Bộ trưởng Hoàng Anh: Nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược
Đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính trong hai nhiệm kỳ 1958-1965 và 1977-1982, với bản lĩnh chính trị cao, tầm nhìn chiến lược, nhạy bén và kiên quyết, Bộ trưởng Hoàng Anh đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Tài chính cách mạng. Bộ trưởng Hoàng Anh chính là tấm gương ngời sáng cho các thế hệ cán bộ Tài chính noi theo, đặc biệt ở tinh thần đoàn kết, vượt khó, không ngừng nỗ lực giữ vững nét son truyền thống của Ngành, đưa sự nghiệp tài chính phát triển, phục vụ hiệu quả công cuộc phát triển đất nước.
Bộ máy của Bộ Tài chính đã được thay đổi một cách căn bản
Những năm 1958-1965 là thời kỳ đất nước khôi phục phát triển kinh tế sau chiến tranh và bước vào Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), kinh tế xã hội có nhiều thay đổi. Trên cương vị Bộ trưởng ông đã lãnh đạo chỉ đạo hoàn thiện bộ máy của Bộ và ngành Tài chính để có điều kiện phục vụ tốt và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo chủ trương đường lối của Đảng.
Ngày 7/11/1959, Bộ trưởng đã cho ban hành Nghị định số 44/TC/TCCB (lúc này Bộ được phép ban hành nghị định). Sau khi thực hiện được 2 năm đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 61-CP ngày 7/11/1961. Với Nghị định số 61-CP, bộ máy của Bộ Tài chính đã được thay đổi một cách căn bản so với thời kỳ trước
Cụ thể, Bộ Tài chính có nhiều vụ, cục mới như Vụ Thu quốc doanh và thuế, Vụ Thuế Hợp tác xã và Thuế Thương nghiệp, Vụ Quản lý ngoại tệ, Ngân hàng Kiến thiết, Viện Khoa học Tài chính, Vụ Tổ chức - Cán bộ và Đào tạo, Trường Cán bộ Tài chính (sau này là trường Đại học Tài chính - Kế toán), Bảo hiểm Việt Nam…
Với bộ máy được đổi mới, Bộ Tài chính đã có điều kiện để làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình trong giai đoạn đất nước khôi phục phát triển kinh tế. Bộ trưởng đã chọn, cử rất nhiều cán bộ làm việc ở Bộ Tài chính đi học chuyên tu, tại chức về tài chính để có đủ khả năng gánh vác nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tiếp nối những cải cách bộ máy trong ngành Tài chính, giai đoạn những năm 1977-1982, thời kỳ đất nước mới được thống nhất, kinh tế - tài chính đang gặp nhiều khó khăn. Sản xuất nông nghiệp và kinh doanh công thương nghiệp ở miền Nam được để lại từ chế độ cũ, khi đất nước thống nhất việc thu thuế gặp khó khăn do chưa có hệ thống thu thuế đủ mạnh.
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Hoàng Anh đã trình Chính phủ ban hành Quyết định số 90/CP ngày 18/4/1978 sửa đổi bộ máy của Bộ Tài chính. Nhờ đó, bộ máy của Bộ Tài chính tiếp tục được được thay đổi. Có thể kể đến việc thành lập các vụ tài chính chuyên ngành để quản lý tốt hơn hoạt động tài chính ở các đơn vị thuộc các bộ, ngành Trung ương và quản lý ngân sách nhà nước ở các địa phương; tách Vụ Thuế Công thương nghiệp và cá thể thành Vụ Thuế Nông nghiệp và Vụ Thuế Công thương nghiệp để giúp Bộ trưởng lãnh đạo chỉ đạo chuyên sâu về thuế Nông nghiệp và Công thương...
Ngày 10/4/1978, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Quyết định số 120/CP hình thành Hệ thống thuế công thương thống nhất trong cả nước. Ở Bộ Tài chính có Cục Thuế công thương nghiệp, ở các sở tài chính có chi cục thuế công thương nghiệp, ở phòng tài chính các quận huyện có phòng thuế công thương nghiệp, ở các đầu mối giao thông có các đội thu thuế.
Sự hình thành hệ thống thuế nông nghiệp, thuế công thương nghiệp đã giúp Bộ Tài chính đẩy mạnh công tác thu thuế nông nghiệp, thuế công thương nghiệp là khoản thu quan trọng trong thời kỳ này, tăng thu cho ngân sách nhà nước, giảm bớt một phần khó khăn của ngân sách trong thời kỳ khó khăn này.
Việc kiện toàn bộ máy như trên đòi hỏi phải đổi mới công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu của giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài. Quan điểm của Bộ trưởng là có đội ngũ cán bộ của Bộ Tài chính phải đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, kết hợp cán bộ trẻ được học tập về tài chính, có học vị tiến sỹ, phó tiến sỹ với cán bộ đủ lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm đã được đào tạo có hệ thống đề bạt vào chức vụ lãnh đạo.
