Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Địa phương phấn đấu thu ngân sách năm 2025 tăng 5-7%

Lưu ý các địa phương trong xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 và 3 năm tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, các địa phương phải tính đúng tính đủ nguồn thu, đảm bảo tổng hợp đầy đủ các khoản mới phát sinh trên địa bàn, phấn đấu năm 2025 tăng từ 5-7% so với ước thực hiện năm 2024.

Chiều 19/7, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chủ trì và kết luận tại Hội nghị trực tuyến với địa phương về xây dựng dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2025 và kế hoạch tài chính – NSNN 3 năm 2025-2027. Bộ trưởng đã gợi mở và lưu ý một số vấn đề để các địa phương thực hiện đúng quy định hiện hành.

Tính đủ các nguồn thu phát sinh trên địa bàn

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Tài chính, Cục thuế các tỉnh, trong xây dựng dự toán NSNN năm 2025, phải bám sát theo đúng quy định của Luật NSNN, các văn bản hướng dẫn Luật NSNN và các văn bản pháp luật khác có liên quan phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, các mục tiêu theo các Nghị quyết của Trung ương.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Nhiều năm nay Bộ Tài chính đã thu được từ các khoản thu tiềm năng nên thu NSNN đạt và vượt ở mức cao. Ảnh: Đức Minh.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Nhiều năm nay Bộ Tài chính đã thu được từ các khoản thu tiềm năng nên thu NSNN đạt và vượt ở mức cao. Ảnh: Đức Minh.

Ngoài ra, phải tính đến các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số địa phương theo quy định, Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, lập dự toán một cách chính xác, đúng quy định.

Sau khi hoàn thiện, địa phương gửi Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội vào kỳ họp cuối năm. Các địa phương sau khi giao dự toán, báo cáo HĐND tỉnh quyết định.

Đối với xây dựng dự toán thu NSNN, Bộ trưởng đặc biệt lưu ý các địa phương phải đảm bảo tính tích cực, thực tế, tổng hợp đầy đủ các khoản mới phát sinh trên địa bàn, tính đúng tính đủ nguồn thu ngân sách. Phấn đấu tăng từ 5-7% so với ước thực hiện năm 2024.

Về lập dự toán NSNN năm 2025, Bộ trưởng lưu ý, Bộ Tài chính chỉ thảo luận dự toán NSNN với các tỉnh khi lãnh đạo tỉnh đăng ký, nếu gửi hồ sơ, Bộ Tài chính sẽ giao dự toán.

Các khoản chi NSNN, trong thời kỳ ổn định ngân sách, theo Bộ trưởng là không có biến động lớn, chỉ biến động khi có chính sách, nghị quyết của Trung ương ban hành liên quan đến an sinh xã hội, cải cách tiền lương.

Bộ trưởng giao cho các đồng chí Thứ trưởng phụ trách các địa phương làm việc với lãnh đạo địa phương, sở, ngành (khi có đề nghị).

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị các địa phương khẩn trương dự toán NSNN năm 2025 cho UBND tỉnh ký, gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Kiểm toán Nhà nước theo đúng quy định đối với các nhiệm vụ chi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia. Các chương trình, đề án, nhiệm vụ khác thì địa phương gửi cho cơ quan chủ quản theo đúng quy định.

Đối với xây dựng dự toán thu NSNN, Bộ trưởng đặc biệt lưu ý các địa phương phải đảm bảo tính tích cực, thực tế, tổng hợp đầy đủ các khoản mới phát sinh trên địa bàn, tính đúng tính đủ nguồn thu ngân sách. Phấn đấu tăng từ 5-7% so với ước thực hiện năm 2024.

Đặc biệt các khoản thu như: thu tiền sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất, các khoản thu khác, địa phương cần ước các nguồn thu tiềm năng để đưa vào dự toán. Chia sẻ thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, nhiều năm nay Bộ Tài chính đã thu được từ các khoản thu tiềm năng nên thu NSNN đạt và vượt ở mức cao.

Ưu tiên đảm bảo chi cho con người, an sinh xã hội

Về xây dựng dự toán chi cân đối NSNN, năm 2025 tiếp tục ổn định tỷ lệ điều tiết, các khoản thu phân chia và số bổ sung cân đối ngân sách trung ương cho địa phương, cơ bản thực hiện như năm 2024.

Xây dựng dự toán chi ngân sách địa phương trên cơ sở dự toán thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp và số bổ sung cân đối ngân sách trung ương cho địa phương xác định bằng số giao dự toán 2024 và số bổ sung cân đối ngân sách trung ương cho địa phương thực hiện cải cách tiền lương năm 2025.

Nhờ tăng thu ngân sách nên có nguồn tăng chi cho đầu tư phát triển.

Nhờ tăng thu ngân sách nên có nguồn tăng chi cho đầu tư phát triển.

Đồng thời, đảm bảo ưu tiên đủ dự toán nhu cầu kinh phí thực hiện cho dự án, nhiệm vụ được ban hành, nhất là các chính sách chi cho con người và bảo đảm an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị cần tính toán đủ dự toán bổ sung có mục tiêu trung ương cho địa phương, thực hiện chính sách an sinh xã hội do trung ương ban hành và mức lương cơ sở mới được điều chỉnh, tính đủ cho 12 tháng.

Về tiết kiệm chi NSNN, Bộ trưởng cho biết, thực hiện tiết kiệm 5% chi thường xuyên, trừ các khoản chi cho con người như chi lương, phụ cấp lương… “Trong xây dựng dự toán, phải lập đúng, lập đủ”, Bộ trưởng lưu ý.

Còn tiết kiệm 5% là trong quá trình điều hành phải tiết kiệm triệt để, từ công tác phí, văn phòng phẩm, chi lễ hội, tiếp khách, hội nghị, hội thảo… “Các khoản chi cho con người, chi lương, phụ cấp lương không nằm trong các khoản chi phải tiết kiệm”- Bộ trưởng cho hay.

Về thực hiện cơ chế tài chính đặc thù các địa phương, Bộ Tài chính sẽ làm việc với các địa phương có cơ chế chính sách đặc thù như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An… để tính toán nhiệm vụ chi, đảm bảo sát đúng.

Về kiến nghị bổ sung kinh phí cho an sinh xã hội và một số vấn đề khác, Vụ NSNN sẽ tham mưu trình Bộ Tài chính trả lời cho các địa phương.

Bộ trưởng đề nghị các địa phương, trong quá trình thực hiện với những vướng mắc, khó khăn tiếp tục đề xuất các bộ, ngành, Chính phủ để dùng 1 luật sửa nhiều luật./.

Quản lý hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh trên địa bàn

Thông tư số 49/2024/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán NSNN năm 2025 và kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2025-2027 nêu rõ: Xây dựng dự toán thu phải gắn với việc quyết liệt thực hiện các biện pháp cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thu; tăng cường công tác quản lý, chống thất thu, nhất là chống thất thu thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.

Đồng thời, quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh trong điều kiện phát triển kinh tế số, thương mại điện tử; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế, chống chuyển giá, trốn thuế, gian lận thuế, quyết liệt xử lý nợ đọng thuế và kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bo-truong-ho-duc-phoc-dia-phuong-phan-dau-thu-ngan-sach-nam-2025-tang-5-7-155321.html