáo dục khi tuyển dụng, điều chuyển trong trường hợp đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình phát biểu thảo luận.
Nếu chỉ quy định quyền tuyển dụng cho hiệu trưởng (khi đáp ứng điều kiện), mà không có cơ chế phối hợp hoặc phân quyền rõ ràng, sẽ dễ xảy ra tình trạng "cục bộ", thiếu gắn kết hệ thống. Quá trình điều chuyển giáo viên giữa các trường sẽ gặp nhiều khó khăn vì yêu cầu, điều kiện tuyển giữa các trường có thể khác nhau. Mặt khác, chỉ có cơ quan Nhà nước mới có quyền điều chuyển giáo viên giữa các trường.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc cũng nhận thấy, quy định tại Điều 14 theo hướng "... nếu đáp ứng điều kiện do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định" là quá chung chung. Trong thực tế, việc xác định "đủ điều kiện" thường chưa rõ ràng, gây vướng mắc trong phân quyền và triển khai. Do đó, đại biểu đề nghị quy định theo hướng cơ sở giáo dục được quyền tuyển dụng giáo viên nếu có thể thực hiện tự chủ 100%. Đồng thời, bổ sung đối tượng là các cơ sở giáo dục công lập hoạt động theo mô hình đặc thù, thí điểm hoặc liên kết quốc tế, việc tuyển dụng nhà giáo do người đứng đầu thực hiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền thành lập, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật và yêu cầu chất lượng đặc thù.
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã tiếp thu, giải trình về những nội dung được các đại biểu QH quan tâm.
Buổi chiều, QH thảo luận ở tổ về các nội dung: Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
P.V (TH)