Tháng 4/1978, Bộ trưởng Hoàng Anh đã ký quyết định giao nhiệm vụ phó vụ trưởng, Phó cục trưởng… cho gần 20 cán bộ ở độ tuổi 35 - 40 và độ tuổi 45- 50, cả nam và nữ, đồng thời gửi danh sách lên Ban Kinh tế Trung ương thỏa thuận để Bộ trưởng ký quyết định chính thức. Trong số cán bộ được đề bạt đợt này, đến năm 1989-1992, nhiều đồng chí đã được đề bạt vào chức vụ thứ trưởng...
Đội ngũ cán bộ của Bộ cũng được bổ sung từ các cán bộ giảng dạy ở trường Đại học, Trung học Tài chính kế toán của Bộ. Bộ cũng tiếp nhận nhiều học sinh đã tốt nghiệp Đại học Tài chính kế toán về Bộ để đào tạo bồi dưỡng làm cán bộ của Bộ Tài chính. Do có đội ngũ cán bộ nói chung và đội ngũ cán bộ lãnh đạo nói riêng đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, có phẩm chất chính trị tốt nên Bộ Tài chính đã thực hiện được tốt chức năng nhiệm vụtrong thời kỳ mới có nhiều khó khăn trở ngại.
Nhà lãnh đạo sâu sát thực tế, dám nghĩ, dám làm…
Bộ trưởng Hoàng Anh rất coi trọng công tác quản lý tài chính ở các doanh nghiệp, vì đây là nơi tạo ra nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Bộ trưởng Hoàng Anh từng khẳng định: "Tài chính cơ sở doanh nghiệp như gốc và rễ cây, tài chính nhà nước như cành ngọn. Gốc rễ có vững chắc thì cành ngọn mới xum xuê".
Trong những năm 1976-1978, tình hình kinh tế tài chính của đất nước hết sức khó khăn. Trước tình hình đó nhiều doanh nghiệp bung ra làm kế hoạch 3 (ngoài kế hoạch sản xuất kinh doanh chính) để nguồn thu chi tiêu riêng cho doanh nghiệp, cá nhân. Việc sử dụng các nguồn vốn kém hiệu quả, hạch toán kế toán sai lệch, nhiều doanh nghiệp buông lỏng quản lý kinh tế - tài chính.
Trước tình hình đó, đầu năm 1978, Bộ trưởng Hoàng Anh đã quyết định lập các đoàn, tổ công tác (gọi là đoàn, tổ cải tiến) của Bộ, ngành Tài chính đi xuống các doanh nghiệp của cả Trung ương và địa phương trong phạm vi toàn quốc để kiểm tra, phát hiện sai sót trong công tác quản lý tài chính, phát hiện các chính sách chế độ tài chính không phù hợp hoặc chưa có cần sửa đổi, ban hành mới để giúp doanh nghiệp, vừa chống buông lỏng quản lý, vừa thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trong thời gian này, Bộ Tài chính đã thành lập hàng trăm đoàn, tổ cải tiến trực tiếp đến các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp sửa chữa các sai sót trong biệc buông lỏng quản lý tài chính. Trước khi đi, các đoàn, tổ được tập huấn kỹ về tình hình quản lý tài chính của các doanh nghiệp, các quy định về tài chính kế toán của Bộ, ngành Tài chính đối với doanh nghiệp để các đoàn, tổ triển khai được thống nhất.
Đợt cải tiến được thực hiện trong nhiều tháng, Bộ Tài chính đã xem xét sửa đổi bổ sung các chế độ chính sách tài chính không phù hợp để làm lành mạnh hóa công tác quản lý tài chính ở các doanh nghiệp.
Đợt công tác cải tiến quản lý tài chính doanh nghiệp của Bộ trưởng Hoàng Anh đã tác động tích cực tới các bộ, ngành Trung ương và địa phương, làm cho bộ, ngành Trung ương và địa phương đề cao hơn trách nhiệm của mình trong việc tự tổ chức, kiểm tra, chống buông lỏng quản lý tài chính các doanh nghiệp.
Tài liệu tham khảo:
1. “75 năm Tài chính Việt Nam 1945-2020”, NXB Tài chính;
2. Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính (mof.gov.vn).
Những đóng góp của đồng chí Hoàng Anh cho Đảng, cho cách mạng nói chung và cho sự nghiệp Tài chính Việt Nam nói riêng xứng đáng được toàn Đảng, toàn dân và ngành Tài chính tôn vinh. Đồng chí là tấm gương sáng của một đảng viên cộng sản kiên trung, trọn đời phấn đấu vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân, xứng đáng cho toàn thể cán bộ, công chức ngành Tài chính hôm nay học tập, noi theo. Ghi nhận, tôn vinh những đóng góp to lớn của nhà cách mạng lão thành, Đảng và Nhà nước đã trao tặng đồng chí Hoàng Anh Huân chương Sao Vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác.