Bộ trưởng GTVT nói gì về chậm thông tuyến đường Hồ Chí Minh?
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, đường Hồ Chí Minh có ý nghĩa phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh rất lớn nhưng tiến độ thực hiện chậm. 'Nguyên nhân chính là do vốn', ông Thể nói.
Chiều 10/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo của Chính phủ về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết 66 ngày 29/11/2013 điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh và kế hoạch triển khai dự án giai đoạn tiếp theo.
Theo báo cáo, Dự án đường Hồ Chí Minh là dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 38 năm 2004. Dự án có điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau), dài 3.183 km, tuyến chính dài 2.499 km, nhánh phía tây dài 684 km; đi qua 28 tỉnh, thành phố.
Dự án dự định sẽ thông tuyến vào năm 2010. Tuy nhiên, để phù hợp với nguồn lực và thực tế triển khai, năm 2013, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 66 để điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.
Qua quá trình giám sát, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nhận thấy, cho đến nay, dự án vẫn chưa hoàn thành nối thông toàn tuyến theo yêu cầu của Nghị quyết.
Cụ thể, đối với phân kỳ đầu tư đến năm 2020, dự án chưa đạt yêu cầu nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô 2 làn xe.
Theo Báo cáo của Chính phủ, đến hết năm 2020 còn 7 đoạn với tổng chiều dài khoảng 279 km chưa triển khai, trong đó mới cân đối bố trí vốn cho 3 đoạn với tổng chiều dài 108 km, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.
Đối với phân kỳ đầu tư sau năm 2020, theo Báo cáo của Chính phủ đến năm 2021, dự án đã được triển khai hoàn thành khoảng 2.362 km/2.744 km, đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh; đang thực hiện 211 km; chưa bố trí vốn để triển khai thực hiện 171 km. Dự án được triển khai rất chậm so với yêu cầu đặt ra. Trong 5 năm (2017- 2021), chỉ triển khai được khoảng 8% tổng khối lượng.
Tính đến thời điểm hiện tại, để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh còn lại 171 km của 3 đoạn: Chợ Chu- Ngã ba Trung Sơn; Đoan Hùng- Chợ Bến; và Rạch Sỏi- Bến Nhất- Gò Quao- Vĩnh Thuận, chưa bố trí vốn để triển khai thực hiện.
“Cho đến nay tiến độ triển khai dự án đã chậm gần 2 năm so với yêu cầu hoàn thành các dự án thành phần và nối thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe theo quy định tại khoản 4 Điều 2 của Nghị quyết và chưa rõ thời gian kết thúc”, ông Huy nêu.
Về nguyên nhân, theo ông Huy, do công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện còn chưa hết trách nhiệm, thiếu tập trung, quyết liệt và kịp thời; chưa đề xuất được các giải pháp khả thi, hiệu quả để bố trí vốn ngân sách nhà nước, huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhằm thực hiện đúng theo các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết.
Từ thực tế giám sát, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội kiến nghị Chính phủ xem xét, cân đối nguồn lực, bố trí nguồn vốn thích hợp và quyết tâm chỉ đạo hoàn thành các dự án thành phần còn lại trong giai đoạn 2021- 2025, trong đó đề nghị Chính phủ bố trí đủ và kịp thời nguồn vốn để hoàn thành 3 dự án đoạn Chợ Chu- Ngã Ba Trung Sơn, Cổ Tiết- Chợ Bến và Rạch Sỏi - Bến Nhất- Gò Quao- Vĩnh Thuận.
Bên cạnh đó, chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và phê duyệt các quy hoạch có liên quan. Tiếp tục đầu tư nâng cấp đường Hồ Chí Minh theo quy mô tại Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454 ngày 1/9/2021.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới nhấn mạnh, từ khi làm dự án tới nay đã 18 năm chưa xong, con đường nhiều đoạn đã xuống cấp, nhất là tại Đồng bằng sông Cửu Long. "Đoạn đường từ Cà Mau tới Đất Mũi xuống cấp rất trầm trọng. Do đó cần bố trí nguồn vốn để trùng tu. Đồng thời Chính phủ phải khảo sát theo điều kiện thực tế", ông Tới nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường cũng cho rằng, đường xây trên nền cũ từ Pắc Bó vào Đất Mũi nhưng thời gian đó chúng ta cũng làm nhiều tuyến đường khác do đó đường nào trùng thì đấu nối vào các tuyến cho tốt hơn, và dành tiền đầu tư đường mới.
Thiếu vốn
Giải trình một số vấn đề, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, theo Nghị quyết 66 của Quốc hội, đến năm 2020 phải thông tuyến đường Hồ Chí Minh. Chính phủ cũng rất quan tâm đến tuyến đường này, trong đó luôn xác định 2 con đường gồm Quốc lộ 1 A và đường Hồ Chí Minh không chỉ đầu tư mà còn ưu tiên duy tu.
"Nguyên nhân chính là do thiếu vốn. Năm 2016 thực hiện rất tốt nhưng sau đó do khủng hoảng kinh tế nên dừng lại. Từ năm 2016 đến nay đầu tư ít lại nên chậm tiến độ. Dự kiến giai đoạn 2021- 2025 sẽ bố trí 21 nghìn tỷ đầu tư, trong đó có 3 đoạn của đường Hồ Chí Minh. Vì thế sau giám sát, Quốc hội nên ban hành Nghị quyết và giao cho Chính phủ sử dụng ngay 10% vốn dự phòng để tập trung làm nốt 3 đoạn để năm 2025 phải xong", ông Thể nêu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh con đường không chỉ thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội mà còn là lời hứa của Quốc hội với đồng bào vùng chiến khu. Do đó Chính phủ cần rút kinh nghiệm khi chưa đạt mục tiêu thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe. Qua đó cần xem xét, làm rõ trách nhiệm của cả Trung ương và địa phương. Đối với các tuyến còn lại cần rà soát đầu tư khi có nhiều tuyến đường đang triển khai. Liên quan đến khả năng cân đối của ngân sách cần báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định. Phải kết thúc dự án theo đúng mục tiêu ban đầu, còn các phương án nâng cấp cần trình riêng, tránh dở dang.