Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể: Thực tế mà sai như thế thì chúng tôi không ngồi ở đây được
Xử lý dứt điểm vướng mắc tại các dự án BOT trong 2022 là yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi tổng kết nội dung chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể.
Từng nắm giữ cương vị Tư lệnh ngành GTVT từ nhiệm kỳ trước, dày dạn kinh nghiệm nghị trường, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nắm chắc tình hình, trả lời thẳng thắn các câu hỏi của đại biểu - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định khi tổng kết nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng GTVT.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành GTVT cũng còn nhiều tồn tại trong chuẩn bị, thực hiện đầu tư và khai thác quản lý vận hành các dự án giao thông. Phần lớn dự án giao thông dùng ngân sách chậm tiến độ; đấu thầu chọn nhà đầu tư kéo dài. Các dự án giao thông quan trọng thường chậm tiến độ 2-3 năm, làm tăng mức đầu tư 1,5-2 lần, làm giảm hiệu quả đầu tư, theo Kiểm toán Nhà nước. Vai trò, trách nhiệm tư vấn giám sát chưa được coi trọng...
Chủ tịch Quốc hội đề nghị quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong từng khâu, từng vị trí; kiểm tra, thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực... Bộ GTVT và các địa phương cần giải quyết khó khăn nguồn nguyên vật liệu xây dựng cho các dự án giao thông; công bố giá, chỉ số giá loại vật liệu xây dựng; xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, nâng giá, trục lợi; giải quyết dứt điểm tồn tại về dự án BOT thu phí trong năm 2022; phấn đấu năm nay hoàn thiện hệ thống thu phí không dừng.
Trước đó, ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỏi, vì sao hiện nay nhà đầu tư không mặn mà với các dự án BOT, nhất là lĩnh vực cầu đường?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể một lần nữa nhắc lại sự khác nhau giữa dự án BOT trước đây khi thực hiện theo Nghị định 108 và hiện nay (dự án BOT theo hình thức PPP). Các dự án PPP hiện nay làm trên đường song hành, tuyến cao tốc. Còn BOT trước đây thực hiện trên đường hiện hữu, theo Nghị định 108 nên có một số vướng mắc, nhà đầu tư bức xúc.
Theo người đứng đầu ngành GTVT, các bức xúc phát sinh chủ yếu là do nhà đầu tư, ngân hàng lo ngại nợ xấu, hụt doanh thu. “Chúng ta cần giải quyết dứt điểm vướng mắc trong đó có quyền lợi nhà đầu tư, ngân hàng có liên quan. Bộ GTVT sẽ cố gắng cùng các bộ, ngành rà soát kỹ, nhưng cũng cần nguồn lực để xử lý dứt điểm vấn đề này”.
Trong khi đó, ĐB Lê Hoàng Anh (Gia Lai) bày tỏ băn khoăn khi nhắc lại nhận định của chính Bộ trưởng, rằng, chỉ các dự án lớn mới bị chậm tiến độ và hiện chưa khắc phục được. Tuy nhiên, Bộ GTVT lại trình tới 5 dự án lớn tiếp theo, nếu thời gian tới cùng lúc có 9 dự án thực hiện thì khả năng chậm tiến độ là hiện hữu.
ĐB thẳng thắn đặt vấn đề: “Đề nghị Bộ trưởng GTVT cho biết hiện có bao nhiêu nhà thầu thi công đủ năng lực thực hiện dự án này? Có bao nhiêu máy móc cùng thi công 9 dự án trên? Nếu không đảm bảo tiến độ thì trách nhiệm tham mưu của Bộ trưởng thế nào”?.
Trong khi đó, tham gia tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể về vấn đề BOT, ĐB Lê Minh Nam (Hậu Giang) nêu: “Bộ trưởng nói hàng loạt dự án BOT triển khai chưa đảm bảo phương án tài chính nên phải xử lý bằng cơ chế riêng. Nhưng thống kê của Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2016-2020 cho thấy, qua kiểm soát 83 dự án BOT và BT, cơ quan này đã kiến nghị giảm thời gian thu phí so với phương án ban đầu với các dự án là 302 năm. Trong đó, có dự án giảm thời gian thu phí lên đến 10 năm”. Ông Lê Minh Nam đề nghị Bộ trưởng làm rõ thêm thực trạng này?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đáp: “Phải nghiên cứu thật kỹ vấn đề này”. Nhiều dự án BOT được triển khai khi chưa có Luật Đầu tư công, theo Nghị định của Chính phủ. Theo quy định, hợp đồng là hợp đồng nguyên tắc và có đưa điều khoản “sau khi dự án hoàn thành, căn cứ vào kết quả quyết toán của dự án thì Bộ GTVT và nhà đầu tư điều chỉnh thời gian thu phí theo số liệu thực mà dự án được triển khai.
Vì vậy chúng ta có hai con số. Con số theo hợp đồng nguyên tắc là khi chưa có hồ sơ thiết kế, chưa triển khai, chưa giám sát, chưa điều chỉnh hợp đồng. Con số thứ hai, thể hiện đúng bản chất, là từng dự án BOT, sau khi hoàn thành, được kiểm toán, quyết toán và ký hợp đồng điều chỉnh thời gian thu phí. Số liệu kiểm toán và số liệu mà Bộ GTVT ký trên hợp đồng từng dự án là không khác nhau, mà chỉ khác với hợp đồng nguyên tắc. Chứ nếu Bộ GTVT mà ký hợp đồng như thế thì chắc chắn anh em chúng tôi không thể ngồi ở đây. Không thể làm sai như thế được", ông Thể phân tích.