Bộ trưởng lắng nghe nông dân nói, khơi thông nguồn lực đất đai
Sáng 24/11, tại Trung tâm Hội nghị 37 Hùng Vương (Hà Nội), Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn 'Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói'.
Diễn đàn Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lắng nghe nông dân nói năm 2024 có chủ đề: "Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng tới mục tiêu NetZero, bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn". Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt được giao phối hợp với Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường trực tiếp thực hiện diễn đàn.
Tham dự Diễn đàn có Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cùng đại diện các cục, vụ, viện, trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện các Ban, đơn vị thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam…, cùng hơn 200 nông dân tiêu biểu từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Diễn đàn cũng sẽ được kết nối đến hơn 10.000 điểm cầu là Hội Nông dân các cấp tỉnh, huyện, xã cả nước nhằm tuyên truyền, lan tỏa tới đông đảo cán bộ, hội viên nông dân cả nước.
Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết: “Diễn đàn là dịp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã về các vấn đề đất đai, chuyển đổi sản xuất xanh, vấn đề bảo vệ môi trường, từ đó có các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khơi thông các “điểm nghẽn” còn tồn tại đúng như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao lãnh đạo các Bộ, ngành chủ động, tăng cường tổ chức lắng nghe, đối thoại với các chủ thể về từng chủ đề, lĩnh vực nhằm kịp thời.
Diễn đàn được tổ chức tại thời điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết: Khu vực nông thôn Việt Nam với hơn 62 triệu người dân đang sinh sống, giữ vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và Hội Nông dân Việt Nam đã hình thành tổ chức hội các cấp xuyên suốt từ trung ương đến địa phương với số lượng hội viên đông đảo.
Khơi thông nguồn lực đất đai, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước luôn là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết thêm, thực tiễn đang đòi hỏi chúng ta cần phải nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên; giải quyết tốt các thách thức về ô nhiễm môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bởi đây là những vấn đề đang ảnh hưởng trực tiếp đến các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Cùng với đó, ước tính lượng phát thải của hoạt động nông nghiệp chiếm khoảng 43% tổng lượng phát thải quốc gia, tương đương 65 đến 150 triệu tấn CO2/năm, đòi hỏi chúng ta cần nỗ lực chung tay cùng bà con nông dân kéo giảm phát thải khí nhà kính trong ngành nông nghiệp, hướng tới mục tiêu NetZero vào năm 2050.
Tại diễn đàn, các đại biểu, nông dân đã trao đổi thảo luận và trả lời các câu hỏi liên quan đến các nội dung chính như: Cơ chế, chính sách về thi hành Luật Đất đai, cơ chế, chính sách về khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp; Cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát huy, khơi thông nguồn lực từ đất đai phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội.
Các vấn đề về cơ chế chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu, mục tiêu giảm phát thải ròng, hấp thụ carbon như về: Cơ chế, chính sách về thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường khả năng dự báo khí tượng, thủy văn, nhất là các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ quét, sạt lở đất, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đảm bảo đời sống, sản xuất cho người nông dân; Phát huy vai trò của nông dân trong thực hiện mục tiêu thực hiện giảm phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 (NetZero), nông dân tham gia sản xuất hấp thụ carbon thấp.
Các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn như: Cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp, môi trường làng nghề; cung cấp nước sạch và xử lý nước thải ở nông thôn. Thực tiễn trong quá trình thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới; Cơ chế, chính sách trong thực thi về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản ở nông thôn.