Bộ trưởng Hồ Đức Phớc lý giải việc năm 2022 thu vượt ngân sách
Phát biểu làm rõ thêm những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại Quốc hội sáng 1/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định: điều hành kinh tế - xã hội năm 2022 thành công với tăng trưởng kinh tế đạt 8,02% và thu ngân sách vượt so cùng kỳ là 15,7% và vượt dự toán 28,6%; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt cao nhất; bội chi ngân sách dưới 4%, nợ công giảm…
Giải trình làm rõ về việc lập dự toán không sát dẫn đến số vượt thu cao, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thời điểm lập dự toán 2022 là vào tháng 9/2021, đó là giai đoạn đại địch COVID-19 bùng phát, thời điểm đó tăng trưởng âm, thu ngân sách âm so với cùng kì. Dự toán ngân sách phù hợp với bối cảnh thời điểm đó.
Tuy nhiên đến năm 2022, nước ta đã chống dịch thành công, tăng trưởng tăng đạt 8,02% cả năm. Từ đó vượt thu ngân sách.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng làm rõ, dầu thô vượt thu do với dự toán là do tăng giá dầu và tăng sản lượng. Bên cạnh đó, tăng cường kê khai và tăng thu từ chuyển nhượng bất động sản; thu nội địa cũng tăng… “Những kết quả trên cho thấy vấn đề tài khóa năm 2022 tương đối thành công”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, sau khi Quốc hội có Nghị quyết 43/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP về miễn giảm thuế, theo đó đã có nhiều chính sách như giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế bảo vệ môi trường 50%... Bên cạnh các chính sách miễn giảm thuế, Chính phủ còn thiết kế các chính sách kích cầu, đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng, hệ thống đường cao tốc… thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế.
Liên quan đến số tồn dư ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết số tiền này đã gắn với nhiệm vụ chi cụ thể, tức là nguồn này là nguồn nhàn rỗi tạm thời đã có trong dự toán được Quốc hội phê chuẩn như bố trí vào các dự án đầu tư công, dự án về chương trình mục tiêu quốc gia... Như vậy đây là nguồn đã có nhiệm vụ chi chi tiết, tồn đọng là vì chưa giải ngân hết chứ không phải là nguồn để phân bổ vào việc khác.
Về quản lý hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ vừa qua có những tồn tại như liên kết giữa ngân hàng thương mại và công ty bảo hiểm, các hợp đồng dài hạn, chưa rõ ràng, người mua thường thua thiệt khi khiếu kiện…
Trước tình hình này, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước kiểm tra và xử lý nghiêm những ngân hàng và những công ty bảo hiểm vi phạm. Bộ Tài chính cũng đang tham mưu xây dựng nghị định và xây dựng thông tư để thực hiện pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
Trong đó, tập trung vào nguyên tắc cung cấp các sản phẩm bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm rõ ràng hơn, ngắn hơn, trọng tâm hơn, làm rõ quyền lợi, thời hạn và nghĩa vụ của các bên; quy định gói định mức tối đa chi thưởng, quy định các vấn đề về chi đại lý, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.